Việt Nam - "vịnh tránh bão trong cơn biến động"

Bích Diệp

(Dân trí) - Nhìn lại hơn 20 năm qua, trải qua nhiều bất ổn kể cả những cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 và 2008-2009, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn ổn định và vẫn giữ vững "đường ray" mở cửa, hội nhập.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng, mà kiên định với mục tiêu mở cửa, hội nhập sâu, rộng, tích cực, hiệu quả.

Theo lãnh đạo Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức lớn như đợt khủng hoảng năm 1997, 2007, 2008. "Đặc biệt trong đại dịch vừa qua, chúng ta giữ vững sự ổn định trong khi tình hình thế giới là bất ổn và nhiều khó khăn. Điều đó mang lại sự tự tin để tiếp tục phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng cũng phải tích cực hội nhập", ông nói.

Thực tế, kết quả đạt được của Việt Nam thời gian qua cũng đã được các tổ chức quốc tế và các nhà phân tích ghi nhận. Đơn cử, trong báo vĩ mô về Việt Nam vừa được công bố, HSBC (một tập đoàn tài chính đa quốc gia) đánh giá, Việt Nam đang tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa diện rộng. Dẫn dữ liệu về các điểm đến (Destination Insights) của Google, HSBC cho biết, Việt Nam cùng với Philippines là hai đại diện duy nhất của châu Á lọt vào top 10 nước có nhu cầu du lịch tăng trưởng cao nhất trong tháng 4/2022. Du khách từ châu Âu (19%), Hàn Quốc (14%) và Mỹ (13%) chiếm một nửa tổng số khách du lịch đến Việt Nam.

Ngoài ra, theo HSBC, khi nhắc tới câu chuyện phát triển đầy ấn tượng của Việt Nam, không thể không kể tới mô hình tăng trưởng lấy xuất khẩu làm động lực chính. Mô hình này đang giúp kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng kể từ khi chiến lược mở cửa trở lại bắt đầu. Trong vòng 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới.

Việt Nam - vịnh tránh bão trong cơn biến động - 1

Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn với kinh phí đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng, nối liền quận 1 với TP Thủ Đức. (Ảnh minh họa: Hoàng Giám)

Nhìn lại hơn 20 năm qua, thế giới đã trải qua nhiều bất ổn kể cả những cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 và 2008-2009, song nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn ổn định và vẫn giữ vững "đường ray" mở cửa, hội nhập. Đây là một trong những lý do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright), chia sẻ rằng Việt Nam được coi là "vịnh tránh bão trong cơn biến động". 

Và rõ ràng, với sự ổn định đó, càng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay, Việt Nam càng có cơ hội lớn để thu hút sự chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư. Vấn đề là chúng ta sẽ phải đứng trước những thách thức rất lớn. Đó là những biến số lớn về nguy cơ "lạm phát đình trệ" (lạm phát đi kèm tăng trưởng kinh tế yếu) xuất phát từ sự phục hồi khó khăn sau đại dịch Covid-19 cùng hệ lụy của chính sách "Zero Covid" ở Trung Quốc; hay tình trạng đứt gãy nguồn cung, tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên diện rộng do xung đột Nga - Ukraine… 

Nếu hai năm trước, thời điểm thực hiện "giãn cách" trên toàn quốc, giá xăng dầu rất rẻ, thì hiện tại, người dân đi đổ xăng đã phải chi một khoản tiền gần 3 lần. Giá sắt thép, xi măng, các loại vật liệu xây dựng bị đẩy lên cao khiến nhà thầu gặp khó; người nông dân cũng phải "than trời" vì giá phân bón liên tục phá đỉnh. Trong khi đó, nền sản xuất của Việt Nam có độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%) - theo HSBC. Vậy nên, mối lo ngại về việc "nhập khẩu lạm phát" càng lớn hơn. 

"Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Thách thức càng nhiều thì nỗ lực càng lớn. Dù bên ngoài có nhiều biến động, song thông điệp của lãnh đạo Chính phủ là rất rõ ràng "Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng". Trong thực tế, chúng ta đã và đang chủ động kiểm soát đại dịch Covid-19, mở cửa các đường bay quốc tế, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại "bình thường cũ".

Phát biểu của Thủ tướng có một ý rất đáng chú ý: "Chúng ta cần xác định khó khăn lúc nào cũng có. Chúng ta không lo sợ nhưng không chủ quan, không cầu toàn nhưng không liều lĩnh. Cần xác định những khó khăn, thách thức để có sự chuẩn bị về tâm thế, tư tưởng, nguồn lực". Tinh thần chủ động này rất quan trọng. Thực tiễn cuộc sống luôn thay đổi và phát sinh những sự kiện có thể diễn ra bất ngờ, vấn đề là phải bình tĩnh phân tích tình hình, chuẩn bị kịch bản và giải pháp phù hợp theo từng biến động.

"Trong nguy có cơ", trong rủi ro, thách thức cũng ẩn chứa những cơ hội. Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm thấy rằng, các chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tích cực, đặc biệt về xuất khẩu, về thu ngoại tệ, về thu hút nguồn vốn ngoại cả kênh đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Việc xử nghiêm các sai phạm, lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường chứng khoán như vừa qua cũng là một yếu tố giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Với sự chủ động, linh hoạt và lắng nghe người dân, doanh nghiệp, tin rằng kinh tế sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và Việt Nam tiếp tục trở thành "vịnh tránh bão" như kỳ vọng của giới chuyên gia.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!