Suy ngẫm từ chuyện đổi tiền cũ lấy tiền mới
Còn hai tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng những ngày này nhiều người đã lo đổi tiền mới để lì xì đầu năm và đi lễ chùa. Báo Dân trí đăng bài phản ánh năm nay tiền mới, tiền lẻ dường như khan hiếm hơn những năm trước đây và mức phí đổi tiền là từ 5% đến 10%, tương đương đổi 1 triệu đồng mất phí 50.000-100.000 đồng.
Qua đọc báo, tôi mới biết rằng pháp luật hiện hành chỉ quy định về việc thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chưa có các quy định về việc đổi tiền cũ sang tiền mới vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Tôi thử tìm kiếm thông tin và chưa thấy trường hợp cụ thể nào bị phạt hành chính về hành vi trên, hoặc có nhưng chưa bị nêu trên các phương tiện truyền thông nên tôi tìm không thấy.
Tất nhiên mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người có nhiều cách khác nhau để đổi tiền mới, không phải ai cũng mất phí. Bản thân tôi dù không quá để tâm đến chuyện này nhưng hầu như năm nào cũng có duyên đổi được tiền mới miễn phí. Ít thôi, từ bạn bè làm ngành ngân hàng, có năm từ cơ quan. Vì tôi cũng không lì xì nhiều nên luôn chọn mệnh giá vừa phải, chủ yếu là duy trì truyền thống với niềm vui mừng tuổi.
Mừng tuổi đầu năm là phong tục lâu đời, và tâm lý cả người mừng tuổi lẫn người được mừng đều muốn trong bao lì xì là tờ tiền mới. Nhưng có lẽ đây cũng không phải là điều gì quá cứng nhắc. Từ hồi nhỏ đến nay đã ở tuổi trung niên, mỗi sáng mùng một Tết tôi đều nhận bao đỏ lì xì và lời chúc của má. Đó luôn là giây phút tôi cảm thấy vui và hạnh phúc nhất trong ngày đầu năm.
Niềm vui không chỉ ở chỗ trong bao lì xì đó mình được má bỏ vào bao nhiêu tiền, tiền có mới không mà là ở chỗ: Mình vẫn còn may mắn xiết bao, vẫn còn có má, má vẫn khỏe để sáng sớm đầu năm dậy thắp nhang bàn Phật, thay nước bàn thờ ông bà rồi ra lì xì cho con cháu.
Mấy bao lì xì má tôi trao, tôi đều cất kỹ. He hé nhìn trong bao, thường là 100.000 đồng. Có năm má bỏ tiền mới nhưng cũng có năm, là 5 tờ 20.000 đồng cũ kỹ, nhưng được má xếp phẳng phiu. Lì xì đầu năm là tục lệ - một lời chúc lành, một cách mừng tuổi - để ai được nhận cũng vui vẻ.
"Đến tuổi ni rồi mà còn được nhận lì xì ha má?". Năm ngoái tôi hỏi vui như vậy. Má vui vẻ trả lời, rằng tôi có lớn bao nhiêu cũng là con của má, "mỗi năm bây lớn thì má cũng già đi mà". Rồi hai má con cùng cười.
Về phần tôi, có năm không đổi được tiền mới, tôi vẫn vui vẻ gửi lì xì cho con, cháu từ những tờ tiền cũ hơn, với suy nghĩ rằng điều quan trọng là khi mừng tuổi thì mình trao gửi lời chúc gì, thông điệp và tâm thế ra sao.
Thực tế, có rất nhiều bạn nhỏ quan tâm đến tiền lì xì, có lẽ do người lớn nói về món tiền trong bao đỏ truyền thống này quá nhiều. Có lần tôi hơi ngượng ngùng khi có một bạn nhỏ - cháu của một đồng nghiệp - nhận bao lì xì từ mình đã mở ra xem và "chê ít" ngay trước mặt người lớn. "Có hai chục ngàn", cô bé 7 tuổi nói. Cả nhóm cười nghiêng ngả, tôi hơi ngượng nhưng cố nói vui: "Năm nay chú nghèo quá nè. Nhưng chú đổi được tiền mới nha, thích không?". Cô bé dúi chiếc bao lì xì xuống bàn và chạy chơi tiếp. Tôi không trách cô bé nhưng tôi nghĩ, ở đâu đó, người lớn đã không căn dặn kỹ cho con cháu mình về giá trị truyền thống của lì xì và sự trân trọng văn hóa này.
Khi trẻ nhỏ có biểu hiện quan tâm giá trị trong chiếc bao đỏ truyền thống là phản ảnh giá trị vật chất đang được đề cao đến mức ảnh hưởng tới các con, các cháu chúng ta.
Tiền lì xì là mừng tuổi, là lộc đầu năm, là sự quan tâm, gửi gắm một niềm vui, nhân đó chúc sức khỏe, an lành, hanh thông, như ý. Đối với trẻ nhỏ thì chúc ngoan, học giỏi, hay ăn chóng lớn.
Tuy nhiên, đâu đó cũng có những lúc người lớn trao bao lì xì cho trẻ không phải vô tư nghĩ thế, mà lồng ghép vào đó mối quan hệ của người lớn. Trẻ nhận và vô tình có sự so sánh những chiếc bao lì xì "nặng - nhẹ" khác nhau. Người lớn vẫn thường… vô tư làm hư trẻ theo cách này trong ngày Tết.
Những năm gần đây, tôi quan sát thấy phong tục lì xì ngày Tết đang dần có những thay đổi theo hướng không phụ thuộc vào tiền cũ, tiền mới. Chẳng hạn lì xì bằng sách.
Lì xì sách là chúng ta tặng một giá trị lớn lao hơn cả tiền, đó chính là kiến thức, giúp nâng cao nhận thức. Không thể phủ nhận, có những cuốn sách giúp ta mở ra những chân trời cao rộng hơn, và có những cuốn sách giúp mình được chữa lành. Tôi đã từng nhận được lì xì sách từ bạn bè, với lời đề tặng trang trọng, viết bằng tay. Vài hôm trước, một công ty đối tác cũng đã lì xì sách cho tôi cùng lời cảm ơn vì đã đồng hành một năm qua.
Tôi còn nhận được lì xì "quà Tết cho người nghèo" trong những dịp cuối năm của những người anh, người chị khi đọc được thư ngỏ của mình - một chương trình thường niên dành cho người nghèo ở quê. Tôi làm trung gian nhận món tiền lì xì đặc biệt này với sự cảm kích, hoan hỉ vô cùng vì đó vừa là giá trị vật chất vừa mang ý nghĩa sẻ chia.
Cuộc sống vận động không ngừng. Xã hội ngày một văn minh. Một phong tục truyền thống, một nếp nhà giữ gìn hay thay đổi là tùy quan niệm của mỗi người. Nhưng phải chăng văn hóa truyền thống chỉ trở nên có giá trị giáo dục và nhân văn khi con người ta không để vật chất chen vào, không để biến tướng thành so sánh đẳng cấp thông qua vật chất.
Thực sự, một tờ tiền mới, nhiều tờ tiền mệnh giá cao trong bao lì xì không bắt đầu bằng sự vô tư, hoan hỉ thì chắc chắn không tạo ra được năng lượng tích cực hay giá trị thiện lành nào.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!