Mở rộng không gian phát triển và luyện rèn đội ngũ
Hơn 30 năm trước, báo Nhân dân có bài viết ấn tượng: “Em lạy anh”. Bài báo kể về trường hợp một nữ tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch tỉnh, được dự kiến bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy, phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo. Thế là cán bộ này tìm đến Bí thư Tỉnh ủy vật nài xin không vào Thường vụ. Người quen ra mệnh lệnh, nay sang công tác vận động thuyết phục, việc không dễ, nên “em lạy anh”, đừng bắt em vào Thường vụ là chuyện tưởng đùa mà có thật…
Mấy chục năm qua đi, bối cảnh giờ đã khác rất nhiều. Thế nhưng, công tác cán bộ vẫn luôn là việc khó, cần sự đoàn kết, hy sinh và ý thức trách nhiệm rất cao. Bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” của Tổng Bí thư Tô Lâm ngay trước ngày bắt đầu vận hành chính thức các tỉnh, thành mới cũng nhất quán tinh thần yêu cầu cán bộ phải biết đoàn kết, vượt lên lợi ích cá nhân, nhìn về một hướng, đưa đất nước đi đến tương lai tốt đẹp.
Tổng Bí thư khẳng định: “Đoàn kết đã, đang và sẽ mãi là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển mình sắp xếp lại tổ chức bộ máy đầy thách thức hiện nay, tinh thần ấy càng phải được quán triệt sâu sắc và phát huy cao độ”. Tổng Bí thư chỉ rõ trong một cuộc làm việc với lãnh đạo địa phương chuẩn bị sáp nhập: “Đoàn kết là có tất cả, mất đoàn kết là mất hết”!.

Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện cùng người dân đến làm thủ tục hành chính tại xã Phúc Thịnh, phường Tây Hồ, Hà Nội, chiều 1/7 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Những thông điệp từ Tổng Bí thư thật thấm thía và bổ ích với đội ngũ cán bộ các cấp trong cuộc cách mạng lớn này! Tôi biết nhiều lãnh đạo cấp quận, huyện của Thủ đô từ nhiều ngày nay đã chủ động vào việc thử nghiệm mô hình phường, xã mới. Thay đổi công việc lớn nhất sẽ là gì? Là tiếp dân nhiều hơn, phải đọc kỹ văn bản, thấu hiểu hoàn cảnh con người hơn nữa. Trước đây quận là cấp trung gian, dân có gì cần là ra phường, vướng nữa họ lên thẳng thành phố, nên quận va chạm ít. Nay thành phường rồi, nắm không chắc việc là mắc lỗi ngay!
Những cán bộ chủ động, hứng khởi với không gian phát triển mới của đất nước chắc chắn là số đông trong đội ngũ cán bộ. Thế nên bao khó khăn đã được tháo gỡ, để từ đầu tháng 7 cả nước đội ngũ chỉnh tề, tiến vào giai đoạn phát triển mới. Có những cán bộ cấp trưởng vừa nhận chức vài tháng nay vui vẻ làm phó. Có vị Phó chủ tịch tỉnh đi làm bí thư đảng ủy đặc khu (cấp xã). Anh bạn sinh viên cũ của tôi làm tổng biên tập báo của một tỉnh lớn, quen với bút giấy mấy chục năm nay cũng sẵn sàng đi làm bí thư xã vùng xa, cách tỉnh lỵ cả trăm km, đúng tinh thần “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”!
Nhiều người về tỉnh mới, đường sá xa xôi, nhà cửa khó khăn, việc học hành con cái phải lo toan, nhưng tinh thần tin tưởng, lạc quan chất chứa: “Ngày xưa chiến tranh khó thế mà còn vượt lên, bây giờ Đảng, Nhà nước quan tâm, nhân dân ủng hộ, mọi việc thuận lợi hơn nhiều, cứ làm tốt việc của mình thì sao không ổn?”.
Thế nhưng, thực tế vẫn còn một số ít cán bộ vân vi, chờ đợi. Trước đây bí thư, chủ tịch quận huyện là một bậc, xuống nữa mới cấp trưởng phòng, trưởng ban. Nay “xếp hàng ngang”, bí thư, chủ tịch quận làm bí thư phường, thường vụ quận ủy, trưởng ban đảng của quận cũng xuống phường làm bí thư. Có cán bộ quy hoạch thường vụ, quy hoạch trung ương, giờ thấy xa vời, khó khăn hơn nên “tâm tư”…
Vui buồn là lẽ thường tình. Nhưng vượt lên cái tôi cá nhân vì cái chung lớn hơn là bản lĩnh cần có của mỗi người. Anh bạn làm công tác tổ chức một tỉnh chia sẻ, cái được là từ nay luân chuyển cán bộ đi cơ sở không mắc như trước nữa. Tỉnh anh trước có hơn 10 huyện, quanh đi quẩn lại ngần ấy vị trí, trong khi cán bộ mong đi cơ sở để đào tạo xếp hàng. Nay muốn đi thì gần trăm xã, “đường thông hè thoáng” hơn nhiều. Có điều, tâm thế đi cơ sở phải khác, phải xác định rõ đi để phục vụ, gần dân, sát dân, hiểu dân hơn. Sẽ không thể đi cơ sở lẳng lặng vài năm cho đúng quy trình rồi tìm đường lên cao vì ở cơ sở mọi việc rõ lắm!

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định cho ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng (mới) (Ảnh: Nhật Bắc).
Là cấp chính quyền gần dân nhất, xã phường giờ có đủ quyền giải quyết cơ bản các việc của dân. Lãnh đạo phải hiểu thấu đáo quy định, quyết đoán và chịu trách nhiệm cao hơn. Đơn giản việc này sao xã bên, phường bên giải quyết được mà xã mình, phường mình lại tắc? Thước đo hiệu quả là ở đấy, tinh thần phục vụ nhân dân là ở đấy. Cán bộ luân chuyển, điều động xuống cơ sở chắc chắn sẽ vững vàng lên, dày dạn lên. Khi đã hiểu người, thạo việc, phẩm chất được trui rèn thì tổ chức cũng thấy yên tâm khi xem xét giao trọng trách cao hơn.
Cái khó còn thuộc về lãnh đạo cấp tỉnh, cấp thành phố. Trước đây, mỗi tỉnh thành chỉ có trên dưới 10 quận huyện, TPHCM có 22, Hà Nội lớn nhất cũng chỉ có 30 đơn vị hành chính trực thuộc. Nay con số ấy là 126 với Hà Nội, còn TPHCM là … 168 xã, phường, đặc khu. Ngần ấy đầu mối, đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải năng xuống cơ sở hơn, quán xuyến kỹ hơn, cũng đồng nghĩa với sát dân hơn…
Tỉnh mới chưa đi vào hoạt động, nhưng có lãnh đạo tỉnh mới đã dành thời gian xuống thăm khu nhà ở dự kiến dành cho cán bộ nơi khác chuyển sang. Sự cặn kẽ, chân tình ấy sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách, tăng sự đoàn kết khi về chung một nhà. Lo cho cán bộ của mình cũng là lo cho dân. Thế nhưng, có nơi, cán bộ về tỉnh mới còn tâm tư vì chưa thấy rõ sự quan tâm. Có an cư mới lạc nghiệp. Lẽ thường, cuộc sống và công việc đang ổn định, suôn sẻ, nay mọi việc đều thay đổi, sao tránh khỏi những lo lắng, suy tư? Trong cuộc chuyển dời lịch sử này, cần biết bao sự chia sẻ, cảm thông, sự động viên chân thành, những quan tâm dù rất nhỏ cũng là động lực để người cũ quen với môi trường mới, đồng lòng, dốc sức cho công việc!
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nói rất chân thành: “Thước đo duy nhất đúng ở mọi cuộc cải cách là sự thụ hưởng của người dân”. Kỳ vọng cùng với sự phát triển của đất nước, sẽ dần lộ diện đội ngũ cán bộ đoàn kết, đặt cái chung lên trên hết. Tinh thần phục vụ nhân dân sẽ thành triết lý sống và làm việc để ai không đáp ứng công việc sẽ phải tự động đứng sang bên…
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”… Ý nghĩa lớn lao của cuộc cách mạng lần này ngoài việc mở rộng không gian phát triển thì trọng tâm xuyên suốt vẫn là luyện rèn được đội ngũ cán bộ xứng tầm cho hành trình phát triển mới của đất nước như Đảng và nhân dân kỳ vọng!
Tác giả: PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!