Nhìn lại 2022: Đối ngoại Việt Nam trong thế giới biến động
2022 chuẩn bị qua đi, cũng là dịp nhìn lại đối ngoại trong một năm với những biến động khôn lường. Đó là xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh nước lớn và phân cực địa chính trị, kinh tế suy giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, lạm phát, giá dầu leo thang; rồi những phức tạp mới tại eo biển Đài Loan, hay bán đảo Triều Tiên. Cộng thêm là đại dịch, dù bước đầu được kiểm soát, nhưng hệ lụy của nó còn dai dẳng.
Điều này đã ảnh hưởng đến tất cả các nước và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Bài toán đặt ra cho đối ngoại của chúng ta là lựa chọn phương án, giải pháp và bước đi như thế nào, giữa một bối cảnh đầy thách thức và biến động phức tạp như vậy, điều mà nhiều người đánh giá là chưa từng có.
Nhìn lại, nền tảng trước hết cho đối ngoại 2022 chính là việc Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội và giao lưu quốc tế. Theo đó, chúng ta đã triển khai hàng loạt hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo cấp cao và các cấp. Đáng chú ý là các chuyến thăm như Thủ tướng thăm Mỹ, Campuchia, châu Âu, dự hội nghị cấp cao Asean và Asean với Mỹ, Eu, các đối tác; Chủ tịch nước thăm một số nước trong khu vực châu Á, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, dự APEC… và đặc biệt là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư vào cuối tháng 10 vừa qua.
Nhiều đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác nhau cũng đã đến Việt Nam, như Australia, Malaysia, New Zealand, Ấn độ, Đức, Nigeria, Uganda… cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Bên cạnh đó là các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị cấp cao đa phương khu vực và thế giới.
Đối ngoại 2022 có một số điểm nhấn đáng chú ý. Trước hết là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại của ta với các nước, đi đôi với đa dạng hóa quan hệ và kết hợp đối ngoại song phương, đa phương.
Có thể thấy, đối ngoại năm nay đã thực sự chuyển từ thích ứng thời đại dịch, sang tiên phong và chủ động góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Bước vào năm 2023, bên cạnh thuận lợi, thì khó khăn, thách thức sẽ còn diễn biến phức tạp, bao gồm cả kinh tế và chính trị như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ lụy của khủng hoảng Ukraine hay cạnh tranh nước lớn và sức ép chọn bên vẫn có xu hướng gia tăng.
Theo đó, để thực hiện nghị quyết của Đại hội 13 và triển khai đối ngoại năm tới cần phát huy thành tựu đã đạt, đồng thời, cần tiếp tục tập trung vào một số ưu tiên sau.
Một là, làm sao tranh thủ nguồn lực và công nghệ phục vụ cho phát triển chất lượng cao và bền vững, trong đó có chuyển đổi số, xanh và sạch.
Hai là, đẩy mạnh tự chủ chiến lược, kết hợp hợp tác, hội nhập và đa dạng hóa, bao gồm cả về quan hệ chính trị và kinh tế, trong một thế giới gia tăng cạnh tranh, phân cực và sức ép chọn bên.
Ba là, nâng cao bản lĩnh và dự báo chiến lược, để chủ động tranh thủ cơ hội và quản trị tốt các rủi ro khi thách thức và cơ hội không còn phân tách rõ rệt, mà đan xen vô cùng phức tạp, không vì chần chừ mà để lỡ mất cơ hội.
Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng, với tinh thần chỉ đạo của Đại hội 13 và Hội nghị đối ngoại toàn quốc, đối ngoại Việt Nam thời gian tới sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng, bảo vệ và nâng cao vị thế của đất nước.
Tác giả: Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!