Tâm điểm
Nguyễn Văn Tưởng

Thương trường không phải là chiến trường

Nhân dịp ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi cứ suy ngẫm mãi về câu "Thương trường là chiến trường" - vẫn thường được nhắc đến như một chân lý. 

Nhưng sau nhiều trải nghiệm, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xem lại và thay đổi quan niệm này. Tôi là doanh nhân đã nếm trải nhiều nghiệt ngã của thương trường, từng "lên bờ xuống ruộng", trải qua những thời khắc sinh tử của việc kinh doanh, nhưng tôi vẫn không xem "thương trường là chiến trường".  

Chiến trường là một sống, hai chết, là một mất một còn, "anh thắng thì tôi bại" Theo Binh Pháp Tôn Tử,  việc binh vốn không ngại dối trá, chấp nhận mọi thủ đoạn, dùng mưu ma chước quỷ để tiêu diệt kẻ thù. Đó là những điệu hổ ly sơn, mượn dao giết người, mỹ nhân kế, khổ nhục kế… Tất cả tạo thành thiên la địa võng, thiên hình vạn trạng đầy cạm bẫy khó lường. Nếu tư duy thương trường như chiến trường thì phải sử dụng những "binh pháp" đầy vẻ sắt máu, lừa gạt, gian dối. Như vậy việc kinh doanh quả thật đáng sợ, đồng tiền nhuốm máu. 

Đây là một quan niệm chẳng những không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về cạnh tranh mà còn đi ngược với tập quán thương mại quốc tế hiện nay.

Tôi không rõ quan niệm ấy có liên quan đến những vụ án doanh nhân bị bắt gần đây hay không, nhưng nhiều đại gia đã bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".  Họ đều kiếm hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có huy động trái phiếu, và đẩy rất nhiều người vào tình cảnh có thể mất hết những đồng tiền mồ hôi nước mắt. 

Phải chăng những doanh nhân đó đã xuất phát từ câu "thương trường là chiến trường", nên triết lý kinh doanh là "tôi thắng anh thua hoặc ngược lại". Triết lý ấy dẫn tới một doanh nhân thành công đồng nghĩa với việc bỏ lại phía sau biết bao kẻ phá sản, bao nhiêu người đau khổ tay trắng…

Nhưng tư duy kinh doanh hiện đại đã thay đổi, các doanh nhân đang chia sẻ nguyên tắc "cùng thắng" - "win - win". Theo đó, những người làm kinh doanh, hợp tác với nhau sẽ tôn trọng nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi". 

Với tôi, cao hơn nguyên tắc "đôi bên cùng có lợi" phải là đạo đức kinh doanh hướng tới những giá trị vì cộng đồng. Doanh nhân trước hết phải tuân thủ pháp luật, nhưng cao hơn pháp luật là đạo đức.

Trong cơ chế thị trường, pháp luật về kinh doanh đôi khi không theo kịp đời sống kinh tế, tạo ra những kẽ hở. Xuất hiện một loại doanh nhân chuyên đi khai thác những kẽ hở của pháp luật, làm lợi cho chính mình, nhưng gây hại cho cộng đồng. Pháp luật có thể chưa kịp điều chỉnh nhưng đạo đức kinh doanh phải đứng vượt lên, biết bỏ qua những "kẽ hở" đó nếu nó "lợi mình hại người". 

Cha ông ta đã đúc kết một câu, tôi nghĩ dường như dành cho các doanh nhân: "Có đức mặc sức mà ăn". Người doanh nhân thời nay không chỉ phải học các kỹ năng kinh doanh hiện đại mà trước hết phải đặt trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu.

Trong chuyến công du Việt Nam mới đây, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak đã tới thăm công ty tôi, ông có chia sẻ: Hãy nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân. Với ông, tinh thần doanh nhân của người Do Thái luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, sự giàu có và thịnh vượng phải được xây trên sự hài lòng và niềm tin của khách hàng.  

Vì vậy doanh nhân Do Thái luôn không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tất cả vì lợi ích của  khách hàng. Tinh thân doanh nhân còn là làm giàu dựa trên tài năng và trí tuệ, động lực làm giàu để khẳng định năng lực bản thân và đóng góp cho cộng đồng chứ không phải dựa trên lòng tham và sự hà tiện đến ty tiện. 

Trong kho tàng dân gian Việt Nam đã có câu chuyện về anh nhà giàu ngã xuống sông, sắp chết đuối, anh người nhà vội kêu to: "Ai cứu chủ tôi thưởng một quan tiền". Anh nhà giàu cố ngoi lên nói: "Một quan đắt quá" rồi chìm nghỉm. Loại nhà giàu đến tính mạng của mình còn mặc cả thì làm sao chia sẻ được với ai? Hình ảnh ấy hoàn toàn trái ngược với câu chuyện của các tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill Gate, Warren Buffett… đã cam kết để lại gần như toàn bộ tài sản của mình cho hoạt động từ thiện

Trong văn hóa kinh doanh ngày nay, thương trường không còn là chiến trường nữa. Thương trường giờ đây là nơi cùng hợp tác, trao đổi, nâng đỡ …cho nhau cùng có lợi. không ai lợi dụng ai bóc lột ai. Với tư duy đó, mới sinh ra chuỗi giá trị toàn cầu, khi mà sản xuất một cái điện thoại cũng có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, nơi sản xuất pin, nơi làm chip, nơi cung cấp thân vỏ…

Và với tư duy ấy, không có "chiến trường" với một kẻ chiến thắng duy nhất, mà tất cả phải cùng thắng. Với tư duy ấy, doanh nghiệp này "hắt hơi" thì doanh nghiệp kia "sổ mũi", thất bại của người này không phải là niềm vui của người khác. 

Chúng ta cũng không nên chỉ đơn giản ca ngợi những doanh nhân tỷ phú, triệu phú đô la trong khi cách làm giàu của một số ít có thể đang gây những tác động không tích cực cho cộng đồng. 

Không nên xây dựng những hình ảnh tỷ phú một cách đơn giản bằng cách thống kê số tiền họ kiếm được, mà nên xây dựng hình ảnh doanh nhân làm giàu dựa trên triết lý kiến tạo giá trị cho cộng đồng.

Trong thời đại mới, cần cái mà tôi tạm gọi là "cương lĩnh" làm giàu của doanh nhân, cần chuẩn hóa  hình ảnh doanh nhân để có thể rõ ràng hơn về thế nào là một doanh nhân chân chính, tử tế. Ít ra như thế, doanh nhân cũng có tấm gương để tự soi mình thay vì được định giá bằng danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Tưởng từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam  thường trú khu vực Tây Nguyên.  Sau đó, ông thành lập công ty Trầm Hương Khánh Hòa, góp công lớn đưa trầm hương Việt Nam trở thành một thương hiệu  được bạn bè thế giới biết đến. 

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!