Những kỳ vọng với Luật Đất đai trước giờ Quốc hội "bấm nút"
Sau bao chờ đợi, Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp đang diễn ra, dự kiến các đại biểu "bấm nút" trong phiên họp ngày 18/1. Đến nay đây là đạo luật giữ rất nhiều kỷ lục về: số lượng ý kiến góp ý đối với dự thảo luật khi có hơn 12 triệu lượt ý kiến; độ bền bỉ trong hoạt động xây dựng pháp luật của một dự án luật được xem xét, thông qua tại 4 kỳ họp (thông thường các luật phức tạp thì Quốc hội xem xét trong ba kỳ họp).
Có lẽ hiếm một đạo luật nào lại có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cũng như lợi ích của mỗi người dân, doanh nghiệp, tác động đến hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước như Luật Đất đai.
Là một người theo dõi quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhiều năm nay, tôi kỳ vọng luật mới sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho tất cả các chủ thể: từ mỗi cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội.
Tại dự thảo mới nhất, nhiều quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 mang đến những kỳ vọng cho các cá nhân, người dân sử dụng đất. Dự thảo luật mới đã giải quyết được 2 tồn tại của luật cũ trước đây về: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân đang sử dụng ổn định nhưng không có giấy tờ về đất đai, và hoàn thiện hơn nữa cơ chế bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định không có giấy tờ về đất đai đã được quy định từ trước tại Luật Đất đai năm 1993, 2003, 2013. Sau đó, mỗi lần sửa luật đất đai sau này chúng ta lại kéo dài mốc thời gian cấp giấy chứng nhận. Đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã tiếp tục điều chỉnh thời gian sử dụng đất, theo đó những người dân không có giấy tờ về đất đai nhưng đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ trước ngày 1/7/2014 sẽ được cấp giấy chứng nhận. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân trong việc cấp giấy chứng nhận, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận trong cả nước.
Chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng đã có sự thay đổi theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất cho người dân.
Luật đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất gì thì sẽ bồi thường bằng loại đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền. Thực tế, nhiều trường hợp thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp giá đất bồi thường xác định chưa phù hợp dẫn đến tình trạng người bị thu hồi khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.
Khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã quy định người dân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác, thậm chí bằng nhà ở.
Thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường bằng tiền, bằng đất nông nghiệp cùng loại thì tới đây có thể được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương. Những chính sách trên tạo kỳ vọng sớm tạo sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi, qua đó đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Những điểm nghẽn về tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp thực hiện dự án cũng đã được giải quyết trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024.
Từng có một thực tế "cười ra nước mắt" khi không ít doanh nghiệp được lựa chọn nhà đầu tư nhưng không được giao đất, cho thuê đất với lý do: Luật Đầu tư và Luật Đất đai trước đây chưa có sự đồng bộ về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế giao đất tương ứng cho doanh nghiệp đấu thầu hoặc chấp thuận nhà đầu tư, dẫn đến doanh nghiệp này gặp khó khăn khi giao đất.
Phải đến khi các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013 được ban hành, tình trạng này mới được tháo gỡ. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã có quy định chi tiết các trường hợp, điều kiện giao đất theo từng hình thức cụ thể như các trường hợp nào sẽ giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá; trường hợp nào được giao đất không phải thông qua đấu giá, đấu thầu. Đây là một nội dung quan trọng góp phần tăng cường tính minh bạch cho thị trường bất động sản, góp phần tạo ra tính công bằng trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp.
Tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, phân tán phổ biến từ trước đến nay có thể có những thay đổi trong thời gian tới. Dự thảo luật mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại và hiệu quả theo những mô hình như Vietgap, Eco-farm.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 cũng "củng cố" niềm tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.
Thời gian qua rất nhiều quan chức, cán bộ các địa phương vướng vào lao lý phần nhiều do liên quan đến đất đai. Sai phạm đất đai thường chủ yếu liên quan đến: không đấu giá, đấu thầu khi lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất hay tính tiền sử dụng đất không đúng, gây thất thoát cho ngân sách.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã quy định rõ từng điều kiện, tiêu chí cụ thể các trường hợp giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, là điều kiện quan trọng cho cơ quan thực thi áp dụng.
"Điểm nghẽn" về xác định giá đất trước đây cũng kỳ vọng được khơi thông khi dự thảo Luật mới quy định cụ thể 4 phương pháp xác định giá đất (gồm phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất) và điều kiện, tiêu chí áp dụng từng phương pháp xác định cụ thể. Quy định về xác định giá đất là một nội dung quan trọng, tránh vướng mắc, gây rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương.
Những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là điều kiện quan trọng để khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục các vi phạm trong xác định giá đất dẫn đến "mất cán bộ".
Hiệu quả đối với một đạo luật thường được đánh giá trên hai khía cạnh: công tác xây dựng pháp luật và hoạt động thi hành luật trên thực tế của các cơ quan chức năng.
Theo tôi, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) 2024 đã hoàn thành các điều kiện "cần" về lập pháp với đầy đủ tính đồng bộ, hiệu quả, tác động tích cực đến các chủ thể trong xã hội. Điều kiện "đủ" thời gian tới là cơ quan chức năng cần vận dụng, triển khai luật trong trên thực tế một cách phù hợp, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Tác giả: Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn là luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; trọng tài viên Trung tâm trọng tài Thương mại và Công lý Việt Nam (VietJac). Ông Tuấn có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về pháp lý bất động sản, xây dựng, hiện là giám đốc pháp chế của Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Bất động sản WeLand.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!