Tạo ảnh đại diện AI và sự lạc quan công nghệ
Những ngày này nhiều người phải kêu lên rằng vào mạng xã hội giờ không nhận ra bạn bè nữa, bởi phong trào tạo ảnh đại diện bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên những hình chân dung đẹp như trên phim, lan truyền khắp "cõi mạng".
Một điều dễ dàng quan sát thấy là người Việt tiếp nhận khá nhanh các trào lưu liên quan đến AI, chẳng hạn gần đây khi ChatGPT ra đời thì chúng ta đã chứng kiến một xu hướng nổi bật trên mạng xã hội là "hỏi - đáp" với ChatGPT, cùng rất nhiều bình luận, phân tích về cái hay, cái dở của ứng dụng này cho dù lúc đó OpenAI (công ty mẹ của ChatGPT) vẫn chưa chính thức cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
Tất nhiên những điều kể trên chỉ là trào lưu nhất thời và ít nhiều mang tính giải trí. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10) vừa qua, rằng "Quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số".
Thiết nghĩ dân số trẻ, nhanh nhạy và cởi mở trong tiếp nhận các tiến bộ khoa học công nghệ, một bộ phận được đào tạo tốt… là những nền tảng để một quốc gia như Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Trong tiểu luận dài hơn 5.000 từ của Marc Andreessen (doanh nhân và kỹ sư phần mềm nổi tiếng người Mỹ, đồng sáng lập Netscape) được công bố vào ngày 16/10, đã đưa ra tuyên ngôn đầy tham vọng là công nghệ và thị trường là "động cơ song sinh" sẽ đưa nhân loại đến một tương lai dồi dào (abundance) và thịnh vượng. Tầm nhìn táo bạo này có thể còn những điểm tranh cãi, song rõ ràng là đáng tham khảo bởi Andreessen từ lâu đã là một trong những người có uy tín và ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ.
Một số luận điểm trong tiểu luận của Andreessen có thể được tóm tắt như sau:
* Công nghệ, được hỗ trợ bởi thị trường, là động lực chính cho sự tiến bộ và thịnh vượng của con người. Nó giải quyết các vấn đề, tạo ra sự phong phú và mở rộng khả năng.
* Trí thông minh, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo (AI) và năng lượng sẽ là nền tảng của sự tiến bộ. Chúng ta nên tối đa hóa cả hai, bao gồm thông qua AI, để tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội.
* Những người lạc quan về công nghệ tin vào sự theo đuổi đầy tham vọng và quyết liệt để đổi mới, đạt được thành tựu và sự vĩ đại.
* Lạc quan về công nghệ là một triết lý. Nó mở ra những khả năng về cách sống. Đó là sự giải phóng tiềm năng của con người. Tiến bộ công nghệ là một công việc mang tính đạo đức sâu sắc. Sự trì trệ và kiềm chế là kẻ thù của sự tiến bộ cũng như triển vọng tốt đẹp hơn của con người.
Andreessen đưa ra lời kêu gọi hành động quan trọng đối với tinh thần kinh doanh và đổi mới nhằm giải quyết những thách thức lớn. Nó nhấn mạnh các giải pháp công nghệ đã cải thiện mức sống và phúc lợi xã hội trong lịch sử, cùng với tầm quan trọng của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Và nó tôn vinh khả năng của con người được mở rộng thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ.
Một điểm hạn chế trong lập luận của Andreessen là tập trung vào sự dồi dào về vật chất, tuy quan trọng nhưng lại bỏ qua sự tác động của công nghệ đối với đạo đức, tâm lý, văn hóa và môi trường.
Tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Lợi ích của tiến bộ khoa học công nghệ là rất rõ ràng, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro, những mặt trái mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian vừa qua. Một đơn cử là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng… Những nguy cơ về an ninh mạng không chỉ rình rập với mỗi cá nhân mà còn ở tầm quốc gia và quốc tế.
Chính vì những rủi ro, phức tạp như vừa nêu, sự thận trọng trong tiếp cận cái mới mà khoa học công nghệ mang đến là cần thiết. Chẳng hạn tính năng tạo ảnh đại diện nói riêng và các ứng dụng được phát triển trên cơ sở trí tuệ nhân tạo nói chung đều vận hành dựa vào thu thập dữ liệu. Vậy thì bao nhiêu dữ liệu, hình ảnh cá nhân của người dùng sẽ được thu thập và dữ liệu đó được sử dụng như thế nào, vào việc gì? Quyền cá nhân và các yêu cầu về bảo mật dữ liệu được tôn trọng đến đâu? Đây là những vấn đề chúng ta phải xem xét. Rõ ràng, người dùng cần nhận thức đầy đủ về "hai mặt của tấm huy chương" thay vì chỉ đơn giản hào hứng với khía cạnh giải trí đơn thuần mà trí tuệ nhân tạo mang lại.
Dù sao, sự lạc quan về công nghệ của Andreessen xứng đáng được giới công nghệ và các nhà làm chính sách nghiên cứu, vì đã đưa ra một cách rõ ràng tầm nhìn khẳng định về tiềm năng của công nghệ trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của con người.
Andreessen đóng vai trò quan trọng với tư cách là một nhà lãnh đạo công nghệ nổi tiếng sẵn sàng bảo vệ sự đổi mới trước sự phản đối. Tuyên ngôn của ông cung cấp một điểm khởi đầu có giá trị để khơi dậy cuộc đối thoại công khai về việc khai thác công nghệ vì lợi ích chung. Nhưng điều này phải đánh dấu sự bắt đầu chứ không phải điểm kết thúc của một cuộc thảo luận rộng rãi và thận trọng hơn.
Một con đường thận trọng phía trước nằm ở việc cân bằng giữa các lời kêu gọi tiến bộ dựa trên công nghệ có tầm nhìn xa với sự cảnh giác tương xứng về các rủi ro. Tiểu luận của Andreessen cảnh báo một cách đúng đắn rằng đừng để sự trì trệ bi quan ngăn cản sự tiến bộ. Nhưng sự lạc quan không nên làm chúng ta mù quáng trước những thách thức phức tạp như đã đề cập ở trên.
Sự tiến bộ đòi hỏi phải nuôi dưỡng công nghệ để phục vụ cả năng suất và phẩm giá con người. Với tầm nhìn cân bằng này, tinh thần lạc quan nhiệt tình về công nghệ trong bản tuyên ngôn có thể góp phần thúc đẩy xã hội lên những tầm cao mới.
Trở lại với câu chuyện tạo ảnh đại diện AI trên mạng xã hội ở đầu bài viết, rõ ràng sự hào hứng của cộng đồng với những gì công nghệ, trí tuệ nhân tạo có thể làm được là cơ sở ủng hộ to lớn với các chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nói chung, thúc đẩy chuyển đổi số nói riêng.
Tôi có niềm tin rằng AI sẽ làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống, xã hội loài người trong những năm tới. Quan trọng nhất là chúng ta chuẩn bị gì cho hành trình kỷ nguyên AI này?
AI không chỉ dành cho dân kỹ thuật (Data Scientist, AI Engineer, ML Ops, Programmer) mà AI sẽ trở thành một công cụ làm việc, thay đổi cách thức làm việc của mọi người.
AI không chỉ là một phái sinh (derivative) của chuyên ngành Khoa học máy tính mà lĩnh vực công nghiệp này đang sử dụng rất nhiều các nhà ngôn ngữ học, các nhà khoa học hành vi, các nhà đạo đức học. Ví dụ là Gary Marcus, nhà tâm lý học, nhà khoa học nhận thức người Mỹ, nhưng thường xuyên phát biểu về AI, tham gia nhiều phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, đã trở thành một nhà lý luận về đạo đức học AI. Nghĩa là AI đã trở thành một lĩnh vực đa ngành nếu như xét dưới góc độ tác động toàn diện mọi mặt cuộc sống.
AI sẽ thay đổi khá triệt để cấu trúc lao động, nhiều ngành nghề sẽ mất đi nhưng đồng thời mở ra nhiều ngành nghề mới. Học kỹ năng sử dụng AI là một điều kiện tiên quyết trong thị trường lao động hiện nay. Bạn đã chuẩn bị tâm thế như thế nào hay chỉ xem nó như trò giải trí trên mạng xã hội?
Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước - VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!