Tâm điểm
Phạm Việt Anh

Nền kinh tế chia sẻ và phát triển bền vững

Đô thị hóa nhanh chóng và những mặt trái của quá trình này khiến chất lượng sống của con người suy giảm. Từ đó dẫn đến những mối quan tâm về phát triển bền vững, về các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) dùng để đánh giá sự phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Dự kiến đến cuối thế kỷ này 80% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Theo Các mục tiêu phát triển bền vững, được cộng đồng quốc tế thông qua vào năm 2015 (thỏa thuận Paris), giải quyết vấn đề bền vững đô thị cũng đòi hỏi phải đạt được các mục tiêu quan trọng khác bao gồm bảo vệ đa dạng sinh học, cắt giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy công bằng xã hội.

Những vấn đề này có thể được giảm thiểu khi nền kinh tế chia sẻ được ưu tiên phát triển, hình thành nên thành phố chia sẻ (sharing city). Nền kinh tế chia sẻ cung cấp các cách sáng tạo để chia sẻ, thuê và thay thế các tài sản ít được sử dụng, sử dụng nền tảng kỹ thuật số cung cấp thông tin về cung và cầu. Các nền tảng chia sẻ lớn như Airbnb, Uber và TaskRabbit (thị trường lao động tự do trực tuyến) có nguồn gốc từ khu vực vịnh San Francisco - được coi là nơi sản sinh ra nền kinh tế chia sẻ và tiêu dùng hợp tác. Tương tự, không gian làm việc chung cũng đóng góp vào phát triển bền vững.

Ví dụ khác là thư viện đồ chơi đầu tiên ở Thụy Điển, Leksaksbiblioteket, được khai trương tại Göteborg vào năm 2018, nơi mọi người có thể mượn đồ chơi trẻ em và trẻ sơ sinh nếu là thành viên. Đồ chơi được lựa chọn cẩn thận cho mục đích giáo dục và không độc hại tới sức khỏe và môi trường.

Hay một nền tảng kỹ thuật số và thư mục cho nền kinh tế chia sẻ khu vực ở Göteborg được gọi là Smarta Kartan (bản đồ thông minh), được giới thiệu vào năm 2016, là kết quả của sự hợp tác giữa thành phố Göteborg và tổ chức Kollaborativ Ekonomi Göteborg. Các thành phố khác muốn tạo các phiên bản bản đồ thông minh tùy chỉnh của riêng họ đều được hoan nghênh sử dụng phần mềm mã nguồn mở miễn phí.

Nền kinh tế chia sẻ và phát triển bền vững - 1

Một góc thành phố Hội An (Ảnh minh họa: Công Bính).

Tại Stockholm, Gothenburg, "Sharing Cities" Thụy Điển đang tạo ra các cơ sở thử nghiệm cho nền kinh tế chia sẻ thuộc hàng tốt nhất trên thế giới về các dịch vụ chia sẻ và giải pháp kỹ thuật số. Các thử nghiệm đang phát triển các dịch vụ chia sẻ liên quan đến: 1) sử dụng không gian (như tòa nhà, nhà ở, cơ sở hạ tầng xanh, khu vực công cộng dùng chung…) và 2) sử dụng các sản phẩm và dịch vụ (dụng cụ, quần áo, đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ…).

Giao thông công cộng và xe đạp chia sẻ được khuyến khích. Chia sẻ dịch vụ giúp giảm sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cũng như chia sẻ dịch vụ sáng tạo sẽ hỗ trợ nhiều loại dịch vụ khác nhau trong nền kinh tế. Việc chia sẻ với người khác vật dụng không sử dụng thường xuyên rất hữu ích giúp giảm thiểu rác thải, giảm dần khai thác tài nguyên thiên nhiên và tránh lãnh phí.

Để xây dựng nền kinh tế xã hội chia sẻ thì nguồn vốn xã hội hay chất lượng của môi trường xã hội và cộng đồng phải mạnh. Bởi một khi niềm tin xã hội thấp, người ta không thể chia sẻ với nhau vì những lợi ích chung. Nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế ngang hàng hoặc tiêu dùng hợp tác đều có thể áp dụng hiệu quả vào quan hệ đối tác công tư, liên doanh thương mại đến các chương trình của chính quyền địa phương.

Trong những lúc khó khăn như đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái, và sự đoàn kết và tinh thần đùm bọc này sẽ trở nên bền vững hơn khi được quản lý chuyên nghiệp, thay vì mang tính tự phát. Nhà nước và chính quyền đô thị có tác động mạnh mẽ lên việc phát triển nền kinh tế chia sẻ, thành phố chia sẻ và cộng đồng sẻ chia bền vững qua việc tạo điều kiện chính sách cho phát triển, và thậm chí là cùng làm với người dân.

Với thói quen của người nghiên cứu kinh tế xã hội, chợ địa phương là nơi tôi ghé sớm nhất khi đến một nơi mới khi muốn tìm hiểu về văn hóa bản địa, hay nghiên cứu về kinh tế xã hội của địa phương đó. Kế đến mới là hiệu sách, bảo tàng và các hoạt động khác. Ở Việt Nam, có lẽ một trong những nơi có nguồn vốn xã hội mạnh nhất là Hội An, điều tôi cảm nhận được ngay sau khi dùng bữa trưa ở chợ, dưới cái nắng nóng oi ả nhưng vẫn thấy dễ chịu bởi sự hiếu khách của các cô dì tiểu thương…

Mô hình nền kinh tế xã hội chia sẻ, đô thị nghĩa tình giàu bản sắc Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng và thăng hoa khi lòng tin xã hội được củng cố và làm giàu, chất lượng mối quan hệ của con người được quan tâm, hun đúc và các mạng lưới doanh nghiệp ngày càng hợp tác hiệu quả vì phúc lợi chung, lợi ích cộng đồng.

Phát triển bền vững có hai hàm ý: tính di sản và kế thừa; di sản là cái chúng ta hiện có, cho thế hệ hiện tại và thụ hưởng bởi thế hệ hiện tại; kế thừa là cái chúng ta để lại cho thế hệ tương lai. Vì thế, không chỉ "di sản," mà còn vốn xã hội là sự "kế thừa" cần vun đắp và phát triển bởi thế hệ hiện tại cho thế hệ tương lai.

Bằng cách đưa tính bền vững vào mọi khía cạnh hoạt động của xã hội, nó trở thành một thành phần quan trọng tạo nên giá trị tổng thể của nền kinh tế, của thể chế bền vững và là động lực cho sự phát triển liên tục. Thị trường luôn có khuyết tật khó sửa; vì vậy, trách nhiệm xã hội, sinh kế và sinh thái không thể hoàn toàn dựa vào thị trường, mà phải cần thêm hợp tác xã hội, vốn cộng đồng và chính sách công hiệu quả.

Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội thì phát triển bền vững quan tâm đến bền vững môi trường. Không có hệ sinh quyển bền vững thì không thể có xã hội bền vững, và không có xã hội bền vững thì không thể có nền kinh tế bền vững. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đưa ra những giải pháp thiết thực để phục hồi môi trường và nâng cao phúc lợi con người, nhằm giải quyết các vấn đề phát triển bền vững hiệu quả nhất là qua huy động nguồn lực xã hội.

Các sáng kiến trồng cây đô thị như "mỗi nhà là một vườn xinh" đã chứng minh rằng, việc đạt được đồng thời mục tiêu về môi trường và xã hội bằng cách tăng cường đa dạng sinh học và giảm tác động của đảo nhiệt đô thị là khả thi, ngoài việc bảo tồn thiên nhiên địa phương và các khu vực không gian xanh công cộng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Một nền kinh tế tuần hoàn không rác thải, kết hợp với kinh tế xanh không phát thải, là lý tưởng để đạt mục tiêu bền vững.

Cuối cùng, như nhà kinh tế sinh thái Herman Daly từng phát biểu, "phát triển bền vững đòi hỏi một sự thay đổi trái tim, một sự đổi mới tâm trí và một sự ăn năn lành mạnh". Nói cách khác, phát triển bền vững đòi hỏi một cái tâm giác ngộ, tầm nhìn xa và luôn khiêm nhường, học hỏi. Để có xã hội và nền kinh tế bền vững thực sự, ngoài công nghệ sạch thì thiên nhiên, văn hóa phải được bảo tồn và vốn xã hội lành mạnh cần được gầy dựng.

Tác giả: Ông Phạm Việt Anh tốt nghiệp Tiến sĩ quản trị kinh doanh bền vững (DBA), MBA quản trị nhân lực và Thạc sĩ Quản lý Sức khỏe. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam về chiến lược tăng trưởng, thương hiệu. 

Những năm gần đây, ông chuyển trọng tâm sang Phát triển bền vững và hiện là Cố vấn bền vững cho một số doanh nghiệp có cùng mục tiêu. Ông Việt Anh đang hoàn thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ (PhD) về Phát triển bền vững thuộc một định chế Liên Chính phủ (U.N Treaty University).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!