Tâm điểm
Hồ Quốc Tuấn

Những "điệp viên" AI

Từ những người đồng hành tuyệt vời …

Do nhu cầu công việc, tôi thường xuyên phải trả lời hàng chục email mỗi ngày về đủ thứ chuyện liên quan ở môi trường đại học, trong đó có những câu hỏi rất khó về việc thi cử của sinh viên.

Thông thường một nhóm nhân sự của trường đại học đọc các tài liệu hướng dẫn, rồi email qua lại với nhau và diễn giải trên cơ sở đồng thuận về một quy trình hay giải pháp nào đó.

Điều này có thể được đơn giản đi rất nhiều với ý tưởng huấn luyện một nhân vật ảo cực kỳ thời thượng là "AI agent - tác nhân trí tuệ nhân tạo". Thuật ngữ chỉ hệ thống hoặc chương trình máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết vấn đề hoặc hỗ trợ người dùng trong các công việc cụ thể. AI Agent có thể hoạt động tự động hoặc bán tự động dựa trên dữ liệu và mục tiêu đã được lập trình sẵn. 

Bạn nào xem phim về điệp viên 007 thường nghe đến cụm từ "agent 007", vừa bí hiểm vừa ngầu. Tên gọi này khá phù hợp cho các ứng dụng "AI agent". Tác nhân AI này, như một điệp viên, sẽ len lỏi vào kho tài liệu về quy trình đào tạo và vận hành cả trăm năm của Đại học Bristol (Anh) - nơi tôi làm việc, học thuộc lòng mọi thứ và trở thành một từ điển sống. Từ nay ai gặp vấn đề gì rối não liên quan đến quy trình của trường là cứ gọi "nó" ra hỏi.

Đây không phải viễn tưởng mà là một dự án có thật đang được thúc đẩy bởi nhiều đại học ở Anh, và tôi "may mắn" là một trong những người tham gia góp ý đánh giá lợi ích và rủi ro cho trường kinh doanh của Đại học Bristol. Trong khi thú thật, tôi cũng không biết chắc mình sẽ phải đối mặt với cái gì.

Những điệp viên AI - 1

Microsoft ra mắt AI Agent (Ảnh: Techco).

Những người có ý tưởng triển khai AI agent gọi nó với một cái tên thân thuộc là "trợ lý" hay "bạn đồng hành" cho các nhân viên đại học. Họ cũng có thể triển khai tác nhân này rộng hơn như là một bạn "đồng hành học tập" với sinh viên, giúp các sinh viên trả lời những câu hỏi kiểu "nếu hôm nay bị bệnh tôi cần phải báo ai", hoặc là "tôi được sử dụng loại máy tính nào cho môn thi về thị trường tài chính"... Đi xa hơn, một số trợ lý có thể được huấn luyện để "học cùng", thảo luận và đưa ra thách thức cao hơn về một số bài tập được giao về nhà.

Những trợ lý hay bạn đồng hành AI này được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2025. Và phải công nhận rằng các tổ chức sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức.

Lấy ví dụ cá nhân tôi, một bạn trong nhóm triển khai dự án đánh trúng "tim đen" của tôi khi nói: "Anh sẽ không cần làm cố vấn học tập nữa khi đã có công cụ này". AI agent có thể tiết kiệm khoản tiền cực kỳ lớn cho trường đại học, và giải phóng những người như tôi ra khỏi việc trả lời những câu hỏi đơn giản của sinh viên. Tất nhiên, một số người trong bộ phận hỗ trợ cho chúng tôi làm những công việc đó sẽ được thuyên chuyển sang bộ phận khác hoặc mất việc, nhưng rõ ràng là AI agent giải quyết được một vấn đề lớn.

Không chỉ các trường đại học mà nhiều tổ chức khác cũng đang tính toán sử dụng AI agent. Báo Time ở Anh cho biết họ sẽ cung cấp một bạn đồng hành AI với người đọc, giúp tóm tắt bài báo, đọc cho bạn nghe, và có thể thảo luận với bạn về chủ đề trong bài báo. Nó sẽ trở thành một người bạn cà phê sáng đọc báo cùng bạn.

Một số hãng cung cấp dữ liệu cũng đang tạo ra những trợ lý cho người dùng, giúp họ không cần nhớ những cú pháp và câu lệnh mà cứ ra lệnh kiểu như "hãy làm cho tôi một bảng so sánh tỷ suất sinh lợi của đầu tư bất động sản ở 10 nền kinh tế lớn nhất Châu Âu trong năm 2024".

Trước đây, người ta sẽ phải nhớ những cú pháp cực kỳ phức tạp trên một máy tính cài phần mềm dữ liệu tài chính Bloomberg, hoặc lần mò với những lựa chọn trong các phần mềm như PowerBI hay Tableau chẳng hạn. Nhưng nay thì những hãng này đang tìm cách hoàn thiện công cụ hỗ trợ của mình, để việc truy vấn dữ liệu dễ dàng hơn, ít nhất là cho những thứ đơn giản, còn kỹ năng cao, ít người biết thì AI vẫn chưa học được.

Công cụ AI của họ sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ người dùng, ví dụ vẽ ra một đồ thị, bảng biểu, lấy dữ liệu về và "làm sạch" lại theo nhu cầu. Tôi sẽ không cần vò đầu bứt tóc khi không nhớ nổi cú pháp truy vấn dữ liệu hay chỗ tìm loại dữ liệu đó trên phần mềm nữa.

Có lẽ ngày mà công cụ AI làm luôn báo cáo phân tích về một công ty niêm yết cũng đang đến gần, khi việc này đã được thương mại hóa với một số nền tảng bắt đầu áp dụng cho khách dùng thử. Tất nhiên là sản phẩm không bằng được 50% năng lực của một chuyên gia phân tích trung bình làm (với bản mà tôi đang dùng thử), và nó không hiểu được những rắc rối của các lựa chọn về chế độ kế toán của công ty. Nhưng trước mắt như vậy là đủ rồi. Ít nhất thì AI sẽ giải phóng các chuyên gia phân tích khỏi gần 50% công việc nhàm chán, để họ tập trung làm những thứ tạo ra giá trị thật sự.

Và nghĩa là những ai học hành làng nhàng, làm việc lơ mơ thì thôi không cần đi làm nữa, vì họ không làm ra được cái gì tốt hơn "người bạn AI" kia. Còn người làm phân tích giỏi thật sự thì bây giờ có thể được trả lương gấp 2-3 lần, vì bây giờ họ có thể làm được 4-5 phần công việc chỉ với một người bạn đồng hành AI.

… biến thành điệp viên xấu xa

Nghe thật là tuyệt vời phải không?

Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ kỹ, bạn sẽ giật mình. Ví dụ, trong trường hợp của trường tôi, câu hỏi là người đồng hành AI này sẽ được tiếp cận dữ liệu cá nhân của sinh viên và giảng viên, cũng như các tài liệu trên các thư mục chia sẻ của trường đến mức độ nào? Trong một số thư mục chia sẻ cho AI có thể có cả đề thi tạm thời đang chờ được duyệt, hay một biên bản chờ đánh giá kỷ luật sinh viên.

Một lo ngại khác là người bạn đồng hành AI sẽ đưa ra những đề xuất gì cho sinh viên? Liệu nó có "xúi" sinh viên tận dụng những lỗ hổng trong chính sách của trường để trục lợi, ví dụ như xin nghỉ bệnh để được lợi hơn các sinh viên khác, hoặc không cần lên lớp mà vẫn không bị trừ điểm tham gia thảo luận, thậm chí là làm sao phải làm ít việc nhất trong làm việc nhóm(!?).

Những điệp viên AI - 2

Tiềm năng của AI nghe thấy mê, mà rủi ro thì thấy ghê (Hình minh họa: Getty).

Còn nữa, một sai sót trong thuật toán có thể khiến người bạn đồng hành này đưa ra lời khuyên sai cho cả giảng viên mới đến trường và sinh viên, nếu không kiểm tra kỹ lại câu trả lời. Tương tự, một bài toán định giá và đầu tư sẽ sai hoàn toàn khi dữ liệu đầu vào cho AI bị sai từ nguồn.

Tất nhiên là các công cụ AI sẽ ngày càng hoàn thiện, và thật ra là con người làm thì vẫn có sai sót mà thôi. Nhưng người làm sai thì có chỗ quy trách nhiệm, còn AI làm sai thì phải làm gì?

Nguy hiểm hơn nữa là khi chúng ta đào tạo ra một người bạn đồng hành biết được mọi thứ về tổ chức, nhân viên và khách hàng của mình, thì sẽ ra sao nếu kẻ xấu tấn công và biến người bạn đồng hành đó thành một điệp viên.

Tin tặc giờ chỉ cần tìm cách tấn công vào những AI agent này, "bắt cóc" nó, "tẩy não" rồi thả về lại. Thế là giờ trong các tổ chức có một điệp viên của tin tặc, tha hồ ăn cắp dữ liệu, chuyển tiền âm thầm về tài khoản của điệp viên (bằng cách đưa thông tin chuyển tiền sai), hoặc ăn cắp đề thi đi bán(!).

Đó là chúng ta mới nói tới việc những người bạn thân AI của chúng ta bị tin tặc tấn công, "bắt cóc và tẩy não" để làm điệp viên cho chúng. Chúng ta chưa nói đến những kẻ lừa đảo và tội phạm cũng được cung cấp những người bạn đồng hành tuyệt vời này. Một kẻ lừa đảo có thể trở thành chuyên gia chứng khoán qua đêm, bình luận cổ phiếu y như thật luôn.

Đúng là tiềm năng nghe thấy mê, mà rủi ro thì thấy ghê.

Vấn đề nằm ở quy trình và bảo mật

Trước mắt chúng ta có lẽ không cần quá lo về những viễn tưởng kể trên. Bởi vì muốn đào tạo ra một người bạn đồng hành AI có chất lượng thì bản thân công ty phải có tài liệu về quy trình rõ ràng, số hóa, phân loại và xác định cấu trúc, chức năng các phòng, ban, phân loại nhân viên, khách hàng, .v.v rất chi tiết.

Đây là một dự án lớn không chỉ về công nghệ mà còn về tổ chức và quy trình hoạt động, nhiều tổ chức sẽ chưa sẵn sàng thực hiện ngay trong năm 2025.

Với tổ chức đã rõ ràng về quy trình, thì họ phải xác định mức độ AI được tiếp cận dữ liệu ở tầng nào và giải quyết bài toán bảo mật, an ninh mạng. Đây là điều mà Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2024 đã nhấn mạnh khi bàn về chủ đề "AI agent".

Chưa thể khẳng định chắc chắn AI agent sẽ là "bom nổ" hay "bom xịt" trong năm 2025, nhưng ít nhất công nghệ này giúp chúng ta có thêm một trợ lý 24/7, không phàn nàn khi phải làm ngoài giờ hay cáu giận mỗi lần chúng ta nặng lời với nó. Nhìn mọi việc nhẹ nhàng và hài hước một chút có thể khiến năm 2025 của chúng ta trở nên tươi sáng hơn.

Tác giả: Ông Hồ Quốc Tuấn, tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, hiện là Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh. Trước đó ông là Kinh tế trưởng và chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ 2008 đến 2012. Ông Tuấn cũng từng công tác ở Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Eximbank Việt Nam và là giảng viên của Đại học Kinh Tế TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!