Tâm điểm
Hoàng Anh Đức

“Soi chiếu” MIT, Harvard qua màn hình và chuyện đại học chất lượng cao

Nhiều năm nay, các trường đại học hàng đầu trên thế giới đã chia sẻ công khai một phần học liệu mở và các bài giảng nhằm thúc đẩy tiếp cận tri thức cho mọi người. Việc này nhìn chung được đánh giá tích cực, đồng thời qua tiếp cận học liệu mở này cũng có những ý kiến liên hệ, so sánh đa chiều.

Đơn cử, thông qua theo dõi một số bài giảng từ học liệu mở của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Viện Công nghệ California (CalTech)... ở Mỹ, có ý kiến cho rằng “nội dung bài giảng cũng na ná như vậy”, sinh viên của họ “cũng không tỏ ra thông minh xuất chúng gì”, và vấn đề thực sự nằm ở những gì diễn ra sau giờ lên lớp, ngoài giảng đường; những giờ tự học để đào sâu hay cày cuốc ở phòng thí nghiệm, làm nghiên cứu cùng thầy.

Do vậy, nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo mà cứ tập trung vào chương trình, bài giảng, giáo trình, giờ dạy, v.v. thì hình như “không trúng lắm”.

Đây là ý kiến thú vị, và thực ra nếu có quan điểm khác nhau về một vấn đề nào đó là hết sức bình thường. Câu chuyện tôi muốn bàn và bổ sung góc nhìn là nhiều khi “màn hình không hiển thị được hết bức tranh”, do vậy chúng ta cần cách tiếp cận toàn diện hơn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đại học ở Việt Nam.

“Soi chiếu” MIT, Harvard qua màn hình và chuyện đại học chất lượng cao - 1

Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Ảnh: MIT).

Các kho tàng học liệu mở nói chung, và các nền tảng MOOCs (các khóa học trực tuyến mở dành cho đại chúng) nói riêng có giá trị vô cùng lớn đối với việc phổ cập kiến thức, góp phần xóa nhòa khoảng cách phát triển. Những bài giảng được quay tại các trường hàng đầu thế giới thực sự là tài nguyên quý giá để học hỏi phương pháp giảng dạy. Những tài liệu này, vừa là trách nhiệm xã hội mà các trường đại học lớn thực thi, và đồng thời, cũng là một phương tiện để họ lan tỏa, củng cố hình ảnh. Đó là những tài liệu rất tốt, nhưng cần lưu ý là tính đại diện của mẫu quan sát. 

Những bài giảng được chọn làm học liệu mở thường là các môn đại cương, có nội dung tương đối chuẩn hóa trên toàn thế giới, nên đương nhiên là chúng ta sẽ cảm thấy kiến thức… “na ná nhau”. Công thức tính định thức ma trận hay mô hình random forest (một thuật toán học máy) không thể khác nhau nếu so MIT, Caltech, Harvard với bất kỳ trường đại học nào, nhất là các trường có tuân thủ theo các tiêu chuẩn kiểm định.

Thế nhưng, giáo dục nói chung, và giáo dục đại học nói riêng không chỉ là bị giới hạn bởi các môn học đại cương. Sự khác biệt thực sự nằm ở những môn chuyên sâu, ở cách tổ chức nghiên cứu, ở những khóa học liên ngành mà sinh viên có thể thiết kế theo nhu cầu riêng. Những điều này hiếm khi được đưa thành học liệu mở, bởi chúng thường mang tính độc quyền và là lợi thế cạnh tranh của từng trường.

Những gì camera không quay được

Quan sát sinh viên qua màn hình để đánh giá trình độ cũng giống như việc xem một trận bóng đá qua ảnh chụp để đánh giá chất lượng cầu thủ. Những trao đổi trên lớp chỉ là phần nổi của tảng băng. Phía dưới là cả một hệ sinh thái mà camera không thể nào ghi lại.

Điều đầu tiên phải nói tới chính là quá trình tuyển sinh. Để vào được các trường top đầu như MIT, sinh viên phải trải qua một quá trình tuyển chọn khắt khe không chỉ về điểm số mà còn về tầm nhìn, dự án cá nhân, khả năng lãnh đạo và đóng góp cộng đồng. Những bạn này đã được “lọc” qua nhiều vòng, có nền tảng tư duy và kỹ năng tự học rất khác so với sinh viên trung bình.

Yếu tố tiếp theo là văn hóa học thuật. Các kết quả nghiên cứu của sinh viên trường hàng đầu thế giới không chỉ đến từ việc “cày cuốc” trong phòng thí nghiệm, mà từ cả một hệ thống nuôi dưỡng tư duy phản biện và khả năng nghiên cứu độc lập. Sự nuôi dưỡng ấy bao gồm những việc nhỏ như được khuyến khích đặt câu hỏi để nhìn nhận vấn đề đa chiều, tham gia các nhóm nghiên cứu, và liên tục cọ xát, phản biện và được phản biện.

Cuối cùng, nhưng không hề kém quan trọng, có lẽ là nguồn lực. Việc sinh viên các trường hàng đầu có thể tiếp cận những thiết bị, phòng lab, thư viện và mạng lưới chuyên gia, gần như là điều hiển nhiên. Các em có cố vấn học thuật cá nhân, có cơ hội thực tập tại những công ty hàng đầu thế giới, có thể tham gia các dự án nghiên cứu với kinh phí hàng triệu đô la. Nhưng đối với đại đa số các trường đại học Việt Nam, thì đó chỉ có thể mơ ước, những mơ ước đổi đời.

Việc thấy sinh viên MIT “trả lời rất bình thường” trên lớp, thì cũng không hẳn là họ “không hơn gì sinh viên của chúng ta”. Chất lượng của quá trình học tập không thể hiện qua việc trả lời nhanh hay năng lực nắm bắt sâu sắc và toàn diện tri thức trong giờ học, mà qua khả năng tư duy siêu nhận thức (metacognitive – tư duy về chính quá trình tư duy), bắt đầu từ việc đặt câu hỏi bất kể câu hỏi đó tầm thường hay cao siêu, cho đến việc kết nối kiến thức liên ngành; để từ đó có thể đưa ra những câu hỏi xác đáng, và kiên trì giải quyết những vấn đề phức tạp trong thời gian dài.

Những “câu hỏi tầm thường” có thể chính là dấu hiệu của một nền giáo dục tốt. Trong môi trường khuyến khích đặt câu hỏi, sinh viên không ngại thể hiện sự không hiểu biết để học hỏi. Điều này trái ngược với văn hóa “ngại hỏi vì sợ bị coi là ngu” mà chúng ta thường thấy.

Rõ ràng, chất lượng giáo dục không chỉ nằm ở giờ lên lớp, và việc nghiên cứu, thực hành, môi trường học thuật đều đóng vai trò quan trọng. Nhưng điều này không có nghĩa là ta nên xem nhẹ vai trò của giảng đường.

Một bài giảng hay có thể thắp lên ngọn lửa đam mê trong học trò, mở ra cánh cửa tư duy mới, hoặc kết nối những mảnh kiến thức rời rạc thành một bức tranh toàn cảnh. Tại sao các trường hàng đầu thế giới vẫn đầu tư hàng tỷ đô la vào việc xây dựng những giảng đường hiện đại, thu hút những giáo sư giỏi nhất? Vì họ hiểu rằng giảng đường vẫn là nơi diễn ra sự truyền cảm hứng, là điểm khởi đầu cho những nghiên cứu sau này.

Một giảng viên giỏi không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy cách tư duy, khích lệ sinh viên đặt câu hỏi, và tạo cảm hứng để các em tự khám phá. Những kỹ năng này không tự nhiên có được thông qua việc tự mình làm nghiên cứu đơn thuần.

Giáo dục đại học chất lượng cao là sản phẩm của rất nhiều yếu tố tác động lẫn nhau: chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, văn hóa học thuật, hệ thống tuyển sinh, nguồn lực tài chính, mạng lưới đối tác… Để thực sự hiểu về giáo dục đại học chất lượng cao ở các nước phát triển, chúng ta cần nghiên cứu bài bản về hệ thống tuyển sinh, chương trình đào tạo, phương pháp đánh giá, văn hóa học thuật, và đầu tư cho nghiên cứu. 

Chúng ta cũng cần nhiều chỉ số so sánh đầu ra thực tế như tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu, số lượng bài báo khoa học, tỷ lệ khởi nghiệp thành công, mức lương sau tốt nghiệp...

Quan trọng hơn, chúng ta cần hiểu rằng giáo dục không phải là quá trình sao chép. Những gì phù hợp với MIT, Harvard, chưa chắc phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Thay vì tìm cách bắt chước, chúng ta cần học hỏi tinh thần và nguyên lý, rồi áp dụng một cách phù hợp vào điều kiện thực tế của mình.

Tác giả: TS Hoàng Anh Đức là nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam, Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Sky-Line. Ông vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) nhiệm kỳ 2025-2030.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!