Olympic 2024: Sứ mệnh, điều tuyệt vời và tiếc nuối
Từ Olympic có nguồn gốc từ "Olympiad" của tiếng Hy Lạp. Trong tiếng Việt chúng ta quen gọi là "Thế vận hội", tương tự như Asiad là "Á vận hội" là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần. Bởi vậy, Olympic Paris 2024, nơi có sự góp mặt, tranh tài của các vận động viên xuất sắc nhất thế giới, cũng chính là sự kiện thể thao lớn nhất, được chờ đợi nhiều nhất trong năm nay.
Điều đáng tiếc là khi Olympic Paris 2024 đã khai mạc và các vận động viên đã tranh tài sôi nổi, thì lại có một số vấn đề ồn ào khiến dư luận quan tâm nằm ngoài thể thao. Đó là câu chuyện có chi tiết ở Lễ khai mạc khiến Ban Tổ chức phải xin lỗi; chuyện phát nhầm quốc ca của một, hai nước; chuyện một số vận động viên kêu về suất ăn; hay chuyện mặc dù nước chủ nhà đã chi 1,3 tỷ euro làm sạch, nước sông Seine vẫn bẩn khiến có môn thi Olympic phải hoãn tập…
Nhưng trên tất cả, điều tôi và chúng ta nếu theo dõi toàn diện và công tâm thì phải thấy rằng nước Pháp đã đầu tư hàng tỷ USD (có ước tính dự kiến lên đến 9,7 tỷ USD) để tổ chức Olympic, và cho đến giờ này cho thấy rất nỗ lực vì sự thành công của Thế vận hội.
Trước khi là chủ nhà của Olympic 2024, nước Pháp và thủ đô Paris từng 2 lần vinh dự làm chủ nhà của Olympic năm 1900 và 1924 (tròn 100 năm trước). Trên thế giới chỉ London (thủ đô Anh quốc) từng có 3 lần làm chủ nhà của Đại hội. Năm nay cũng kỷ niệm Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tròn 130 tuổi. Bởi vậy, IOC cùng nước chủ nhà đã quyết định cùng nhau tạo nên một kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử.
Sự đặc biệt đến từ buổi lễ khai mạc - dù có chi tiết gây tranh cãi như nêu trên - chưa từng có, diễn ra ngoài trời thay vì trong một sân vận động như các kỳ trước, trong không gian mở dọc theo con sông Seine nổi tiếng, qua đó cho phép sự tham gia của khoảng 600.000 người.
Sự đặc biệt cũng đến từ việc nhiều môn thể thao sẽ được tổ chức ngay tại các khu vực danh thắng tại Paris như tháp Eiffel, cung điện Grand Palais de Champ-Élysées, quảng trường Concorde… thể hiện ý tưởng thể thao là một phần của đời sống, qua đó tăng cường sự quảng bá cho các di tích lịch sử vốn đã rất nổi tiếng này.
Người ta cũng nói tới sự đặc biệt khi các phòng ngủ trong Làng vận động viên sẽ không lắp máy điều hòa nhiệt độ thông thường, thay vào đó là hệ thống làm mát bằng nước, nhằm giảm thiểu sự phát thải carbon. Bên cạnh đó là hàng loạt biện pháp phân loại và xử lý rác thải áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hướng tới một kỳ "Olympic xanh".
Sự đặc biệt còn đến từ dấu mốc Thế vận hội đầu tiên đạt sự cân bằng tuyệt đối về giới tính khi đúng 50% trong số hơn 10.500 VĐV tham dự là nữ… Tất cả những sự đặc biệt ấy được phần nào thể hiện qua khẩu hiệu cũng rất đặc biệt: "Games Wide Open" (tạm dịch là Thế vận hội rộng mở). Năm 1900, tại kỳ Olympic thứ 2, Paris chính là nơi đón chào các nữ vận động viên đầu tiên (kỳ thứ nhất năm 1896 không có vận động viên nữ nào)!
Cùng với sự tôn trọng những giá trị truyền thông trong quá khứ, Paris 2024 còn thể hiện cả sự cởi mở đón nhận đối với xu thế phát triển mới của thể thao và nhân loại, trong đó có sức hấp dẫn đối với giới trẻ của các môn thể thao - giải trí. Lần đầu tiên, breakdancing - môn nhảy hiện đại phổ biến trong cộng đồng Hiphop - cũng như các môn như trượt ván (skateboarding), trèo tường thể thao (sport climbing) hay lướt ván (surfing) được đưa vào chương trình thi đấu chính thức.
Điều này thể hiện sự thay đổi rất lớn của IOC, vì tổ chức này bấy lâu luôn có những "khuôn mẫu" rất gắt gao trong cách lựa chọn môn thể thao đưa vào chương trình thi đấu của các kỳ Thế vận hội (luôn phải đạt hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn không chỉ về sự quốc tế hóa mà cả trong luật lệ và cách tính điểm). Đây cũng có thể xem là một điều đặc biệt, cho thấy quyết tâm lan tỏa tinh thần và sứ mệnh Olympic tới những cộng đồng đặc biệt, trong xu thế phát triển mới của nhân loại.
Người có nhiều công lao nhất trong việc xây dựng những giá trị của Olympic hiện đại là Pierre de Coubertin, nhà giáo dục và sử gia người Pháp, đồng sáng lập và là chủ tịch thứ 2 của IOC (từ 1896-1925). Ông chính là tác giả của logo 5 vòng tròn Olympic được lồng vào nhau, với 5 màu sắc khác nhau thể hiện sự đoàn kết của 5 châu lục (châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương). Xuất thân là một nhà giáo dục, nên với ông, ngoài chức năng luyện rèn sức khỏe và ý chí, thể thao luôn hàm chứa những giá trị giáo dục to lớn.
Ba giá trị cơ bản nhất của Olympic là sự xuất sắc, sự tôn trọng và tình bạn (excellence, respect and friendship). Theo đó, các vận động viên luôn phấn đấu để đạt được sự xuất sắc và trở thành người giỏi nhất có thể; thể hiện sự tôn trọng bằng nhiều cách cư xử khác nhau: tôn trọng bản thân, các quy tắc, đối thủ, môi trường, công chúng (không phân biệt chủng tộc, màu da, thể chế chính trị…). Mỗi kỳ Olympic chứa đựng kỷ niệm về tình bạn gắn kết mọi người lại với nhau.
Có thể thấy Olympic hàm chứa những triết lý sống, trong đó đề cao sự cân bằng các phẩm chất của cơ thể, ý chí và trí tuệ; kết hợp thể thao với văn hóa và giáo dục, luôn tìm cách tạo ra một lối sống dựa trên niềm vui trong sự nỗ lực, giáo dục thông qua những tấm gương tốt và sự tôn trọng sự khác biệt của các quốc gia trên thế giới.
Mục tiêu của phong trào Olympic là góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn bằng cách giáo dục thanh thiếu niên thông qua thể thao, được luyện tập không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào và theo tinh thần Olympic, đề cao sự hiểu biết lẫn nhau với tinh thần hữu nghị, đoàn kết và công bằng. Có thể thấy với tinh thần ấy, sứ mệnh của Olympic lớn hơn rất nhiều so với một sự kiện thể thao thông thường mà mang những giá trị giáo dục, hướng tới khát vọng tốt đẹp của con người về một "thế giới đại đồng"!
Sau này, tinh thần ấy cũng được chuyển sang Paralympic - Thế vận hội dành cho người khuyết tật toàn thế giới, tiếp tục phát huy trong cộng đồng những người yếu thế và kém may mắn về thể chất.
Với chúng ta thì có phần tiếc nuối khi Thế vận hội nói chung và Thế vận hội kỳ này chứa đựng nhiều thông điệp thú vị đặc biệt thế, song không có đơn vị sản xuất truyền hình nào tại Việt Nam có bản quyền phát sóng Olympic kỳ này (các kỳ trước luôn có VTV đi đầu). Những háo hức về các màn trình diễn khai mạc trên sông Seine, rồi danh ca Celine Dion thêm một lần biểu diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội… hay việc dõi theo những vận động viên ưu tú của nước nhà đều không thể.
Giới mộ điệu thể thao Việt Nam vốn đã chạnh lòng về việc chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á về số vận động viên dự Olympic, nay lại càng buồn hơn khi cả khu vực có tới 7 quốc gia có bản quyền phát sóng Olympic (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar và Campuchia), nhưng không có Việt Nam!
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!