Sự gắn kết làm nền tảng của phát triển nhanh, bền vững
(Dân trí) - Những thành công to lớn trên nhiều phương diện của nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là công sức của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Đây là nỗ lực rất lớn của tập thể Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, nhất là đối với các cơ quan điều hành trong lĩnh vực kinh tế như: Ngân hàng, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải… trong đó, có "cặp song sinh" là Lao động, Thương binh Xã hội và Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Họ đã là hai trong số những ngành gặt hái được nhiều thành công lớn, tạo nên "cặp đôi hoàn hảo" cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, tương tác để gánh vác những nhiệm vụ chung hết sức nặng nề.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá rất cao những đóng góp của ngành LĐTBXH.
Theo Bộ trưởng Cường, với việc đảm bảo nhân lực cho tốc độ phát triển kinh tế từ 7-10% là sự cố gắng vượt bậc của ngành LĐ-TB&XH. Trước thông tin 5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động, hơn 635 ngàn người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng - vượt tới 27% chỉ tiêu chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng công tác xóa nghèo chỉ còn 2,75%, trở thành một trong những nước tiên phong hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ là một thành tích rất đáng trân trọng, "tầm cỡ thế giới".
"Nhìn các số liệu, chúng ta rất tự hào vì các trụ cột đều đạt được với kết quả rất trân trọng. Như việc hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ không chỉ tầm cỡ khu vực mà là tầm cỡ thế giới". Ông Cường nói.
Về công tác Người có công, Bộ trưởng Cường đánh giá rất cao những nỗ lực của ngành và khẳng định: "Chúng ta đều biết, công tác tổ chức thực hiện các chính sách người có công với cách mạng, công tác quản lý lao động, công tác xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong nền tảng liên quan đến sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước".
Về mối quan hệ giữa ngành NN&PTNT và ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Cường cho rằng hai ngành có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau đồng thời đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương phối hợp làm tốt hơn nữa 3 nội dung lớn.
Đó là phát huy hiệu quả việc lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững và chương trình kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc miền núi vừa được Chính phủ thông qua.
Về phía Bộ LĐ-TBXH, Bộ trưởng Dung cho rằng họ là "anh em sinh đôi" vì hai ngành có chung đích chung là Mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Chương trình Nông thôn mới và đào tạo (và đào tạo lại) nguồn nhân lực, nhất là nhân lực nông nghiệp mà cả hai đã tập trung thực hiện.
"Trong 5 năm qua chúng ta đã chuyển dịch từ 44% đến nay còn 32% là một bước chuyển dịch ngoạn mục. Thời điểm hiện nay, nhiều quốc gia phải tung gói tiền để khuyến khích người lao động khu vực thành thị chuyển về nông thôn.
Nhưng tại sao cho đến nay, tỷ lệ thất nghiệp chúng ta thấp vì chúng ta có "bà đỡ" chính là khu vực nông nghiệp. Thời gian vừa qua Covid-19 những người lao động tự do chuyển dịch về nông thôn, thậm chí công nhân không có việc làm cũng chuyển về nông thôn yên tâm sống ở đó, bây giờ ổn định rồi thì sẽ quay trở lại". Ông Dung nói.
Xin ghi nhận những nỗ lực của hai ngành nói chung, hai vị "tư lệnh ngành" nói riêng trong nhiệm kỳ đầy khó khăn, song cũng nhiều thành tựu vừa qua.
Mong rằng nhiệm kỳ tới, hai ngành nỗ lực hơn nữa và thu được nhiều thành tựu hơn nữa đồng thời ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau để cùng gánh vác nhiệm vụ chung mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Với Việt Nam, giải quyết tốt các lĩnh vực: Nông nghiệp và nông thôn, lao động và an sinh xã hội chính là nền tảng của phát triển bền vững.