Những "chuyện lạ" đăng kiểm ở Việt Nam
Khi cuộc khủng hoảng đăng kiểm mới xảy ra, ít ai có thể hình dung đến quy mô của nó, cho dù, có lẽ, chính những cơ quan trong cuộc, là Bộ Giao thông Vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam, chắc chắn không khó khăn để hình dung bức tranh hôm nay, khi các sai phạm có hệ thống được phát hiện hầu như ở mọi nơi trong hệ thống này. Đó là những sai phạm cả lĩnh vực đường bộ lẫn đường thủy, cả cấp Cục lẫn cấp đơn vị kiểm định.
Theo con số của Cục đăng kiểm, từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, Hà Nội có 337.552 xe ô tô các loại đến hạn đăng kiểm, ở TPHCM là 202.531 xe.
Cũng theo ước đoán của Cục đăng kiểm, với việc hàng loạt đăng kiểm viên bị khởi tố, bắt giam dẫn đến dây chuyền đăng kiểm phải dừng dịch vụ, khoảng 200.000 phương tiện ở Hà Nội, khoảng 130.000 - 190.000 phương tiện ở TPHCM không thể kiểm định khi đến hạn vì năng lực của các trung tâm sẽ chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ.
Kiểm định kỹ thuật, an toàn và môi trường (khí thải) phương tiện giao thông tất nhiên là cần thiết, và quốc gia nào cũng làm thế. Cũng vì quốc gia nào cũng làm thế, nên chúng ta có thể thấy được một bức tranh nhiều "chuyện lạ" ở Việt Nam, khi một chiếc xe cá nhân dù trước khi xuất xưởng đã phải được giám sát kỹ lưỡng về chất lượng, tuân thủ nhiều yêu cầu do chính Cục đăng kiểm đưa ra, giám sát, thì vẫn phải đưa vào trạm đăng kiểm, trả tiền để kiểm định… lại.
Cũng không đâu như ở mình, chu kỳ đăng kiểm lại ngắn đến kỳ lạ. Ví dụ, để so sánh, một chiếc xe cá nhân chở người, ở Việt Nam, sẽ phải kiểm định lần đầu, rồi 30 tháng sau kiểm định tiếp, sau đó là mỗi kỳ 18 tháng; từ năm thứ 7 đến 12 là mỗi kỳ 12 tháng; từ năm thứ 12 đến 15 là mỗi kỳ 6 tháng; và từ năm thứ 15 là mỗi kỳ 3 tháng. Trong khi ở Nhật và Hàn Quốc, chiếc xe chỉ phải kiểm định lần đầu tiên trong thời gian 4 năm từ khi mua mới, sau đó mỗi 2 năm kiểm định một lần; con số tương tự ở Singapore là 3 năm từ khi mua sẽ kiểm định lần đầu, sau đó là mỗi 2 năm, từ năm thứ 10 là hàng năm.
Ở các quốc gia trong cộng đồng châu Âu cũng tương tự như Hàn Quốc và Nhật, kiểm định lần đầu sau 4 năm, và sau đó là chu kỳ 2 năm. Thậm chí, Malaysia không bắt buộc phải kiểm định đối với xe cá nhân, chỉ bắt buộc kiểm định với xe chở khách. Với một chiếc xe 20 năm tuổi, ở Việt Nam sẽ phải kiểm định 36 lần, ở Singapore là 15 lần, ở Nhật, Hàn Quốc và EU là 9 lần. Chúng ta đều có thể nhận thấy chu kỳ đăng kiểm ngắn ở Việt Nam là khó hiểu đến thế nào.
Tôi mong, sẽ có cơ hội đặt câu hỏi với lãnh đạo Cục đăng kiểm, là điều gì khiến họ đưa ra một chu kỳ đăng kiểm ngắn như vậy, và liệu trong quy trình xây dựng thông tư về đăng kiểm, Cục đăng kiểm có cung cấp cho đơn vị thẩm định, là Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ pháp chế,… các lập luận thuyết phục cho việc đó không.
Và ngay khi hàng loạt lãnh đạo Cục và các đơn vị đăng kiểm bị bắt, thì Cục đăng kiểm mới "vội vàng" xây dựng một bản dự thảo thông tư, gần như chỉ để sửa một điểm trong chu kỳ đăng kiểm, là sẽ "miễn" kiểm định xe mới, kèm với những ràng buộc khác về cách hiểu "xe mới" và vẫn buộc chủ xe phải đến trung tâm đăng kiểm để "làm hồ sơ đăng kiểm".
Dự thảo thông tư này, ngoài việc đăng một bản pdf trên trang của Bộ giao thông Vận tải, thì cũng không có trên trang của Cục đăng kiểm, và cũng không thấy trên trang thông tin điện tử Chính phủ, như yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tôi nghĩ, đã đến lúc, hệ thống đăng kiểm cần thiết và nhất thiết phải thay đổi từ nền tảng, đó chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này. Mà trước hết, có lẽ không nên để chính đơn vị đang hưởng các lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ việc cung cấp các dịch vụ công bắt buộc như dịch vụ đăng kiểm đưa ra các quy định buộc cộng đồng phải sử dụng dịch vụ đó nhiều hơn.
Các kinh nghiệm quốc tế nên và cần thiết phải được tham khảo một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng để loại bỏ các yếu tố định tính, các điều khoản được "cài cắm" nhằm trục lợi từ chính sách trong văn bản.
Các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần và nên được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, hơn là chỉ tập trung vào lấy ý kiến một số bộ, ngành liên quan, bởi đây cũng chính là lĩnh vực hoạt động liên quan đến từng người dân, đến toàn xã hội.
Cho nên, bên cạnh việc cần có ngay các giải pháp kịp thời để giải tỏa cuộc khủng hoảng đăng kiểm đang làm ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội và đến uy tín của cơ quan quản lý, gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, thì ngành Giao thông Vận tải chắc chắn sẽ cần phải bình tĩnh soát xét và xây dựng một hệ thống quy định phù hợp, cân bằng và khoa học.
Nếu không làm được thế, với các hệ thống quy định và văn bản hiện tại, sẽ còn tiềm tàng những nguy cơ khác trong tương lai không xa lắm.
Tác giả: Ông Phạm Quang Vinh là một doanh nhân và là cộng tác viên lâu năm của nhiều cơ quan báo chí. Ông quan tâm đến các vấn đề giáo dục, quản trị và xây dựng pháp luật.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!