Chuyện "quét mã QR mua xôi" và sự lệ thuộc công nghệ
Sáng hôm qua, tôi đi mua xôi nhưng quên mang tiền, bèn lấy điện thoại ra chuyển khoản. Tôi nói với chị bán xôi sao không làm cái QR code hoặc số tài khoản dán lên, vì chắc chắn nhiều người đi thể dục, đi chạy buổi sáng chỉ mang theo điện thoại chứ không mang tiền. Chị bán xôi bảo "để mai dán luôn, trước đây cũng có người nói rồi mà chưa kịp làm".
Hình dung từ mai sẽ quét mã QR khi mua xôi, một chuyện nhỏ nhưng khiến tôi nhận ra công nghệ đang thay đổi cuộc sống của chúng ta đến chóng mặt. Giờ đây mọi người có thể ra đường mà không cần mang theo xu nào trong túi, chỉ cần một chiếc điện thoại hay thẻ ngân hàng là đủ. Đây là tình huống mà đôi chục năm trước chỉ có ở trong phim.
Tôi còn nhớ, 10 năm trước, báo chí làm rất nhiều chuyên đề về thương mại điện tử để chỉ ra các rào cản về thanh toán, tính an toàn, bảo mật khiến nó không khả thi. Bây giờ thì không còn giới hạn nào nữa. Như tôi chẳng hạn, từ mua Macbook đến túi đựng rác, cũng đặt trên Tiki, Shopee. Hầu như mọi thứ hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày cũng như thiết bị làm việc, tôi đều có thể tìm thấy trên các nền tảng thương mại điện tử.
Dưới sảnh tòa nhà tôi ở bây giờ còn có tủ đựng đồ hoặc bàn để đồ shipper mang đến. Chiều đi làm về các nhà gom đơn hàng của mình và đưa lên căn hộ. Nhờ vậy họ tiết kiệm rất nhiều thời gian đi siêu thị, đi chợ hay phải tìm kiếm ở các cửa hàng một món đồ gì đó cần thiết.
Trong nhà của chúng ta bây giờ, thiết bị điện tử và các ứng dụng công nghệ nhiều hơn mức chúng ta có thể nghĩ. Nó khác hoàn toàn với căn nhà truyền thống cách đây vài chục năm, ở thế hệ cha mẹ, ông bà ta. Máy giặt, máy sấy quần áo, máy rửa bát, bếp từ, tủ lạnh, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, robot lau nhà (thậm chí nó tự giặt giẻ, đổ nước, đổ rác)…, giải phóng cho con người ít nhất 2 tiếng mỗi ngày để làm tất cả những công việc ấy.
Trong phòng khách, tivi thông minh, đầu thu kỹ thuật số cho phép bạn xem đủ thứ trên đời, từ chương trình truyền thống đến youtube, lướt tiktok. Điều hòa hai chiều, máy hút ẩm, thiết bị lọc không khí… giúp căn nhà của bạn luôn tươi mới, thoát khỏi sự khó chịu của thời tiết. Phòng ngủ của bạn, toilet nhà bạn cũng có thể đưa vào các thiết bị công nghệ, từ máy rửa mặt tới bàn chải đánh răng điện nếu bạn có điều kiện và có nhu cầu.
Công nghệ thay đổi cuộc sống chúng ta và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thương mại, dịch vụ; giúp con người mua, bán "vượt qua" không gian, thời gian. Nó mang mọi thứ đến tận cửa nhà bạn, từ băng vệ sinh cho tới bữa ăn nóng hổi.
Mọi người trong đó có tôi đang vui vẻ hưởng thụ sự tiện lợi công nghệ mang lại. Nhưng tôi vẫn ý thức được, công nghệ và sự thuận tiện của thương mại điện tử cũng đưa đến những hệ lụy và mặt trái của nó.
Công nghệ đôi khi tước đoạt những niềm vui của sự tận hưởng mua sắm. Tôi nhớ thời xưa, để mua được một món đồ mới, phải tìm hiểu rất kỹ (với nguồn thông tin hạn chế) rồi đi xem trực tiếp, cân nhắc lên cân nhắc xuống. Còn bây giờ chúng ta chỉ cần ngắm nghía trên youtube, xem ảnh sản phẩm rồi chốt đơn bằng vài bước xác nhận đơn giản.
Công nghệ cũng tước đoạt đi của trẻ con bây giờ một tuổi thơ rong chơi. Những trò nghịch đất cát, lang thang khắp nơi, nghĩ ra đủ trò của bọn trẻ con thế hệ chúng tôi và các thế hệ trước nữa hầu như đã trở thành quá khứ, chỉ được kể lại mà thôi.
Khi chưa có điện thoại, chưa có iPad, máy tính, trẻ con phải liên tục động não để nghĩ các thú vui sao cho "tiêu" hết được thời gian rảnh rỗi vô biên. Còn trẻ con bây giờ gắn với cái điện thoại, game và mạng xã hội. Các nhà phát triển ứng dụng, nội dung trên mạng luôn biết cách để tăng thời gian sử dụng của người dùng, bằng rất nhiều thứ vô cùng hấp dẫn. Những đứa trẻ đắm chìm trong đó, nhiều khi với sự tiếp sức nhiệt tình của bố mẹ để "rảnh tay" làm việc khác. Không phải bố mẹ nào cũng có đủ kỹ năng, thời gian và quyết tâm để "lôi" con cái của mình ra khỏi thiết bị điện tử, dù thỉnh thoảng giật mình, "như thế là có hại". Rốt cuộc, họ không thể làm được điều đó vì bản thân họ cũng đang "nghiện" công nghệ.
Thế hệ 8X như tôi được trải nghiệm sự chuyển giao của rất nhiều giai đoạn đột phá công nghệ, nó diễn ra đồng thời với những sự thay đổi lớn về lối sống, cách sống. Tuổi thơ chúng tôi vẫn nghịch đất nghịch cát suốt ngày, lớn lên bắt đầu có "di động tít tít", internet "chat room"; đến tuổi trung niên thì xem tin nhắn xác nhận đơn đặt hàng và dùng mạng xã hội hàng ngày, thậm chí "sống ảo".
Những sự chuyển đổi đó không phải thế hệ nào cũng được trải nghiệm. Nhưng nhìn lại, tôi thích nhất tuổi thơ nghịch đất nghịch cát, mải mê theo từng trang sách giấy thay vì suốt ngày lướt điện thoại như hiện nay.
Bọn trẻ ở thành phố ngày nay không có cách nào "sở hữu" không gian tuổi thơ như thế nữa, vì cuộc sống đã tràn ngập công nghệ rồi. Tôi cho rằng đó là một sự thiệt thòi, và nếu được lựa chọn, tôi vẫn muốn những đứa con của mình có được trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên, có cuộc sống tương tác nhiều hơn với bạn bè, người thân và thế giới thực. Để qua đó con có những rung cảm với bầu trời, với mặt đất, với cỏ cây hoa lá và với mọi người thay vì cứ cảm nhận mọi thứ qua màn hình điện tử.
Dĩ nhiên sẽ hiếm có ai từ bỏ công nghệ để lựa chọn lối sống thời không có điện thoại và internet. Nó là công cụ tốt tới mức khiến chúng ta dần lệ thuộc và rất khó để dứt ra. Giờ đây chúng ta có thể quên nhiều thứ khi ra đường song gần như không thể quên điện thoại. Vậy nhưng, ngay khi nghĩ về công nghệ nhiều nhất, nói về công nghệ nhiều nhất và vui vẻ tận hưởng sự tiến bộ của công nghệ, chẳng hạn như chuyện quét mã QR để mua xôi sáng, tôi vẫn dặn mình dừng lại một phút để suy ngẫm lựa chọn giữa công nghệ và cuộc sống thực.
Đôi khi chúng ta phải biết tạm bỏ chiếc điện thoại xuống để nói chuyện với con, chơi với con một trò chơi không cần đến internet, dành thời gian cùng con ra bờ sông cắm trại, hay đơn giản cả nhà cùng nhau đi siêu thị rồi về quây quần nấu một bữa cơm tối mà không phải là đặt hàng qua mạng.
Khi công nghệ đã quá tiện lợi, quá hấp dẫn, thì phút suy ngẫm và làm được như vậy liệu có là quá khó?
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Quyết là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Điện tử Gia Đình Mới. Anh quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin và thường có những bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân về đời sống và công nghệ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!