Tâm điểm
Võ Hồng Phúc

Suy ngẫm về chuyện trí thức trẻ người Việt khởi nghiệp ở Nhật Bản

Giữa tháng 10 này tôi có dịp tham dự Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản 2023 (Viet Nam Summit in Japan 2023) tổ chức tại Đại học Tokyo, với chủ đề "Theo dòng Thời cuộc, hướng tới Tương lai".

Diễn đàn do Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, nhằm tập hợp giới trí thức trẻ người Việt hiện sống tại Nhật Bản đoàn kết hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng nhau chung sức xây dựng hình ảnh tốt đẹp, gây dựng niềm tự tôn dân tộc của người Việt.

Đây là một hoạt động đáng được nể trọng của lớp người Việt trẻ tuổi, có học, ở đất nước Mặt Trời mọc. Diễn đàn đã thu hút và nhận được sự ủng hộ của các bạn Nhật Bản, trải qua lần tổ chức thứ ba (lần đầu tiên vào năm 2019, lần thứ 2 vào năm 2021). Tham dự diễn đàn lần này có ông Takebe Tsutomu , nguyên Bộ trưởng, cố vấn Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Việt; ông Phó Hiệu trưởng Đại học Tokyo và nhiều bạn Nhật Bản khác.

Suy ngẫm về chuyện trí thức trẻ người Việt khởi nghiệp ở Nhật Bản - 1

Một hoạt động quảng bá hình ảnh quê nhà của sinh viên Việt Nam ở Đại học APU, Nhật Bản, tháng 7/2018 (Ảnh minh họa: Hà Việt Anh)

Cùng với diễn đàn, một triển lãm về thành tựu của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản đã được tổ chức. Trong đó đáng chú ý nhất là các gian trưng bày của 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT). Trong 10 công ty đó thì có 8 công ty của các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được gửi đi đào tạo theo chương trình đào tạo nâng cao về IT do JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản) tài trợ.

Sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên đã ở lại Nhật Bản khởi nghiệp. Ý tưởng của những người trẻ này là mong muốn sử dụng kiến thức mình vừa học được, thử sức về khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực mới, tại một đất nước có môi trường kinh doanh cạnh tranh quyết liệt, sòng phẳng. môi trường pháp lý hoàn chỉnh và minh bạch.

Các bạn trẻ người Việt đã có bước đầu thành công và đang phát triển ý tưởng của mình. Trong số 10 doanh nghiệp đó, tôi thích nhất là Công ty Rikkei của 6 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được gửi đi đào tạo nâng cao tại Tokyo và Kyoto. Sau khi xong khóa học, năm 2012, những người bạn đã cùng nhau ở lại, với hai bàn tay trắng, không chốn thân quen, họ lập nên công ty Rikkei. Thủa ban đầu của họ thật là vất vả. Họ đã phải đi tiếp cận khách hàng giới thiệu sản phẩm bằng mọi cách, ở mọi nơi, ăn cơm hộp, ngủ ở nhà ga.

Những người bạn Nhật đã trợ giúp họ bằng cách sử dụng sản phẩm khi biết đến những người Việt trẻ tuổi nhưng có chí hướng lập nghiệp. Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama đến thăm gian hàng của công ty trong một cuộc triển lãm về IT và có lời động viên họ phát triển tại Nhật Bản. Đến nay Rikkei đã có cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan và Việt Nam, trong đó ở Việt Nam là lớn nhất. Rikkei đang có dự tính đầu tư sang Hàn Quốc, một cường quốc về IT.

Các bạn trẻ này đều là những người sinh ra cuối thập niên 1980. Những lớp người đó, những lớp người trẻ tuổi có ý chí tự sức mình vươn lên đó đang là hy vọng của chúng ta!

Chúng ta đã nói nhiều về vai trò của trí thức, của doanh nhân. Mới đây Trung ương đã bàn và sẽ có nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức của nước nhà; Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về doanh nhân. Đây là những chủ trương đúng đắn và cần thiết, vấn đề còn lại ở khâu thực hiện.

Những câu chuyện về các bạn trí thức trẻ người Việt khởi nghiệp ở Nhật Bản gợi cho tôi và có lẽ cho chúng ta suy nghĩ rằng đất nước này rất cần những con người, những doanh nghiệp như vậy, cả ở trong nước và ngoài nước! Trên thương trường có một khái niệm là "tỷ phú tự thân", tôi không biết tài sản của các bạn trẻ như thế nào, nhưng với tôi họ là những "tỷ phú" hay là những người giàu có về tri thức, về lòng tự trọng và về khát khao tự khẳng định mình cũng như khẳng định lòng tự tôn của người Việt.

Muốn hoa nở tươi tốt thì phải dọn dẹp cỏ dại, rác rưởi. Chúng ta muốn xây dựng đội ngũ trí thức, muốn phát triển lực lượng doanh nhân thì không chỉ cần cơ chế, chính sách cho họ, mà còn cần cả cơ chế, chính sách dẹp bỏ những gì là rào cản, là đối nghịch với họ. Chẳng hạn như, ích gì ở lớp đại gia, doanh nghiệp đang giàu có chỉ nhờ ở quan hệ thân hữu, lừa lấy tiền của đồng bào mình bằng trái phiếu, chứng khoán mà không dẹp bỏ đi!

Tác giảÔng Võ Hồng Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!