Nuôi chó, mèo ở chung cư
Năm 2017, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thuê một số căn hộ chung cư ở khu Phú Mỹ Hưng (TPHCM) làm khu ký túc xá cho sinh viên. Đây là một khu chung cư mới nên được thiết kế gọn gàng và bắt mắt, có thang máy dành riêng vận chuyển đồ đạc. Các quy định nội bộ của khu chung cư cũng được ban hành và phổ biến đến tất cả cư dân, trong đó có việc cấm nuôi chó, mèo và các loài động vật.
Tuy nhiên một số gia đình chuyển đến từ các nơi khác vẫn dắt theo thú cưng với các lý do khác nhau. Người thì đang nuôi tại nơi ở trước, không thể bỏ lại; người thì được tặng cho, gắn với kỷ niệm đặc biệt; thậm chí có những người nuôi thú cưng theo phong thủy. Ban đầu bảo vệ, ban quản lý chung cư có nhắc nhở song mọi người cứ lờ đi và cũng "chẳng ai làm gì được nhau".
Nhóm sinh viên chúng tôi chỉ là người đến ở trọ, nên chẳng dám có ý kiến gì, dù chứng kiến việc nuôi thú cưng của một số hộ dân đã ảnh hưởng đến đa số còn lại. Vào buổi tối và buổi sáng khi mọi người đi ra, đi vào nhiều nhất cũng là lúc thú cưng của các hộ dân được thả ra ngoài, tung tăng khắp nơi trong thang máy và ở hành lang khiến nhiều người e ngại.
Nhiều đêm chúng tôi nghe thấy tiếng chó sủa, mèo kêu; thi thoảng chó sủa rất to và hỏi bảo vệ thì được biết do chủ nhà đi vắng, thú cưng bị bỏ đói nên mới sủa to như vậy. Chuyện thú cưng vệ sinh bừa bãi hay lông thú khiến một số người bị dị ứng cũng được phản ánh, nhưng rồi không được giải quyết vì không có chế tài. Ban quản lý chung cư cũng không có quyền trục xuất thú cưng của bất cứ hộ dân nào.
Mấy ngày qua dõi theo vụ "chủ chó đấm người tại chung cư" tôi nhớ đến chuyện ở chung cư kể trên, và thấy rằng trước mắt chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm hành vi bạo lực của chủ chó; về lâu dài sự việc này một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải có những quy định và chế tài cụ thể hơn đối với việc nuôi thú cưng (phổ biến là chó, mèo) ở chung cư.
Pháp luật hiện nay nghiêm cấm "Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư" (Nghị định 99/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, vì vậy việc nuôi chó, mèo trong khu chung cư không thuộc hành vi bị nghiêm cấm. Quy định này dẫn đến thực tế là nuôi thỏ (danh mục gia súc) thì bị nghiêm cấm, song nuôi chó (kể cả chó dữ) lại không.
Vì không bị nghiêm cấm nên việc các hộ dân được nuôi chó, mèo trong chung cư hay không phụ thuộc vào thỏa thuận cộng đồng. Trường hợp tập thể các hộ dân thông qua hội nghị nhà chung cư thấy rằng việc nuôi chó, mèo là hành vi gây ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng thì có thể ra quyết định cấm nuôi. Tuy nhiên do đây là chỉ là "nội quy" nên trong thực tế hiệu lực rất yếu, thông thường không được tuân thủ đầy đủ và nếu ai vi phạm thì cũng không sao.
Trong bối cảnh nhà chung cư ngày càng phổ biến ở đô thị, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu có quy định cụ thể hơn đối với vật nuôi ở chung cư; nếu vẫn không cấm nuôi chó, mèo thì thiết nghĩ cũng cần kèm theo các điều kiện và chế tài cụ thể để đảm bảo an toàn, tránh gây ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. Đơn cử, nên có hướng dẫn sao cho việc nuôi chó, mèo ở chung cư chỉ nên là thú cưng loại nhỏ, không được nuôi thú dữ như chó pitbull; không được nuôi số lượng nhiều và phải tuân thủ quy định về vận chuyển, bảo vệ an toàn…
Pháp luật cũng cần quy định rõ ràng trách nhiệm của ban quản lý chung cư. Nhu cầu nuôi thú cưng trong khu chung cư là có, ảnh hưởng của nó đối với những gia đình xung quanh cũng rất rõ, ở đây Ban quản lý chung cư nếu phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình thì có thể giải quyết hài hòa lợi ích các bên.
Về phía cư dân, những người chủ nuôi chó, mèo cần tuân thủ nghiêm túc việc đeo dây xích, tiêm ngừa và quản lý không cho chó, mèo chạy lung tung… Hơn nữa, họ cũng cần huấn luyện chó để không sủa bậy, không vệ sinh bừa bãi, không cắn người lạ… Ban quản lý chung cư có trách nhiệm giám sát vấn đề này thông qua nhân viên bảo vệ và camera an ninh, kịp thời phản ứng khi phát hiện vi phạm, bao gồm việc thông báo tới cơ quan chức năng để xử phạt theo quy định. Các chung cư cũng nên bố trí khu vực riêng dành cho thú cưng chơi, đi dạo, đi vệ sinh… và chi phí thuê lao cộng dọn dẹp sẽ do chủ nuôi thú cưng thanh toán.
Tóm lại, vấn đề nuôi chó, mèo ở chung cư đã được bàn cãi lâu nay, nhiều nơi đây là thực tế nhức nhối đối với cư dân và đã có nơi dẫn đến bạo lực như trường hợp "chủ chó đấm người" ở TPHCM. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần đưa ra quy định và chế tài cụ thể hơn, sao cho nếu không cấm thì cũng không thể cho phép chủ chó, mèo vô trách nhiệm với cộng đồng.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!