Tâm điểm
Nguyễn Tiến Thỏa

Giải pháp khơi dòng chảy xăng dầu

Trước những biến động của thị trường xăng dầu thời gian qua, câu hỏi được quan tâm là "nút thắt" ở đâu? Tôi cho rằng cái gốc bao trùm chính là cung - cầu xăng dầu căng thẳng theo hướng cung không đáp ứng đủ cầu và đứt gãy nguồn cung ở nhiều nơi.

Tình hình này là tổng hòa của nhiều nguyên nhân. Trước hết, việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu ở thị trường thuế suất ưu đãi thì hàng không có nhiều; nhập khẩu ở thị trường có thuế suất cao hơn lại không được phép vì lỗ.

Doanh nghiệp gặp khó trong việc mua hàng do không được tăng thêm hạn mức tín dụng. Chi phí đưa xăng dầu về nước (Premium - phần trả lãi cho người bán; chi phí vận chuyển…) tăng cao hơn quy định và chưa được điều chỉnh phù hợp. 

Giải pháp khơi dòng chảy xăng dầu - 1

Thị trường xăng dầu thời gian qua xuất hiện hiện tượng đứt gãy nguồn cung (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Giá thị trường thế giới biến động liên tục nhưng chu kỳ tính giá trong nước dài, dẫn đến những rủi ro về giá rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước.

Chính vì vậy, một số thương nhân đầu mối hạn chế nhập khẩu, nhập cầm chừng, thậm chí không nhập, chưa kể 12 thương nhân đầu mối bị tước giấy phép không nhập khẩu trong tháng 7, tháng 8/2022 dẫn đến nguồn cung rất căng thẳng (trong khi sản xuất trong nước không có đủ nguồn thay thế). Số liệu của Bộ Tài chính công bố cho thấy lượng nhập khẩu xăng dầu quý III/2022 giảm 30% - 40% từng loại so với quý trước đã minh chứng điều đó.

Thị trường trong nước xuất hiện dấu hiệu đứt gãy nguồn cung ở một số nơi là thực tế không thể phủ nhận. Lý do là nguồn để bơm ra thị trường từ các thương nhân đầu mối gặp khó khăn. Họ cũng chỉ cố gắng hết sức có đủ lượng đảm bảo cung ứng cho hệ thống của họ, lượng hàng có đâu mà "cưu mang" ngoài hệ thống. Hầu hết các thương nhân phân phối khó mua được hàng (thậm chí không mua được hàng của các thương nhân đầu mối) dẫn đến cạn nguồn cung ứng cho hệ thống bán lẻ thuộc hệ thống của mình. 

Hệ quả là, hệ thống bán lẻ này có những cửa hàng bị "bỏ rơi", không có hàng để bán. Mặt khác, giá bán lẻ không đủ giá vốn, gây lỗ, do các chi phí như Premium, tỷ giá, chi phí kinh doanh định mức không được tính đúng, tính đủ… Tình hình này buộc các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối phải ứng xử theo cách trước hết đảm bảo an toàn cho lợi ích của mình trên cơ sở bán hàng cho hệ thống bán lẻ theo giá bán buôn bằng giá bán lẻ (như vậy, đương nhiên chiết khấu bán lẻ bằng 0 đồng); thậm chí có những thời điểm bán hàng với giá bán buôn cao hơn cả giá bán lẻ (và đương nhiên là chiết khấu bán lẻ âm). 

Hứng chịu cách hành xử của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối như vậy thì đương nhiên là các cửa hàng bán lẻ bị lỗ và không cách nào khác họ phải đóng cửa, ngừng bán hàng… Vì họ là doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải doanh nghiệp công ích nên không thể cứ "Bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bằng mọi giá".

Thực tế, thị trường xăng dầu là như vậy, không nhìn thẳng vào thì không thể xử lý bình ổn được. Các giải pháp chúng tôi xin kiến nghị để tháo gỡ "nút thắt", khơi dòng chảy nguồn cung là:

Thứ nhất, cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu không chỉ ở thị trường có thuế suất ưu đãi mà ở cả những thị trường có mức thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung.

Đi liền với đó là tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng bám sát những thay đổi của thực tế, chi phí, giá thị trường (premium, tỷ giá, chi phí vận chuyển).

Thứ hai, điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm: Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỷ giá; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh định mức kinh doanh xăng dầu.

Thứ ba, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh định mức của tất cả các khâu trong kinh doanh xăng dầu, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng. Thậm chí, cơ quan Nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức.

Thứ tư, bãi bỏ quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu bởi quy định này luôn xảy ra tình trạng: Không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng cho thương nhân phân phối và thương nhân phân phối dễ bị thương nhân đầu mối "bỏ rơi" khi lượng hàng khan hiếm. 

Thay thế quy định trên theo hướng: Một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, đăng ký hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà mình ký kết.

Thứ năm, đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày; tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ (vì ngày nghỉ không công bố giá); không lùi ngày điều hành giá trong nước nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ, tết… nhằm phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự "lệch pha" giữa giá trong nước với giá thị trường thế giới.

Tác giả: Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, hiện là Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!