Tâm điểm
Bích Diệp

Suy ngẫm từ chuyện cấm hát quan họ ngửa nón nhận tiền

Cũng như nhiều lễ hội khác trên toàn quốc, sau 3 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, năm nay huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) tiếp tục tổ chức hội Lim nhằm phát huy, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc.

Thông tin đáng chú ý và nhận được nhiều ý kiến tranh luận trước thềm hội Lim là Ban tổ chức đã nghiêm cấm mọi hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền. Hình ảnh liền anh liền chị hát quan họ trên thuyền và ngửa nón nhận tiền của du khách thập phương những năm trước, khi xuất hiện trên báo chí đã bị cho là phản cảm và làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống.

Một số nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, "văn hóa quan họ" ngày xưa không có chuyện tiền bạc mà là một hình thức hát giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm; cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người quan họ. 

Suy ngẫm từ chuyện cấm hát quan họ ngửa nón nhận tiền - 1

Hội Lim (Ảnh: Nhóm PV Dân trí).

Tuy nhiên, văn hóa thay đổi theo thời gian, ngày nay nhiều người tham gia hát quan họ trong lễ hội không còn là giao duyên mà đã trở thành một hình thức phục vụ công chúng hoặc kết hợp cả hai. Bởi vậy, khi họ tham gia vào lễ hội với tư cách là những người làm dịch vụ văn hóa thì việc nhận tiền của công chúng thưởng ngoạn có thể coi là "bình thường". Vấn đề còn lại là việc cho - nhận như thế nào để vừa là niềm vui của cả hai bên, vừa không tạo ra hình ảnh phản cảm. 

Nếu theo cách tiếp cận này thì có nhiều cách thức để "văn hóa quan họ" được tổ chức chuyên nghiệp hơn. Ví dụ, số tiền công chúng dành cho các liền anh, liền chị dù ít hay nhiều sẽ không nhất thiết "ném" vào nón, mà có thể trao cho một người thay mặt các nghệ sĩ hát quan họ đứng ra nhận, và việc cho - nhận này phải được làm theo hướng dẫn cụ thể của Ban tổ chức lễ hội.

Đầu xuân, từ chuyện cấm hát quan họ ngửa nón nhận tiền ở Bắc Ninh cho thấy, khi các lễ hội được tổ chức trở lại thì bên cạnh không khí vui tươi, là sự lo lắng làm sao để đảm bảo thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của người Việt. 

Ngay sau Tết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn đề nghị các tỉnh, thành tổ chức hoạt động lễ hội năm nay bảo đảm trang trọng, tiết kiệm…, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính.

Trong đó, cơ quan quản lý nghiêm cấm lợi dụng lễ hội hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xóc thẻ, xin quẻ; quản lý việc đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định…

Nhìn lại những năm qua thấy rằng, một số vụ việc tiêu cực, hình ảnh phản cảm và gây tranh cãi trong mùa lễ hội thường liên quan đến chuyện tiền bạc. Chẳng hạn như vấn đề liên quan đến hát quan họ hay rải tiền lẻ… kể trên. Vì vậy, người viết cho rằng, các quy định với mục đích đảm bảo nét đẹp văn hóa và trật tự trong hoạt động tổ chức lễ hội cũng như việc đi lễ của người dân là rất cần thiết.

Vấn đề đáng bàn ở chỗ, không phải là chúng ta thấy "không quản được thì cấm", mà ban hành quy định nhằm đạt mục đích giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời không cản trở việc cho - nhận hoàn toàn tự nguyện và lành mạnh. Nghĩa là, quy định phải đúng pháp luật, có tác dụng giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tế cuộc sống và hài hòa các bên liên quan.

Điều quan trọng hơn, sau khi có quy định thì cơ quan quản lý phải tổ chức kiểm tra, có chế tài nghiêm túc nếu phát hiện vi phạm, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi". 

Xin được nhắc lại là cả chục năm trước đây, ngành Văn hóa đã có văn bản về việc hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài tiền lẻ vào đồ lễ, tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích; hay là quy định bố trí đặt các thùng công đức và đặt đĩa giọt dầu tại vị trí hợp lý (mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức và khuyến khích chỉ đặt một hòm ở vị trí thích hợp). Tuy nhiên trên thực tế, ở nhiều nơi các quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trong diễn biến mới, Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định cụ thể về nội dung này và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/3 tới.

Với hòm công đức, mỗi một cá nhân đóng góp có thể chỉ 2.000-10.000 đồng hoặc hơn, nhưng con số tích lũy từ hàng vạn lượt đóng góp sẽ không hề nhỏ. Văn bản hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính ở đây là nhằm đề cao việc minh bạch tiền công đức, tài sản trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Như vậy, từ chuyện cụ thể là "ngửa nón nhận tiền" ở một lễ hội địa phương cho đến việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội trên toàn quốc nói chung đều đã có quy định. Mong rằng thời gian tới, các lễ hội sẽ được tổ chức tốt hơn và không còn xảy ra những vấn đề lùm xùm về tiền bạc, tài chính. 

Về phía các cơ quan quản lý có trách nhiệm ban hành quy định và giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy định đó. Còn với mỗi người trong chúng ta, thiết nghĩ đầu năm đi lễ, bất cứ ai cũng đều có thể hoan hỉ và tự nguyện trao gửi, cho đi một phần vật chất để ủng hộ các hoạt động văn hóa hoặc phát tâm Bồ đề… Dù là việc gì thì từ ý thức mỗi người, thực hiện nếp sống văn minh không chỉ góp phần giúp xã hội mà trước hết là bản thân mình tránh được sự xô bồ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!