Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Công nghệ sinh trắc học, lợi ích và rủi ro

Logan Airport là một trong những sân bay quốc tế quan trọng tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Thường xuyên phải bay từ Boston đến những thành phố khác, tôi ái ngại với cảnh xếp hàng dài tại sân bay, không kém gì so với cảnh xếp hàng ở Việt Nam dịp Tết.

Tuy nhiên, ở Mỹ hiện nhiều sân bay có những lối ưu tiên mà nếu bạn là du khách thì có thể không hiểu rõ là dành cho ai. Chẳng hạn tại Logan airport, bên cạnh lối đi dành cho khách phổ thông là một lối đi khác vắng hơn mang tên PreCheck. Tuy nhiên, để có thể đi cửa PreCheck, bạn phải đặt lịch hẹn đến văn phòng PreCheck, cung cấp vân tay và xác nhận sinh trắc học. 

Đây là một chương trình nhằm phổ cập hóa việc sử dụng sinh trắc học - bao gồm những thông tin như vân tay, mống mắt, giọng nói, AND, của cơ quan quản lý an toàn giao thông Mỹ (TSA). Theo các cơ quan quản lý, sử dụng sinh trắc học tại sân bay mang đến nhiều lợi ích như giảm thời gian chờ đợi cho hành khách, giản lược những thủ tục phức tạp, tăng cường an ninh sân bay. 

Công nghệ sinh trắc học, lợi ích và rủi ro - 1

Công nghệ sinh trắc học được sử dụng làm khóa cửa (Ảnh minh họa: Canva)

Đây được coi là một xu thế trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Mỹ. Tại Trung Quốc, công nghệ sinh trắc học đã được áp dụng tại 74 sân bay quốc tế (chiếm 86% số sân bay quốc tế tại đất nước này), theo báo cáo được công bố vào tháng trước bởi công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor và Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ. Con số này ở Mỹ là 36% số lượng sân bay quốc tế, theo báo New York Times.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ sinh trắc học để làm thủ tục thông quan tự động mà không cần hộ chiếu. Theo nhiều chuyên gia, năm 2024 này được đánh giá là "điểm bùng phát" cho việc sử dụng rộng rãi sinh trắc học trong ngành hàng không khắp thế giới.

Trong thực tế mọi người trên khắp thế giới không xa lạ với công nghệ sinh trắc học. Từ lâu chúng ta đã chấp nhận sử dụng dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại và nhiều loại ứng dụng khác nhau trên điện thoại; sử dụng giọng nói để dùng trợ lý ảo Siri trên iPhone…

Tại Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước mới, có hiệu lực từ 1/7/2024. Một trong những yêu cầu của kế hoạch này là "bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử…".

Theo quy định, sau khi Luật có hiệu lực, người dân khi đi làm căn cước sẽ bắt buộc phải cung cấp thông tin mống mắt; riêng ADN và giọng nói không bắt buộc. Tương tự như câu chuyện ở các sân bay quốc tế, việc áp dụng công nghệ sinh trắc học được cho sẽ giúp đồng bộ hóa dữ liệu, thuận tiện cho người dân khi bớt đi số lượng giấy tờ hành chính không cần thiết. Mỗi thông số sinh trắc học đã là một "căn cước công dân" mà không ai giống với ai.

Với xu thế hiện nay, tôi nghĩ rằng các sân bay ở Việt Nam cũng sẽ sớm áp dụng công nghệ sinh trắc học để nhận dạng hành khách, tối ưu quy trình gửi hành lý và lên máy bay.

Cũng phải nói thêm là công nghệ nhận dạng khuôn mặt, vân tay, giọng nói… cũng đã được áp dụng lâu nay ở một số khu nghỉ dưỡng (để kiểm tra du khách), câu lạc bộ tư nhân, phòng tập thể hình… Ngoài ra, nhiều sản phẩm khóa cửa hiện nay sử dụng công nghệ sinh trắc học thay cho khóa truyền thống.

Công nghệ sinh trắc học nằm trong xu hướng chuyển đổi số và những lợi ích của nó là rõ ràng, được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người đã chia sẻ lo ngại về tính riêng tư, bảo mật và sự an toàn của công nghệ này.

Với những dữ liệu được quản lý bởi cơ quan chức năng hay các tập đoàn công nghệ lớn, thì hành lang pháp lý, chính sách bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu được công bố tương đối rõ ràng và có sự cam kết, địa chỉ chịu trách nhiệm.

Nhưng, khi công nghệ sinh trắc học được sử dụng ngày càng rộng rãi, cả đi nghỉ dưỡng hay đến phòng tập thể hình cũng nhận diện khuôn mặt, thì liệu đến một ngày nào đó dữ liệu sinh trắc học của chúng ta có bị… rao bán trên mạng, tương tự như tình trạng với số điện thoại cá nhân lâu nay?

Trong các môn học về Đạo đức Công nghệ tại trường đại học ở Mỹ, một trong những thế lưỡng nan cơ bản chúng tôi hay được giáo viên đặt ra là câu chuyện giữa quyền riêng tư, quyền tự do và thông tin cá nhân. Trong khi người Trung Quốc coi trọng tính cộng đồng, các nước phương Tây coi trọng tính cá nhân. Chính vì vậy, dễ hiểu khi các quốc gia với tính cộng đồng cao dễ dàng chấp nhận việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học với mục đích đề cao lợi ích công, trong khi người dân các nước phương Tây không dễ chấp nhận điều đó. 

Khi nhắc tới sinh trắc học - ví dụ như nhận diện gương mặt, phải hiểu rõ rằng việc nhận diện gương mặt khác với việc bạn tải một bức ảnh 2D lên mạng xã hội. Hình chiếu 3D của gương mặt cho phép hackers, với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tạo ra những hình ảnh chân thật về người dùng. Nó giống như việc danh tính của bạn bị đánh cắp, một nỗi lo thường trực với người dân Mỹ khi để lộ thông tin số an sinh xã hội. 

Thông tin sinh trắc học của mỗi người có thể tiết lộ những thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe. Một số chương trình nhận diện gương mặt còn có thể dự đoán được tuổi thọ của mỗi người, dù mức độ chính xác vẫn cần nghiên cứu. Tuy nhiên, những thông tin trên sẽ rất có lợi cho các công ty bảo hiểm. Trong trường hợp các dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp và bán cho các công ty bảo hiểm, người dùng có thể phải tham gia các hợp đồng bảo hiểm cao hơn, hoặc bị từ chối mua bảo hiểm nếu dữ liệu về tuổi thọ bị tiết lộ. Đây chỉ là một trong số rất nhiều cách các công ty có thể trục lợi từ số liệu sinh trắc học.

Phải khẳng định rằng việc một sản phẩm công nghệ mới ra đời đi kèm với những nỗi lo và các vấn đề mới phát sinh là điều bình thường. Sản phẩm công nghệ nào cũng tồn tại những mặt tích cực và tiêu cực, đặc biệt trong thời gian đầu mới ra mắt. Điều quan trọng khi nhìn vào những mặt tiêu cực có thể xảy ra là tìm cách để sử dụng một cách hiệu quả và hạn chế những rủi ro tiềm tàng.

Người dùng cần nắm được quy trình và hiểu rõ những thông tin của họ đang được sử dụng, bảo mật ra sao. Cho phép người dùng có quyền "Opt out" (không lựa chọn tham gia) cũng là một cách tốt. Nếu một hành khách không muốn check-in bằng nhận diện gương mặt mà thay vào đó vẫn muốn xếp hàng dài để đổi lại sự yên tâm về thông tin cá nhân, đó là lựa chọn của họ.

Sự tiện lợi là những lợi ích nhãn tiền còn nỗi lo an toàn đôi khi là câu chuyện tương lai hoặc "chắc không xảy ra với mình đâu". Công nghệ sinh trắc học, với những lợi ích trước mắt rõ ràng, sẽ tiếp tục là xu thế trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, người dùng nên quan tâm tới cả những nguy cơ có thể xảy đến để sử dụng công nghệ sinh trắc học hiệu quả hơn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, khi sử dụng các sản phẩm công nghệ (như điện thoại), hay tham gia mạng xã hội, hay tham gia các hoạt động ngoài đời thực (như đi nghỉ dưỡng, đến phòng tập thể hình…), thì cẩn thận vẫn hơn. Bớt đi một đơn vị lưu trữ dữ liệu sinh trắc học là bớt đi một nỗi lo thông tin bị rò rỉ, sử dụng sai mục đích. 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!