Khát vọng xây dựng tập đoàn kinh tế tầm cỡ thế giới
Năm 2007, tôi chia tay cấp trên và đồng nghiệp sau 9 năm làm việc tại tập đoàn Shell ở vị trí phụ trách vùng châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách trong công việc, khi tôi là người Việt đầu tiên trong tập đoàn Shell được bổ nhiệm vào vị trí phụ trách vùng thị trường rộng lớn của tập đoàn; đồng thời cũng nhờ đó mà tôi được học hỏi rất nhiều và nỗ lực vượt qua chính mình.
Nhóm làm việc (team) của tôi thời đó ở Shell không chỉ khác nhau về quốc gia, chủng tộc, văn hóa, quan điểm chính trị..., mọi người còn khác nhau về tôn giáo, lối sống. Một team chưa đến 10 người mà có đầy đủ 5 tôn giáo lớn nhất của thế giới trong nhóm, nên ngay cả việc chọn nhà hàng để cùng ăn trưa với nhau cũng là một vấn đề nhạy cảm, chưa nói đến việc thảo luận và đi đến sự thống nhất hành động với nhau về những vấn đề kinh doanh.
Nhớ lại, thách thức lớn nhất của tôi khi làm việc với mọi người trong team, là phải vượt qua được những rào cản đến từ cái cảm nhận ban đầu: "Tay này đến từ Việt Nam, một nước mới mở cửa có vài năm, và hắn ta không được giáo dục ở các nước Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan... như tụi mình".
Đồng nghiệp của tôi toàn là những người giỏi giang. Nhiều người có thành tích học tập xuất sắc từ trường đại học hàng đầu ở các nước phát triển, có kiến thức chuyên môn cũng như thành tích công việc xuất sắc ở tập đoàn Shell. Bản thân tôi rất tự hào khi được làm việc cùng các đồng nghiệp đó. Khi đã làm việc trong một môi trường như vậy, bạn buộc phải nói được thứ "ngôn ngữ" của họ, và để làm được điều ấy bạn cần phải học hỏi rất nhiều và liên tục.
Nói được, nói hay thôi chưa đủ để mọi người lắng nghe theo mình, mà bạn phải chứng minh, bằng cách làm được những gì mình nói (gọi là walk-the-talk). Việc đưa ra định hướng, rồi phản biện góp ý vào chiến lược và kế hoạch bán hàng (marketing, supply chain, technical...) của các đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau là không hề dễ dàng, bởi họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, là "thổ thần thổ địa" trên đất nước của họ. Tôi được giao phụ trách team nhưng không thể cứ áp đặt mà phải thuyết phục được họ, và để thuyết phục được thì phải chứng minh rằng kiến thức của mình là đúng đắn và đã được chứng minh trong thực tế.
Còn không thuyết phục được họ, tức là người phụ trách team không triển khai được định hướng cấp vùng của mình vào các thị trường, coi như là thất bại trên cương vị được giao. Và thường trong trường hợp này thì ở các tập đoàn quốc tế như Shell, người phụ trách sẽ bị thay thế chỉ trong vòng một vài tháng. Tôi đã trụ vững và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Từ trải nghiệm bản thân, tôi thấy rằng trong kinh doanh cũng như bất cứ lĩnh vực nào, những gì thiên hạ làm được thì người Việt mình cũng làm được, vấn đề là phải có quyết tâm và chiến lược đúng.
Trong thời gian làm ở Shell và sau này làm tư vấn quản trị kinh doanh, tôi có dịp quan sát ở các góc nhìn khác nhau, cả từ bên trong lẫn bên ngoài, từ gần đến xa hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động của tập đoàn tầm cỡ quốc tế, và có nhiều dịp đi công tác ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một điều tôi trăn trở là trong khi doanh nghiệp các nước xung quanh (Singapore, Thái Lan…) không ngừng mở rộng, không ngừng thâu tóm và phát triển ngày càng rộng hơn ra thị trường nước ngoài, thì Việt Nam hầu như chưa có hoặc rất ít doanh nghiệp, thương hiệu tầm cỡ khu vực.
Ngược lại, những năm gần đây có những thương hiệu lớn của Việt Nam dần chuyển đổi chủ sở hữu thành của nước ngoài. Hồi tháng 5/2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đề cập đến tình trạng "nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, đấy là việc rất đáng lo ngại và bán có 50% giá thực. Người mua là ai, người mua toàn là nước ngoài".
Lúc đó, tôi đã có bài viết trên Dân trí, nêu quan điểm rằng tài sản của các doanh nghiệp lớn trong nước không hình thành một cách tự nhiên, mà phải qua quá trình tích lũy có sự hỗ trợ của nhà nước và ủng hộ của thị trường là người dân trong nước. Vì vậy tài sản đó tất nhiên thuộc về một doanh nghiệp cụ thể nhưng cũng là nguồn lực của đất nước. Và có những nguồn lực vừa quan trọng lại vừa hữu hạn.
Quốc gia nào cũng vậy, muốn giàu mạnh thì phải phát triển lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của chính mình; trong đó các doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn là tài sản và nguồn lực quý giá.
Để hội nhập thế giới và phát triển như là một "đối tác đẳng cấp, được tôn trọng trên sân chơi thế giới", Việt Nam cần những con người có tầm cỡ tương ứng. Chúng ta không phải là không có những con người như vậy. Người Việt hoàn toàn có thể làm được những gì thiên hạ làm được, như tôi đã nêu ở trên.
Trong thực tế Việt Nam cũng đã hình thành được một số doanh nghiệp lớn, kinh doanh ở quy mô khu vực và bắt đầu đi ra thế giới. Nhưng, như nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (ban hành ngày 10/10/2023) đã nêu: Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến khát vọng xây dựng ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, trong đó có những doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Nhưng để hiện thực hóa thì như thực tế những năm qua đã chứng minh, con đường là vô cùng gian nan.
Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, bao gồm việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến…
Trước thềm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), một lần nữa chúng ta cùng nhau nghĩ đến khát vọng và ước mơ tới ngày có những tập đoàn kinh tế Việt Nam hùng mạnh, vươn ra khắp nơi trên thế giới.
Tác giả: Ông Đỗ Hòa là chuyên gia tư vấn chiến lược, tư vấn thiết lập hệ thống quản lý doanh nghiệp; từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiều công ty trong và ngoài nước; nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Shell.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!