Tác động kép khi "mua" thông tin vi phạm giao thông
Dự thảo nghị định về quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe đề xuất chi mua tin phục vụ xử lý vi phạm giao thông bằng 10% tổng số tiền phạt, nhưng không quá 5 triệu đồng.
Thông tin trên được dư luận quan tâm, không chỉ vì chuyện dự kiến mua tin phục vụ xử lý vi phạm giao thông đến 5 triệu đồng, mà vì nếu được áp dụng, người người đều kỳ vọng giải pháp sẽ góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Giá trị góp phần vào nâng cao trật tự an toàn giao thông sẽ đến từ hai khía cạnh: Việc để ý theo dõi những hành vi vi phạm sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và quan trọng hơn, tác dụng răn đe của chủ trương này sẽ rất lớn, khi việc xã hội hóa giám sát sẽ xóa tan hy vọng "giữ bí mật" những hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của những đối tượng cố ý và liên tục vi phạm.
Những kết quả có được từ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc là một gợi ý tốt cho thực hiện ý tưởng này, và cũng từng có những địa phương thực hiện việc "kịp thời khen thưởng" cho người cung cấp thông tin về những vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, thay vì chỉ dựa vào tinh thần tự giác, việc chi trả được quy định cụ thể sẽ điều chỉnh hành vi của cả cơ quan tiếp nhận thông tin và người cung cấp thông tin.
Như vậy, vấn đề là cách thức tổ chức triển khai, tiếp nhận và xử lý thông tin người dân cung cấp thế nào để đảm bảo hiệu quả.
Tôi còn nhớ, cách đây khoảng vài chục năm, để đối phó với nạn chuột phá hoại hoa màu, thóc lúa, chính quyền một xã vùng đồng bằng sông Hồng đã xây dựng đề án thưởng thóc cho người có công diệt chuột để khuyến khích toàn dân tham gia phong trào.
Theo đề án đó, để tránh việc phải vận chuyển hàng bao tải chuột lên UBND xã kiểm đếm để quy đổi ra thóc thưởng, người dân chỉ việc mang đuôi chuột lên nộp cho vừa đỡ công vận chuyển, vừa giúp chính quyền thuận tiện kiểm đếm. Tuy nhiên, công việc tưởng như đơn giản vậy mà lại đặt ra những vấn đề vô cùng nan giải. Một là, sau khi kiểm đếm, số đuôi chuột sẽ được bảo quản thế nào để đề phòng hiện tượng quay vòng trục lợi; Hai là, làm thế nào để xác nhận rằng, đuôi chuột được đem đến đổi thóc chính là chuột bị diệt trên địa bàn xã, bởi nếu chuột của xã khác, huyện khác thậm chí có thể là đuôi chuột giả hoặc được nhập lậu qua biên giới thì không chỉ làm chệch mục tiêu của đề án, mà khi hiện tượng đó xảy ra, xã cũng không đủ khả năng chi trả; Ba là, việc giám sát tiêu hủy, chôn lấp xác chuột phải đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh.
Để quản lý các vấn đề trên, cần sự vào cuộc của các bộ phận Quản lý thị trường, Môi trường, Y tế, Công an xã, thậm chí còn cần sự giúp sức từ phía cơ quan hải quan để ngăn chặn hành vi nhập lậu có thể xảy ra… đã khiến chính quyền xã nọ phải cầu cứu lên UBND huyện. Câu chuyện này cho thấy những phức tạp, thách thức trong quá trình triển khai một ý tưởng có mục đích tốt.
Trở lại chuyện chi trả tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm an toàn, trật tự giao thông đường bộ, việc quản lý, sử dụng tin tức đem lại hiệu quả, vừa xử lý đúng đối tượng vừa đảm bảo công bằng, chính xác đối với người cung cấp tin tức sẽ là một vấn đề đặt ra, cần xem xét kỹ lưỡng.
Chẳng hạn, làm thế nào để xác định "thông tin có giá trị", bởi về các mặt thời gian sự việc xảy ra, mức độ của hành vi vi phạm và chất lượng hình ảnh, âm thanh nếu thẩm định để quy ra "giá trị", có vẻ như một khái niệm khó định lượng, mà mang ý nghĩa cảm tính nhiều hơn.
Mặt khác, nếu cơ quan có thẩm quyền gần như đồng thời nhận được tin tức thông tin từ hơn một người và cùng đáp ứng tiêu chuẩn "có giá trị", việc thanh toán sẽ được thực hiện như thế nào?
Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải thích rồi chia tiền thưởng cho tất cả, hay bình xét các yếu tố về chất lượng hình ảnh (âm thanh)?
Có thể thấy, trước nay, việc gửi các thông tin vi phạm đều dựa vào tinh thần tự giác của người tham gia giao thông, vì thế chắc chắn những "cộng tác viên" này không quá coi trọng yếu tố vật chất. Vậy nhưng, nếu cũng gửi thông tin mà không được "hồi báo" lại là vấn đề hoàn toàn khác và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới động lực cộng tác của họ. Về việc này, ý kiến của một cán bộ từng công tác trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng đã chỉ rõ, "người dân cũng không phải vì đồng tiền mới cung cấp thông tin; mục đích lớn nhất là động viên để người dân tích cực tham gia, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông".
Ngoài ra, việc xử lý như thế nào để vừa đảm bảo phát huy "giá trị thông tin", nhưng lại ngăn chặn được việc cung cấp tin giả và cũng không nên loại trừ khả năng thông tin cung cấp có thể sẽ vi phạm về hình ảnh cá nhân.
Vấn đề vi phạm hình ảnh cá nhân, có thể chỉ là việc ngoài ý muốn của người cung cấp, nhưng rất có thể một số cá nhân lợi dụng việc này để thực hiện mục đích được "cài" ở phía sau. Trong một số trường hợp, việc làm thế nào để chứng minh sự cố ý hay vô tình có lẽ là vấn đề không hề đơn giản. Vì thế, nếu quy định này được thông qua và đưa vào áp dụng, thì ngay khi ban hành, đây là vấn đề cần phải lưu tâm để chủ trương mới phát huy được tác dụng như dự kiến ban đầu và tránh được những phiền phức pháp lý có thể xảy ra.
Không chỉ vậy, việc quá hào hứng tham gia phong trào này rất có thể sẽ tạo nên những hệ quả không mong muốn đối với hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, nếu sau khi kết thúc hành trình, lái xe mới cắt cúp hình ảnh từ camera hành trình ra để gửi sẽ khiến tin tức được gửi có dù có giá trị tới đâu cũng có thể đã trở nên lạc hậu, vì thế, tranh thủ thời gian để gửi thông tin có thể sẽ khiến lái xe tùy tiện dừng, đỗ xe gây cản trở giao thông. Mặt khác, việc chú ý tới hành động không liên quan đến động tác lái xe cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới an toàn giao thông trên đường của chính người lái xe đó.
Mặc dù đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo nghị định và có lẽ ngoài những ý kiến đóng góp hữu ích từ người dân và các cơ quan hữu quan, bộ phận soạn thảo cũng đã có những dự liệu hợp lý đủ khả năng xử lý những tình huống có thể xảy ra.
Việc đưa vào áp dụng một ý tưởng có thể tạo nên "cú hích" đối với vấn nạn mất trật tự an toàn giao thông là vô cùng cần thiết và cấp bách. Với tinh thần đó, thiết nghĩ việc chỉ ra những khó khăn, có thể là không trọng yếu, trong quá trình vận hành ý tưởng mới có lẽ cũng là những thông tin đáng tham khảo.
Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!