Giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu: Đề xuất hợp lý
Một vấn đề nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong những ngày gần đây là việc Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu: chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo đó, với người lái ô tô vi phạm trong trường hợp này, phải chịu mức phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng thay (thay vì 6 -8 triệu đồng như trước đây); với người đi mô tô, mức phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (thay vì 2 - 3 triệu đồng như trước). Với xe máy chuyên dụng là từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng (hiện nay là 3 - 5 triệu đồng).
Có thể thấy mức tiền phạt này giảm đáng kể so với mức phạt được áp dụng lâu nay cho hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu.
Ban soạn thảo cho rằng, đề xuất này nhằm phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Giảm mức phạt, nhưng là cần thiết. Vì đây là một chính sách trong tổng thể các chính sách được đề ra nhằm ngăn chặn việc người dân đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thiệt hại tính mạng và tài sản cho người khác và chính mình.
Đây cũng là lần đầu tiên, mức phạt cho một hành vi vi phạm lại được đề xuất giảm nhẹ, thay vì tăng nặng như thường lệ.
Đến nay ý kiến các chuyên gia và người dân được phản ánh trên báo chí đều cho rằng, mức phạt hành chính mới do Bộ Công an đề xuất là rất nhân văn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của WHO cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe. Vì vậy, việc điều chỉnh mức phạt như nêu trên là phù hợp với thực tiễn và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Có một thực tế là thời gian qua, khi cơ quan chức năng đẩy mạnh xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn với mức phạt tiền khá nặng, tình hình vi phạm đã giảm, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia cũng giảm đáng kể. Điều này phần nào cho thấy những chuyển biến rất tích cực trong ý thức người dân.
Chúng ta vẫn nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu đã có cồn, tức là lái xe sau khi đã uống rượu bia. Đó là một thái độ dứt khoát và cần thiết. Nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống, để người dân nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật, không chỉ là phạt tiền, mà cần đồng bộ nhiều biện pháp.
Dự thảo nghị định này vẫn kế thừa 3 mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn; chỉ đề xuất hạ thấp mức phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Còn đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức 2 và mức 3, tức là người điều khiển giảm hoặc mất khả năng điều khiển phương tiện bình thường, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên quy định xử phạt như hiện hành, chỉ đề xuất thay đổi quy định tước giấy phép lái xe (GPLX) thành quy định trừ điểm GPLX.
Việc giảm mức phạt tiền với mức vi phạm nồng độ cồn thấp nhất là hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống của người dân. Còn quy định trừ điểm GPLX, được cho là còn nghiêm khắc, có tính răn đe hơn so với xử phạt mức tiền cao, nghĩa là đồng bộ nhiều biện pháp.
Ngoài ra, một số chuyên gia đề xuất Việt Nam có thể nghiên cứu hình thức giảm mức phạt tiền cho người vi phạm nồng độ cồn nói riêng, vi phạm quy định về an toàn giao thông nói chung, nếu người đó tự nguyện đi học luật giao thông trong một tuần. Cách phạt này nhằm đến mục tiêu nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.
Ở một số nước phương Tây, người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, sẽ bị tòa án xử phạt rất nặng (ở Đức, phạt đến 7.000 Euro) và bị cấm lái xe trong 2 năm. Sau đó, phải trải qua việc kiểm tra thần kinh và học luật giao thông 3 tháng để đi thi lấy bằng lái xe trở lại.
Tức là dù xử phạt nặng, mục đích cuối cùng của pháp luật vẫn là hướng người dân đến việc tự nhận thức và tự nguyện chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng bảo vệ sinh mạng con người luôn là mục tiêu hết sức nhân văn mà bất cứ nhà nước nào cũng hướng đến.
Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Pháp luật cần nghiêm nhưng tránh hà khắc, để việc chấp hành pháp luật của người dân là hành vi bắt đầu từ nhận thức và tự giác.
Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, để người dân hiểu việc giảm mức phạt nêu trên không có nghĩa là nương nhẹ cho các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!