Tâm điểm
Phạm Anh Thắng

Nhận diện điểm nghẽn thị trường lao động phía Nam

Những ngày sau Tết nguyên đán, tôi nhiều lần xuống các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam để quan sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Trái ngược với những năm trước đây, nhất là trước đại dịch COVID-19, thay vì hàng nghìn lao động từ nhiều nơi đổ về những địa chỉ trên và các Trung tâm dịch vụ việc làm luôn hoạt động hết công suất, thì năm nay không khí tuyển dụng "đìu hiu" hơn rất nhiều.

Tại cổng các nhà máy, không còn nhiều băng rôn treo dày đặc thông báo tuyển dụng lao động với số lượng hàng nghìn người, hay những bản mô tả về công việc, tiền lương và điều kiện làm việc hấp dẫn để thu hút lao động. Giờ đây, đa số các băng rôn treo khiêm tốn với thông báo tuyển dụng lao động làm thời vụ.

Nhận diện điểm nghẽn thị trường lao động phía Nam - 1

Công nhân một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Tôi quan sát kỹ thì vẫn có những công ty rao tuyển lên tới hàng nghìn người, thậm chí có công ty còn thông báo nhu cầu tuyển dụng lên tới vài trăm người/ngày, nhưng dường như các doanh nghiệp này không tuyển dụng được số lượng như mong muốn. Trong khi đó, thông tin về tình trạng người lao động bị mất việc làm, bị cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập đâu đó vẫn đang "rất ồn ào", kéo dài từ những tháng cuối năm 2022 đến nay. Vì sao?

Có thể nói, bức tranh rất thực của thị trường lao động phía Nam ở thời điểm hiện nay là nhu cầu tuyển dụng của các ngành hàng đang rất khác nhau. Nếu như đa số doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ và một vài ngành sản xuất thâm dụng lao động khác từ đầu quý 4 năm 2022 đã tiến hành cắt giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc tạm thời do không có đơn hàng, thì ở lĩnh vực sản xuất chế tạo như ngành điện tử, điện lạnh, … nhu cầu tuyển dụng vẫn đang rất lớn. Đơn cử một số công ty sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh nhu cầu tuyển dụng hàng ngày luôn ở mức vài trăm đến hàng nghìn lao động.

Một trưởng phòng nhân sự trao đổi với tôi rằng nhu cầu tuyển dụng của công ty hơn 1.000 lao động, nhưng từ cuối tháng 1 đến nay chỉ tuyển được đúng 60 người. Hay cụ thể như một công ty điện tử lớn có nhu cầu tuyển dụng mới với định mức 100 lao động/tuần, nhưng số lượng chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu, cho dù đây là một trong những doanh nghiệp có các chính sách phúc lợi và điều kiện làm việc thuộc tốp đầu.

Ở lĩnh vực dịch vụ cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi nhiều doanh nghiệp than rằng "bói không ra nguồn" để tuyển cho dù điều kiện, tiêu chuẩn đã hạ xuống đến mức tối thiểu.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao trong bối cảnh bị mất việc làm nhưng người lao động không hào hứng quay trở lại thị trường, tham gia ứng tuyển việc làm mới? Và, vì sao các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động? Phải chăng có điểm nghẽn của thị trường lao động tại khu vực có quy mô, số lượng quan hệ lao động lớn nhất cả nước đã bộc lộ sau tác động của đại dịch COVID-19?

Nhận diện điểm nghẽn thị trường lao động phía Nam - 2

Công nhân một xí nghiệp may ở TPHCM (Ảnh: D.T)

Câu hỏi trên hoàn toàn không khó trả lời khi chúng ta biết rằng, đại dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp.

Cơ quan chức năng ước tính gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (tất nhiên, phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật), nhiều người trở về quê không quay trở lại, khiến cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều đó đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn. Bên cạnh đó, trình độ lao động, nhất là việc khan hiếm lao động trình độ cao đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng không nhỏ đến giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, sau những biến cố của thị trường lao động, để phòng ngừa các rủi ro, các nhà tuyển dụng đã trở nên "rụt rè" hơn khi triển khai đồng bộ các chính sách đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, thậm chí có biểu hiện "lách luật" trong tuyển dụng.

Thay vì tuyển dụng lao động làm việc lâu dài, ổn định, nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách tuyển dụng lao động làm thời vụ, trong trường hợp đơn hàng ổn định, sau khi kết thúc hợp đồng thời vụ mới chọn lọc để giao kết hợp đồng chính thức, hợp đồng dài hạn. Vô hình trung, tư duy đó đã tạo tác dụng ngược, do không tạo ra đủ độ tin cậy cho người lao động về thu nhập và công việc có tính ổn định lâu dài, điều mà bất kỳ lao động nào khi đăng ký tuyển dụng cũng mong muốn đầu tiên. Đấy là chưa nói đến các điều kiện hỗ trợ đảm bảo an sinh không đảm bảo như: nhà ở, môi trường sinh hoạt, …

Về phía người lao động, tâm lý hồi hương tìm việc để "ly nông, bất ly hương" đang trở nên phổ biến. Những hệ quả từ đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tìm việc làm, nhất là khi họ có điều kiện để so sánh về điều kiện làm việc, thu nhập. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức lương, thu nhập thấp hơn khi làm việc gần nhà hơn là phải lựa chọn công việc ở phương xa với các điều kiện sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, điều kiện đảm bảo cho con cái học tập, sinh sống. Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc, miền Trung, với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, độ phủ của các khu công nghiệp tăng lên, nhất là các doanh nghiệp FDI có sử nhiều lao động chuyển hướng đầu tư để chủ động nguồn nhân lực giúp cho người lao động dễ dàng kiếm được việc làm hơn.

Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người lao động sau nhiều năm gắn bó với một công việc, họ đang có xu hướng chuyển đổi ngành nghề. Nhiều lao động có xu hướng sử dụng số vốn ít ỏi tích lũy được (bao gồm cả tích lũy từ đóng BHXH nhiều năm) để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mong muốn thu nhập cao hơn. Điều này xảy ra chủ yếu đối với số lao động lớn tuổi, cơ hội để quay trở lại thị trường lao động một cách nhanh chóng bị hạn chế, cũng là nguyên nhân làm cho số lượng lao động rút khỏi thị trường lao động chính thức sụt giảm.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội là quan điểm đã được quyết nghị tại Nghị quyết số 06 ban hành mới đây của Chính phủ. Hy vọng rằng, với những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ rất rõ ràng, thị trường lao động Việt Nam nói chung và tại khu vực phía Nam nói riêng sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn, không còn bị động, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo ra sự tin tưởng cho nhà đầu tư và sự yên tâm cho chính người lao động tham gia thị trường lao động trong tương lai.

Tác giả: Ông Phạm Anh Thắng là Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!