Những chuyện thú vị về các giáo sư trẻ và đôi điều suy ngẫm
Trong số 56 giáo sư của đợt phong giáo sư năm 2023 tại Việt Nam, nổi lên 3 gương mặt trẻ nhất là các giáo sư Nguyễn Đại Hải, Đoàn Thái Sơn và Trần Xuân Bách. Họ đều là các nam giáo sư 39 tuổi, cùng sinh năm 1984.
Đồng thời trong số 532 người đạt chuẩn phó giáo sư, có hai phó giáo sư tuổi đời mới 33, cùng sinh năm 1990. Đó là phó giáo sư Lê Thanh Hà, và phó giáo sư Nguyễn Thị Hồng Nhâm.
Đây có thể coi là điển hình của những gương mặt trẻ, đại diện cho tương lai tươi sáng của khoa học nước nhà hiện nay. Mà các vị này đều đang lãnh trọng trách của các ngành khác nhau. Ví dụ như giáo sư Nguyễn Đại Hải là một chuyên gia về hóa học, giáo sư Đoàn Thái Sơn là một nhà toán học, giáo sư Trần Xuân Bách là chuyên gia y tế cộng đồng. Còn hai vị phó giáo sư kể trên đều là các nhà khoa học kinh tế.
Họ cũng đều đang làm việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Giáo sư Nguyễn Đại Hải đang làm việc tại Viện Công nghệ Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Giáo sư Đoàn Thái Sơn làm việc tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Giáo sư Trần Xuân Bách đang làm việc tại Trường Đại học Y Hà Nội. Phó giáo sư Lê Thanh Hà làm việc tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Phó giáo sư Nguyễn Thị Hồng Nhâm thì làm việc tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM.
Tìm hiểu thông tin về các giáo sư và phó giáo sư trẻ này cũng có nhiều điều thú vị. Ví dụ như hai người cùng quê Nam Định. Đó là giáo sư Nguyễn Đại Hải (quê xã Hải Anh, Hải Hậu) và giáo sư Đoàn Thái Sơn (quê xã Nam Lợi, Nam Trực). Hay có 2 giáo sư sinh cùng ngày, cùng tháng và cùng năm là giáo sư Đoàn Thái Sơn và giáo sư Trần Xuân Bách, đều sinh vào ngày 5/10/1984.
Một điểm chung quan trọng khác, các giáo sư và phó giáo sư trẻ nhất năm nay đều là các nhà khoa học trưởng thành từ các đại học trong nước, sau đó đi tu nghiệp tại các đại học danh tiếng ở các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.
Ví như giáo sư Nguyễn Đại Hải vốn theo học cử nhân ngành hóa học, chuyên ngành Vô cơ và Ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học TPHCM năm 2006. Sau đó, có học bổng du học nên anh qua Hàn Quốc học tập. Năm 2013, anh được cấp bằng Tiến sĩ ngành hóa học ứng dụng, chuyên ngành Công nghệ vật liệu sinh học tại Đại học Ajou, Hàn Quốc. Sau khi về nước, anh làm việc và với nhiều thành tích nên đã được công nhận chức danh phó giáo sư từ năm 2019.
Giáo sư Đoàn Thái Sơn theo học và lấy bằng cử nhân toán học tại Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, ĐHQGHN năm 2006. Sau đó anh lên đường qua Đức du học và lần lượt các năm 2009 và 2016, nhận bằng tiến sĩ rồi TSKH tại Technical University Dresden, Đức. Anh được phong phó giáo sư từ năm 2018.
Giáo sư Trần Xuân Bách cũng tốt nghiệp đại học Y tế công cộng tại Hà Nội, và có bằng cử nhân vào năm 2006. Anh còn theo học Đại học Luật Hà Nội và có bằng cử nhân năm 2020. Tuy nhiên, ngay khi tốt nghiệp đại học Y tế công cộng tại Việt Nam, vì có thành tích xuất sắc, anh nhận học bổng đi du học nghiên cứu sinh tiến sĩ về Y tế công cộng, chuyên ngành Chính sách y tế và dịch vụ y tế tại đại học Alberta, Canada, và tốt nghiệp năm 2011. Năm 2012, anh học tiếp sau tiến sĩ tại đây và một năm sau là học sau tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ. Năm 2019, anh có bằng tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Doanh nghiệp và Quản trị Kiểm soát tại Đại học Toulon, Pháp.
Năm 2016, anh được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Y học - phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó. 3 năm sau, anh được bổ nhiệm chức danh giáo sư (kiêm nhiệm) tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ - trường đại học số một thế giới về y tế công cộng, trở thành một trong những giáo sư trẻ nhất của đại học danh tiếng này.
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hà từng tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân năm 2011. Sau đó anh qua Nhật du học và có bằng thạc sĩ vào năm 2015 ngành Chính sách công tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản; đến năm 2018 thì nhận bằng tiến sĩ ngành Kinh tế Quốc tế tại Viện nghiên cứu này.
Với những nền tảng vừa nêu, các giáo sư, phó giáo sư trẻ của nước nhà đều đang có các công trình nghiên cứu khoa học quan trọng cho quốc gia và quốc tế.
Giáo sư Hải đang say sưa với khoa học vật liệu, nano và y sinh. Trong khi đó giáo sư Sơn đi sâu vào Toán học với lý thuyết định tính và điều khiển các hệ động lực. Giáo sư Bách thì chuyên về y tế công cộng. Còn hai phó giáo sư Hà và Nhâm đều quan tâm sâu tới chính sách công.
Về tầm cỡ quốc tế, trong số những người trẻ trên đây, giáo sư Trần Xuân Bách nổi bật vì là nhà khoa học được giới y tế công cộng trên thế giới công nhận. Năm 2019, việc anh nhận chức danh giáo sư (kiêm nhiệm) tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ - trường đại học số một thế giới về Y tế công cộng, đã chứng tỏ điều này.
Từ thành tựu của các giáo sư, phó giáo sư trẻ nhất trong đợt phong tặng năm 2023, có thể thấy Việt Nam đang dần có được một thế hệ các nhà khoa học mới, thực học, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, tại các quốc gia phương Tây phát triển nhất và có các công trình khoa học mang tầm cỡ quốc tế. Năm nay là năm đầu tiên nước nhà có các phó giáo sư sinh tuổi 9X, tiếp nối các thế hệ 6X, 7X và 8X trước đó.
Chúng ta cần thêm những người trẻ và tài năng như vậy. Vì tỷ lệ 3 giáo sư trẻ nhất/56 giáo sư và 2 phó giáo sư trẻ nhất/532 phó giáo sư được phong tặng danh hiệu năm nay cũng là quá ít.
Tuổi của các giáo sư và phó giáo sư của ta đa phần vẫn nằm trong khoảng 40-50-60. Năm nay cũng không có kỷ lục như các năm trước về độ tuổi. Ví như năm 2018, Việt Nam đã có một giáo sư khi vừa qua 36 tuổi (Phạm Hoàng Hiệp). Hay năm 2016, Phó giáo sư Trần Xuân Bách được phong chức danh này khi anh 32 tuổi.
Nếu so về độ tuổi thì chúng ta vẫn thua rất xa các nước phát triển. Họ có những giáo sư đại học phong khi 18 tuổi. Ví như chị Alia Sabur, người Mỹ, trở thành giáo sư lúc 18 tuổi 11 tháng 28 ngày. Hay anh Erik Demaine, người Canada, trở thành giáo sư ở tuổi 20. Anh bắt đầu đi dạy năm 2001 tại học viện MIT (Massachusetts Institute of Technology) danh tiếng của Mỹ, ngành Khoa học máy tính.
Tất nhiên là hệ thống giáo dục và cách phong tặng giáo sư của họ có những điểm khác với chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn hy vọng nước nhà ngày càng có những giáo sư, phó giáo sư trẻ hơn. Bởi sự công nhận đúng lúc, phù hợp với tài năng của các nhà khoa học sẽ giúp họ có thêm sức bật, đi xa hơn trên con đường cống hiến cho khoa học. Còn nếu công nhận càng trễ, thì công nhận xong cũng là lúc họ sắp về hưu.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!