Tâm điểm
Tri Thức

Sống và làm việc hết trách nhiệm để thực sự "Đền ơn đáp nghĩa"

Kể từ năm 1947, chỉ 2 năm sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, trên khắp cả nước lại diễn ra các hoạt động chăm lo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đủ đầy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngày 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tất nhiên, đạo lý "Hiếu nghĩa bác ái", "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta không chỉ diễn ra trong tháng 7, vào đúng ngày 27/7, mà đạo lý ấy trường tồn, xuyên suốt thời gian, năm tháng.

Tháng 7 chỉ thực sự là dịp cao điểm để cả nước thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước. Tháng 7 là dịp để mỗi chúng ta có những việc làm, hành động thiết thực góp phần tri ân các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.

Sống và làm việc hết trách nhiệm để thực sự Đền ơn đáp nghĩa - 1

Phút mặc niệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024... tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Tống Giáp).

Tháng 7 năm nay hẳn nhiên cũng không là ngoại lệ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tuyên truyền, tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Các hoạt động trọng tâm gồm: Tập trung hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Sửa đổi bổ sung Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, dự kiến trình Chính phủ vào quý IV/2024; Sửa đổi bổ sung Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đồng thời với cải cách chính sách tiền lương; Tổ chức gặp mặt thân mật đại diện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; Tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại các địa phương và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; Đề xuất triển khai Đề án lấy mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin liệt sĩ tại tất cả nghĩa trang liệt sĩ, lấy mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ…

Đáng chú ý, tại Hội nghị tôn vinh người có công sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã bấm nút kích hoạt, chính thức ra mắt "ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin" để nhằm mục đích xác định danh tính 300.000 hài cốt "khuyết danh". Thủ tướng đề cập mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang… Đó là dấu mốc ban đầu mở ra hy vọng lớn lao cho hơn 300.000 gia đình người có công, xác định được danh tính hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang trên khắp cả nước…

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta luôn khắc ghi đậm nét sự hy sinh và những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổ chức toàn dân tích cực tham gia các phong trào: "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ… Những hoạt động nghĩa tình, nhân văn sâu sắc mà rất đỗi bình dị ấy góp phần bé nhỏ làm vơi đi những mất mát, đau thương không gì bù đắp được.

Chiến tranh đã lùi xa. Quá khứ là lịch sử. Lịch sử không bao giờ được phép lãng quên, đánh đổi. Đất nước ta đã trải qua quá nhiều mất mát, đau thương. Không ai muốn lịch sử bi thương, tang tóc, khổ đau lặp lại. Chúng ta luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc bằng mọi giá, từ sớm, từ xa.

Tôi có dịp đặt chân đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở một số địa phương trên cả nước. Dọc dài khắp 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Lần nào cũng xúc động, dâng trào cảm xúc, lặng im dõi nhìn đài "Tổ quốc ghi công", những hàng bia mộ, nhất là những phần "mộ liệt sĩ chưa biết tên", "mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Tháng 5 vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sau khi thành kính, xúc động viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, chúng tôi sang đồi A1 nổi bật hàng chữ "bùn - máu và hoa" rực đỏ.

Khi nghe cô hướng dẫn viên nói nhỏ thôi, mà ai nấy cũng đều nghe thấy rất rõ, rằng dưới chân mỗi du khách vừa đi và đang đứng, nơi nào cũng có thể là hài cốt liệt sĩ. Bất giác, tôi nhớ tới bài thơ nguyên bản "Đò lên Thạch Hãn" của nhà thơ Lê Bá Dương chỉ gồm 4 câu: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi hòa sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm". Cảm giác sởn gai ốc xuất hiện, bước chân tự nhắc nhớ nhẹ nhàng, cảm xúc nghẹn ngào trào dâng.

Chắc chắn, đó cũng là tâm trạng, cảm nghĩ của mọi người, để rồi ai cũng thấy trân quý hơn những gì các thế hệ cha ông đã hy sinh, để lại một phần xương máu cho đất nước ta có được hòa bình, độc lập, tự do, phát triển như ngày hôm nay. Để thấu triệt ngày càng sâu sắc hơn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta. Để nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước. Để mỗi người sống và làm việc hết trách nhiệm của mình, góp phần bé nhỏ vun bồi góp phần làm cho đất nước ta tiếp tục giữ mãi, xứng đáng, tiếp nối dấu mốc, mạch nguồn đã được gây dựng vững chắc là "chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tác giả: TS Nguyễn Tri Thức là Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản. Ông Thức cũng là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học; giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!