Sự lạc hậu mức giảm trừ gia cảnh: Sửa luật càng sớm càng tốt!
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến với mức thuế từ 5% đến 35%, áp dụng từ 2007 đến nay. Một trong những bất cập được nêu nhiều nhất tại phiên thảo luận về ngân sách Nhà nước của Quốc hội ngày 2/11 vừa qua là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng/tháng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng), duy trì từ tháng 7/2020.
Với mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay thì mức giảm trừ trên không đủ trang trải cho những chi phí từ thuê nhà đến đi lại, sinh hoạt hàng ngày khi mà giá cả không ngừng tăng cao.
Bất cập của giảm trừ thuế TNCN đến từ việc chậm được điều chỉnh, giữ ở mức thấp trong thời gian dài. Năm 2009, mức này là 4 triệu đồng/tháng; đến năm 2013 nâng lên 9 triệu đồng/tháng; và phải chờ 7 năm sau mới được điều chỉnh lên mức 11 triệu đồng. Trong khoảng thời gian dài giữa những lần điều chỉnh, nền kinh tế đã trải qua những đợt lạm phát cao, có những năm lên 2 con số. Do đó, mức giảm trừ thuế TNCN đã không còn phù hợp.
Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, song rõ ràng là khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề. Trong thực tế, một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013-2020 đã tăng 2-3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, với quy định trên, giả sử lạm phát cứ ở mức 15-17% thì theo luật sẽ chưa được điều chỉnh; nếu như mức lạm phát đó kéo dài tới hàng chục năm, vậy thì mức giảm trừ cũng phải chờ tới hàng chục năm để điều chỉnh. Khi đó, người tiêu dùng, hộ gia đình sẽ bị thiệt.
Do vậy, tôi cho rằng, cần phải có những điều chỉnh trong quy định giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Lý tưởng nhất là phải chỉ số hóa được theo tỷ lệ lạm phát hàng năm, ví dụ lạm phát tăng 5% thì tương ứng mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng 5%. Nếu không làm được như vậy thì khoảng thời gian điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cần phải được rút ngắn lại so với cách làm hiện nay, tối đa khoảng 2-3 năm/lần chứ không phải chờ đến 9-10 năm cho đến khi lạm phát tăng đủ 20%.
Không chỉ có vấn đề giảm trừ gia cảnh, bất cập của thuế TNCN ở Việt Nam còn bộc lộ qua rất nhiều khía cạnh.
Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình thấp và theo đó phần lớn chi tiêu của người dân là dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Một người có thu nhập 10 triệu đồng, có thể đã phải chi đến 80% cho nhu cầu thiết yếu. Tại những nước mà người dân có thu nhập cao, chẳng hạn thu nhập của người dân 100 triệu đồng thì chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu chỉ chiếm 20-30%. Do vậy, biểu thuế, thuế suất TNCN ở Việt Nam cần phải thấp hơn các nước khác. Thuế suất không nên cao như những nước phát triển bởi khi đó thuế sẽ "lấy đi" phần chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
Mặc dù là nước có thu nhập thấp nhưng nếu nhìn vào biểu thuế TNCN ở Việt Nam thì các mức thuế suất của Việt Nam cao như những nước có thu nhập cao vậy, thậm chí còn cao hơn.
Hơn nữa, các bậc thuế sát nhau. Ví dụ nhảy từ 5% lên 10%, 10% lên 15% chỉ cách nhau vài ba triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, thu nhập chỉ cần mới cải thiện chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế mới, lên đến đỉnh 35% là mức rất cao so với các nước có thu nhập trung bình.
Thêm một vấn đề cũng rất bất cập là mức thuế dành cho người nước ngoài ở Việt Nam là 20% nhưng với người Việt có thu nhập cao thì phải chịu thuế lên tới 35%. Mà với mức thuế 35% thì sẽ khiến người dân không có động lực làm việc. Điều này ảnh hưởng đến thái độ cống hiến, năng suất lao động của những người thu nhập cao.
Ở nhiều nước, mặc dù thu nhập cao nhưng họ vẫn áp dụng việc khấu trừ thuế cho nhiều loại chi tiêu như chi phí y tế của những người mắc bệnh hiểm nghèo, đó là một cách làm văn minh. Khi chi phí y tế một năm vượt quá một ngưỡng nào đó thì được khấu trừ vào thuế. Nếu người dân mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí chữa bệnh còn âm cả vào thu nhập, phải lấy nguồn tiết kiệm, tích trữ để trang trải mà họ vẫn phải chịu thuế TNCN thì quả thực là chính sách chưa thật sự nhân văn.
Tương tự là chi phí giáo dục phổ thông cho người phụ thuộc. Ở ta không thực hiện khấu trừ thuế TNCN cho chi phí này trong khi hệ thống giáo dục cũng như y tế lại chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là khu vực thành thị. Với việc hệ thống trường học công quá tải, hoặc chất lượng chưa phù hợp, buộc người dân phải cho con em theo học ở hệ thống giáo dục tư nhân có mức chi phí cao hơn nhưng họ lại không được khấu trừ vào thuế TNCN. Nhà nước không phải bỏ tiền ra để xây dựng trường học tư, nhưng cũng không khấu trừ thuế cho các khoản chi tiêu này cho người dân, ít nhất là một khoản tối thiểu nào đó. Quy định như vậy liệu rằng đã phù hợp hay chưa?!
Cần nhớ rằng, đầu tư cho y tế, cho giáo dục là đầu tư cho dài hạn, cho con người, tạo ra lực lượng lao động tốt hơn trong tương lai, đem lại thu nhập tốt hơn trong tương lai, và tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Thậm chí là tại một số quốc gia, lãi suất vay mua nhà của người dân, hoặc những khoản đóng góp cho từ thiện, cũng sẽ được khấu trừ thuế TNCN.
Tóm lại thuế TNCN ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập và có vẻ mức thuế là quá cao khi so sánh, tính đến thông lệ quốc tế mà các nước khác đang thực hiện. Muốn thay đổi thực trạng này cần phải sửa đổi từ Luật thuế TNCN và cần làm sớm. Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần trình phương án với sự góp ý đầy đủ từ giới chuyên môn và công luận.
Nói cho cùng, thuế TNCN là quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đại bộ phận người dân khi thu nhập bình quân ngày càng tăng lên. Việc đánh thuế TNCN phải tính đến những chi phí sinh hoạt mà các hộ gia đình đang phải chi trả, từ đó thiết kế một biểu thuế phù hợp hơn, sát thực tế hơn.
Nếu vẫn giữ cách đánh thuế như hiện nay sẽ dẫn đến một số hệ lụy nhất định: Những người dân trung thực, tuân thủ pháp luật tốt sẽ "chịu thiệt"; đồng thời khi mà thuế TNCN càng cao thì sẽ càng khiến người dân có tâm lý trốn tránh, gây tốn kém nhiều nguồn lực cho Nhà nước và xã hội cho việc giám sát tính tuân thủ, chấp hành của người dân. Tuy nhiên, nếu thuế TNCN được thu ở mức vừa phải hợp lý thì người dân sẽ tự nguyện tuân thủ pháp luật tốt hơn.
Từ những phân tích trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu NSNN. Khi đó, nguồn thu từ TNCN có thể không những không giảm mà còn tăng lên nhờ vào việc gia tăng động lực làm việc, khuyến khích đầu tư vào vốn con người, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế TNCN của người dân, đồng thời Nhà nước bớt được chi phí lớn cho công tác giám sát.
Tác giả: PGS.TS Phạm Thế Anh nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Manchester vào năm 2007; hiện là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tài chính và từng giữ các vị trí: Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô; Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!