Tâm điểm
Nguyễn Bích Lâm

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với phát triển kinh tế

Trong gần ba nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Như Tổng Bí thư vẫn thường nói là "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Về lĩnh vực phát triển kinh tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới và đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế vĩ mô của nước ta vẫn cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển theo chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được nâng cao đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút được một lượng vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một thực thể quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Hiệu quả đầu tiên của việc thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng) cũng là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế giai đoạn từ năm 2011 đến nay thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ kế hoạch 5 năm sau cao hơn 5 năm trước. Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới năm 2020 tăng 163,5% so với năm 2015, phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, triển vọng sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với phát triển kinh tế - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Năm 2020, khi dòng vốn FDI toàn cầu giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD, thì Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 16 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên nước ta lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.

Năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 20,19 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Kết quả đăng ký mới và số vốn FDI thực hiện trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, cùng với đó nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đang định hình lại và dẫn dắt kinh tế thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đầu tư, là minh chứng về niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, đầy tiềm năng, mở ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.

Điểm sáng phản ánh tổng hòa kết quả thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng thể hiện qua việc Việt Nam được xem là câu chuyện thành công của thế giới, khi tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong top đầu suốt thập kỷ vừa qua.

Nhờ đó GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (GDP bình quân - PPP) của Việt Nam vượt Philippines sau 21 năm thấp hơn (kể từ năm 1991). Năm 2010 và 2011, GDP bình quân (PPP) của Việt Nam chỉ bằng 80,75% và 83,14% của Philippines; đến năm 2012, GDP bình quân (PPP) của Philippines bằng 99,37% của Việt Nam.

Đến năm 2023, GDP bình quân (PPP) của Philippines chỉ bằng 79,06% của Việt Nam. Cụ thể, GDP bình quân (PPP) của Việt Nam đạt khoảng 14.342,3 USD, còn Philippines đạt khoảng 11.339 USD.

Điểm sáng nổi bật tiếp theo của nền kinh tế giai đoạn từ năm 2011 đến nay đó là thành công trong kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Chúng ta nhớ lại, hàng năm trong giai đoạn 2006-2010, lạm phát đều ở mức 2 con số. Năm 2011- năm đầu tiên của thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, lạm phát rất cao, ở mức 18,13%, giảm dần xuống mức 1 con số trong các năm sau.

Với kinh nghiệm kiềm chế lạm phát trong 5 năm 2011-2015, công tác điều hành, kiểm soát lạm phát giai đoạn 2016-2026 đã đạt kết quả quan trọng, lạm phát luôn ở mức thấp hơn mục tiêu Quốc hội thông qua hằng năm.

Có thể thấy, 5 năm 2011-2015 là giai đoạn thành công trong kiềm chế lạm phát, 5 năm tiếp theo là giai đoạn thành công trong kiểm soát lạm phát, tạo cơ sở quan trọng trong giữ vững ổn định vĩ mô.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh, tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ và hiệu quả để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước ta.

Những kết quả, thành tựu đạt được trong hơn thập kỷ qua có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.

Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng trong hơn một thập kỷ qua được thể hiện rõ nét thông qua các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng, cũng như hàng loạt quyết sách quan trọng khác được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành.

Đơn cử, để xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết này được xem như là bước đột phá trong tư duy, tạo căn cứ cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một thực thể quan trọng của nền kinh tế.

Có thể kể thêm Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 20/8/2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết 50-NQ/TW phản ánh sự thay đổi chiến lược, chuyển sang giai đoạn thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí thu hút vốn.

Các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế được ban hành kịp thời, phù hợp với từng thời điểm quan trọng của đất nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế.

Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế. Tại các Hội nghị này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những định hướng, và giao nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cho Chính phủ, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!