"Những cái đụng chạm và ánh mắt gợi tình"
"Em vừa nộp đơn xin nghỉ việc rồi", H. nói.
Mới hai tháng trước, H. báo tin cho tôi trúng tuyển vị trí nhân viên nghiên cứu thị trường của một công ty nọ. Tôi mừng cho em vì trong giai đoạn này, tìm được một công việc phù hợp chuyên môn và có chế độ đãi ngộ tốt là điều may mắn, huống hồ em cũng mới có kinh nghiệm một năm ra trường.
Đùng một cái, tối hôm trước, H. gọi cho tôi với giọng mếu máo. Em kể do đặc thù công việc phải đi khảo sát, công tác bên ngoài, sếp hay phân công em đi cùng. Khi ngồi cùng ghế sau ô tô của công ty đưa đón, sếp cố tình đụng chạm vào đùi em và nháy mắt liên tục với ánh nhìn gợi tình. H. hoảng hốt gạt tay ra thì ông ấy trợn trừng nhìn em.
Về đến nhà sau ngày dài ở công ty, em chỉ muốn nghỉ ngơi. Ấy vậy mà H. bị ám ảnh khi zalo cứ hiện lên tin nhắn riêng tư hỏi han cuộc sống và liên tục rủ rê đi ăn, đi chơi, đi nhậu "xã giao"… Em không nhắn lại, thì y như rằng ngày hôm sau ông ấy "đổ" một đống việc trên đầu và "tìm cớ" mắng nhiếc em.
"Mọi người trong công ty có biết không?", tôi hỏi. Em có "dò" thì thấy mọi người có vẻ ái ngại, lảng tránh khi nhắc về sếp, em cảm tưởng sếp là "vùng cấm" nên không dám nói hay hó hé. Em sợ nói ra chuyện này những người trong công ty không hiểu cho mình, thậm chí phán xét, kỳ thị, cô lập. Em sợ xấu hổ, như là "vết nhơ" ảnh hưởng em trong việc tìm kiếm người yêu hay hôn nhân sau này.
H. tổn thương, có biểu hiện rối loạn tâm lý nhưng lại có quyết định như nhiều người khác vẫn thường làm khi bị quấy rối, xâm hại tình dục, là chọn cách im lặng…
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước những thông tin, cáo buộc liên quan đến môi trường làm việc tại một công ty sách và cá nhân Tổng giám đốc công ty này. Trên fanpage (có dấu xác nhận của Facebook dành cho tài khoản chính chủ), phía công ty thông báo đã quyết định tạm thời dừng vị trí công tác của Tổng giám đốc; và sẽ xúc tiến làm việc với cơ quan có thẩm quyền và cá nhân Tổng giám đốc để xác minh, làm rõ những sự việc, thông tin có liên quan.
Một số tác giả sách nổi tiếng đã thông báo dừng hợp tác với Công ty sách nêu trên.
Việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và văn minh là yêu cầu cơ bản đối với bất cứ đơn vị nào. Vậy nhưng trên thực tế, bên cạnh những môi trường văn minh thì đã và đang tồn tại người sếp, người hiệu trưởng, người giáo viên,…lạm dụng quyền lực, xem công ty, trường học, lớp học,… là "hậu cung" của mình. Không thể thấu hết, trong các buổi chiều sau giờ học, giờ tan ca hay đằng sau cánh cửa của phòng sếp, còn bao nhiêu chân dung nạn nhân đang khó chịu, mệt nhoài, lo sợ, ám ảnh, bất an,…
Ở nước ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tình trạng quấy rối tình dục, nhưng rõ ràng đây là một vấn nạn hết sức phức tạp. Theo nghiên cứu của Action Aid (tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc), tỉ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối, từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, con số này cao hơn Ấn Độ (79%), Campuchia (77%) và Bangladesh (57%). Còn theo một khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ giới (ILO, 2013); 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo lực.
Hành vi quấy rối tình dục thể hiện rất đa dạng. Một cuộc khảo sát của tổ chức quốc tế với khoảng 1.000 nữ công nhân ngành may mặc đã cho thấy có đến khoảng 87,7% đã từng bị bạo lực hoặc quấy rối bằng lời nói; có đến 34,3% từng bị quấy rối, xâm phạm thân thể; 29% bị quấy rối bằng hình thức phi ngôn ngữ như cử chỉ gợi dục; 10% bị đe dọa chấm dứt hợp đồng, giữ lương nếu tố giác hoặc phản ứng; có đến 10% được hứa hẹn đổi tình dục để thăng chức.
Về góc độ pháp lý, Việt Nam đã có một số quy định ở mức độ hành chính và hình sự. Đơn cử, về hành chính, Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu người thực hiện hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình bị phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng.
Mức phạt trên đã được nâng lên đáng kể so với "phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng" trước đây. Nhưng theo tôi, đây vẫn là mức phạt (dù chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) chưa đủ sức răn đe. Thêm nữa, việc xử lý này không dễ thực thi khi ngay cả nạn nhân còn không biết bản thân bị quấy rối tình dục. Còn cơ quan chức năng thường chỉ vào cuộc khi vụ việc có dấu hiệu phạm tội rõ ràng, nghiêm trọng, có yếu tố gây nguy hiểm như cưỡng dâm, hiếp dâm.
Có không ít trường hợp nạn nhân phải "ngậm đắng nuốt cay", hay tặc lưỡi, nhắm mắt cho qua vì đối tượng biện minh "đùa xíu thôi mà", "không có ý gì", "vô tư, thoải mái"… còn những người xung quanh mỉa mai "có chuyện bé xé ra to", "đã làm ăn gì được gì đâu mà kiện với cáo"…
Chính sự vô tâm, thiếu hiểu biết đến tàn nhẫn, cay độc này đã gieo bao nhiêu nỗi đau, sự kiệt quệ về tinh thần, thể xác cho nạn nhân. Thậm chí đẩy không biết bao nhiêu nạn nhân đến cảnh cạn cùng bế tắc. Nghiên cứu do các nhà tâm lý học tại Đại học Manchester và Đại học Nam Xứ Wales chỉ ra, những người trưởng thành từng trải qua tuổi thơ bị xâm hại về thể chất, tinh thần, hoặc bị lạm dụng tình dục có nguy cơ tự tử cao gấp 2 đến 3 lần người bình thường.
Vậy nên, hơn hết, mỗi cá nhân nên tự xây dựng "lá chắn" để bảo vệ mình. Chính bản thân mình nên tìm hiểu, bổ sung kiến thức về quấy rối tình dục bao gồm các dấu hiệu, hình thức, hay luật pháp,…và các tình huống, hoàn cảnh có thể xảy ra trong môi trường sinh sống, học tập, làm việc, đặc biệt là đối với nữ giới.
Khi đối tượng xấu mới chỉ manh nha bằng lời nói khiếm nhã, từ ngữ nhạy cảm, bản thân chúng ta đã có sự ứng xử, đối phó để xử lý vấn đề. Chúng ta sẽ biết "để ý", biết "đánh mùi", quan sát yếu tố phi ngôn ngữ như xem ánh mắt đối tượng đang "đậu" lại ở đâu, các cử chỉ của các ngón tay như thế nào…
Im lặng chưa bao giờ là giải pháp hữu hiệu đối với nạn quấy rối, xâm hại tình dục.
Nạn nhân càng im lặng, kẻ xấu càng "được nước lấn tới". Càng im lặng bao nhiêu, tổn thương, uất ức có thể không vơi đi, mà càng dễ khoét sâu, âm ỉ qua bao năm tháng thêm bấy nhiêu và khó thoát ra khỏi "hố đen" quá khứ. Càng im lặng nữa, đối tượng vẫn nhởn nhơ, ung dung tự tại và như được "tiếp tay" làm điều xấu…
Tác giả: Chị Đặng Việt Trinh là cây bút trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!