Tâm điểm
Phùng Nguyên

Thị trường "dị biệt" và nửa đêm đi đổ xăng

Buổi chiều lòng vòng qua mấy cây xăng gần nhà, tôi thấy chỗ thì nghỉ bán, chỗ lại xếp hàng quá dài nên quyết định đợi đến nửa đêm chạy xe ra cho thông thoáng. Nào ngờ không chỉ tôi mà nhiều người cũng nghĩ vậy và tất cả vẫn không thoát khỏi cảnh chen chúc.

Tình cảnh nhiều cửa hàng xăng dầu "hết hàng" hoặc bán "nhỏ giọt" ở TPHCM và một số địa phương phía Nam đã lan ra Hà Nội. Và sau hai lần lãnh đạo Bộ Công Thương phát biểu về vấn đề này ở Quốc hội, tình hình vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí không ít nơi người dân phải xếp hàng dài hơn. Trên đường phố xuất hiện trở lại tình trạng cây xăng "cục gạch" tiềm ẩn rủi ro nhiên liệu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn. Trong nhiều năm qua chưa bao giờ đổ xăng trở thành "hành lộ nan" như vậy.

Công điện mới nhất của Thủ tướng (ngày 11/11) nêu rõ Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về công tác điều hành thị trường xăng dầu.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng được giao triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11, nghĩa là từ cuối tuần này.

Công điện nêu "địa chỉ" và "thời hạn" rất rõ ràng. Như chính lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề cập và nhiều chuyên gia phân tích, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ là hiện tượng bề nổi của một thị trường xăng dầu có những dị biệt; muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì cần nhìn nhận và đưa ra những giải pháp ở gốc rễ của vấn đề.

Thị trường dị biệt và nửa đêm đi đổ xăng - 1

Người dân xếp hàng tràn ra đường chờ mua xăng trên phố Trần Vỹ , Hà Nội, ngày 11/11 (Ảnh: Đỗ Quân - Văn Hưng)

Một trong những điểm dị biệt hay còn gọi là bất thường nằm ở chỗ, xăng dầu trở thành một mặt hàng càng bán càng lỗ. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, một đại diện của Petrolimex - tập đoàn xăng dầu nhà nước với 2.700 cửa hàng trên cả nước, cho tôi hay trong thời điểm này các cửa hàng của tập đoàn luôn mở cửa nhưng phải gồng mình chịu lỗ, 9 tháng đầu năm lỗ gần 800 tỷ đồng.

Trong tháng 10 vừa qua, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã viết thư "cầu cứu" vì kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Lý do thua lỗ nằm ở những bất cập trong cơ cấu tính giá cơ sở, dẫn đến hệ quả dây chuyền là doanh nghiệp đầu mối đã phải hạ chiết khấu xuống thấp, thậm chí 0 đồng. Nếu chiết khấu ở mức 100-300 đồng/lít thì tính ra các đại lý vẫn bị lỗ nói gì tới 0 đồng.

Khi thua lỗ thì dễ hiểu là các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm rút khỏi thị trường, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Trên diễn đàn Quốc hội trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và chất vấn, đã có đại biểu nêu vấn đề, với điều kiện bất thường hiện nay, nếu vẫn điều hành xăng dầu trong nước theo quy định hiện hành thì sẽ có "độ vênh". Bởi vì nhiều quy định chỉ đúng trong điều kiện bình thường, khi bất thường sẽ trở nên bất cập, và bất cập không được xử lý kịp thời thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, thị trường bị đứt gãy.

Điều kiện bất thường của thị trường xăng dầu đã diễn ra nhiều tháng qua với "khúc dạo đầu" là hàng loạt cây xăng ở một số tỉnh, thành phía Nam đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt, chính sách điều hành dù đã có một vài điều chỉnh nhưng đến nay nhìn chung vẫn theo quy định trong điều kiện bình thường. Muốn khắc phục ở gốc rễ vấn đề thì trước hết phải sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Căn cứ vào thực tiễn và báo cáo của cơ quan chức năng, Công điện lần này của Thủ tướng đã nêu một số nhóm giải pháp được nhiều chuyên gia cho rằng rất "đúng và trúng", trong đó có bốn nhóm giải pháp quan trọng. Trước hết là khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.

Tiếp theo, lãnh đạo hai Bộ Tài chính và Công Thương cùng các doanh nghiệp đầu mối định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp.

Các bộ ngành liên quan xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định pháp luật.

Công điện cũng nêu rõ cần hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.

Trong các nhóm giải pháp trên, việc tăng dự trữ quốc gia có ý nghĩa chiến lược, tránh việc chỉ phụ thuộc vào dự trữ lưu thông của doanh nghiệp. Quyết định 1030 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra dự trữ Quốc gia về xăng dầu trong 90 ngày, nhưng lâu nay mức độ dự trữ được cho là khá "mỏng". Đứng trên bình diện quốc gia, phải nâng mức dự trữ lên, thì khi thị trường có những biến động có thể xả kho xăng dầu để can thiệp vào thị trường.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp khác, cụ thể như đề xuất nên chuyển quản lý về một đầu mối, để Bộ Công Thương "toàn quyền" điều hành thị trường xăng dầu sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh và linh hoạt hơn.

Một bộ điều hành thì xử lý sẽ nhanh hơn, tuy nhiên lại đang vướng một số vấn đề như bị chi phối bởi Luật Giá, rồi quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính quản lý về giá, phí, thuế. Khi chuyển sang một đầu mối thì phải có lộ trình điều chỉnh luật, phải đồng bộ từ quy định pháp luật, hành lang pháp lý.

Tình trạng xăng dầu biến động vừa qua cũng có nguyên nhân từ thực tế là Việt Nam có quá nhiều thương nhân đầu mối. Nhật Bản tiêu thụ 130-140 triệu tấn xăng dầu nhưng chỉ có 5 thương nhân đầu mối. Việt Nam chỉ tiêu thụ 20-22 triệu tấn xăng dầu nhưng có 36 thương nhân đầu mối. Về lí thuyết, nhiều thương nhân đầu mối thì sẽ có sự cạnh tranh, người tiêu dùng có lợi, nhưng quan sát sẽ thấy các thương nhân đầu mối gần như giá bán giống nhau. Trong khi đó, nhiều thương nhân đầu mối làm cho trung gian được hưởng lợi bởi vì họ cạnh tranh bán hàng vào đối tượng trung gian.

Được biết vừa qua Petrolimex đã kiến nghị Bộ Công Thương nên rà soát lại số lượng các thương nhân đầu mối để tăng khả năng kiểm soát của Nhà nước và sự chịu trách nhiệm về nguồn cung của những doanh nghiệp này. Đây cũng là một giải pháp cần được xem xét trong thời gian tới.

Cuối cùng, một trong những giải pháp để bình ổn thị trường xăng dầu liên quan đến chuyển đổi số. Các đơn vị cần đẩy mạnh việc quản lý kinh doanh xăng dầu thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin từ kho đến cột bơm, qua đó thị trường sẽ vận hành minh bạch hơn; về phía đơn vị cũng dễ dàng biết được hôm nay bán được bao nhiêu, thông số từng lần bơm, tránh được hiện tượng gian lận, găm hàng…

Xăng dầu được ví như "máu" của nền kinh tế, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi thông mạch máu, và để người dân không còn phải căng đầu tính toán "nên đi đổ xăng nửa đêm hay sáng sớm".

Công điện của Chính phủ đã giao nhiệm vụ và giải pháp rất rõ ràng. Trong điều kiện dị biệt thì rất cần sự linh hoạt, phản ứng kịp thời của các bộ ngành liên quan; đây là lúc không chấp nhận sự chậm chạp và đùn đẩy trách nhiệm.

Tác giả: Nhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!