"May đo" cho hệ thống y tế công
Càng tiếp xúc nhiều với người dân, tôi càng nhận thấy rõ, niềm tin là yếu tố quyết định thành công của y tế cơ sở. Dân có tin, bệnh viện mới có bệnh nhân, các kỹ thuật cao mới được triển khai và trình độ chuyên môn cũng như đời sống của nhân viên y tế mới được nâng cao. Mà niềm tin không thể ép buộc, cần xây dựng đúng cách để đạt sự bền vững.
Câu chuyện rất thật được chính bệnh nhân - bác sĩ giám đốc một trung tâm y tế chia sẻ. Khi ông bị hẹp động mạch vành, nhiều đồng nghiệp, người thân khuyên nên lên TPHCM can thiệp nhưng ông vẫn quyết định ở lại bệnh viện địa phương. "Đến bệnh viện to được bác sĩ nhỏ chữa, còn đến bệnh viện nhỏ được bác sĩ to trị", ông nói vậy, và tôi nghĩ điều này có phần đúng vì khi bệnh viện lớn quá tải, các bác sĩ kinh nghiệm không thể đủ sức lực, thời gian chữa tất cả bệnh nhân. Trong khi đó, rất nhiều bác sĩ giỏi sẵn sàng điều trị ca khó tại bệnh viện địa phương.
Tuyến Trung ương cũng vậy. Khi lãnh đạo cấp cao tin tưởng vào bệnh viện Việt Nam, không ra nước ngoài chữa bệnh, chắc chắn niềm tin của người dân vào y tế nước nhà sẽ tăng lên, bệnh nhân sẽ yên tâm ở lại Việt Nam trị bệnh.
Chúng ta đã có nhiều chuyển biến trong đầu tư cho y tế những năm vừa qua. Kinh phí cho y tế dù vẫn chưa đạt kỳ vọng, nhưng đã được nhiều địa phương quan tâm. Ví dụ mới đây, HĐND tỉnh Bình Định đã thông qua khoản ngân sách lớn gần 2.000 tỷ đồng để đầu tư cho ngành y, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao.
Vấn đề hiện nay là cơ chế hoạt động và tổ chức thực hiện cần đổi mới theo nguyên tắc không rập khuôn, mà nên cụ thể đối với từng cơ sở y tế, giống như nguyên lý "cá thể hóa người bệnh".
Rất khó để có một công thức chung áp dụng cho tất cả bệnh viện, trung tâm y tế lớn nhỏ từ thành phố đến nông thôn, từ địa phương giàu đến miền núi, hải đảo hay vùng đặc biệt khó khăn.
"Đo đạc, cắt may" cho mỗi cơ sở y tế là nhiệm vụ khó khăn, nhưng theo tôi, là hướng đi đúng nhất để thay đổi toàn diện bộ mặt hệ thống y tế công trong suy nghĩ của người dân Việt Nam.
Vậy "cắt may" cho các cơ sở y tế công cần thiết như thế nào và cách làm ra sao?
Hãy thử hình dung, một bệnh viện huyện miền núi quản lý khoảng 20.000 người dân mà bắt thực hiện như một trung tâm y tế quận quản lý số dân lớn gấp 10 lần sẽ bất cập thế nào? Làm sao huyện miền núi có thể tự chủ và triển khai những kỹ thuật phức tạp? Vậy nên, ngân sách cần chi trả lương cho nhân viên y tế để chí ít giữ được nhân lực. Sau đó, trang bị máy móc theo nhu cầu điều trị những bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tâm thần..., hay những phẫu thuật cấp cứu như mổ ruột thừa, chửa ngoài tử cung vỡ, cắt túi mật hay kết hợp xương...
Căn cứ vào nhân lực và tình hình bệnh tật, địa phương sẽ đầu tư thêm đối với từng trung tâm y tế cụ thể. Ví dụ, nếu địa phương có tỷ lệ tử vong về ung thư tiêu hóa, xuất huyết dạ dày do uống rượu cao, cần đầu tư mua dàn nội soi can thiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có cái nhìn tổng quát về cả vùng để những phương tiện kỹ thuật đắt tiền có thể phục vụ chung cho 2-3 cơ sở gần nhau.
Các trung tâm y tế và bệnh viện, kể cả cấp tỉnh, cần tìm hướng đi của mình, không thể "trăm hoa đua nở", thấy người ta làm gì mình cũng làm giống vậy, để rồi lãng phí nguồn lực, thậm chí nguy hiểm hơn là lạm dụng chỉ định. Phải tránh tâm lý đã "đẻ" ra rồi phải cố cho nó hoạt động, chỉ định quá lên để báo cáo, coi đó là thành tích. Đơn cử, tôi không nghĩ việc phát triển ghép tạng tràn lan ở tất cả bệnh viện là tốt cho hệ thống y tế và người dân Việt Nam. Trên cả nước, chỉ nên phát triển ở các thành phố như Hà Nội, TPHCM, Huế, vì với hệ thống vận hành phức tạp của việc này, nguồn lực vật chất và con người ở các thành phố vừa kể mới đủ đáp ứng. Những bệnh viện khác nên triển khai lấy tạng, có quy trình vận chuyển an toàn và nhanh nhất đến các trung tâm ghép tạng.
"Cắt may" cho vấn đề nhân lực cũng là yếu tố cần tính đến. Nếu có người tài, cần tạo điều kiện để cho họ phát triển khả năng, kể cả ở bệnh viện tuyến huyện. Có một bác sĩ với khả năng siêu âm rất giỏi và được trang bị máy tốt, giá trị của trung tâm y tế sẽ được nâng lên một mức mới. Nhiều khi chỉ một "đặc sản" sẽ giúp bệnh viện tạo được niềm tin của người dân và các chuyên khoa khác cũng có đà phát triển.
Ví dụ ở Bình Dương, khi một bác sĩ trẻ thể hiện có "bàn tay vàng" trong phẫu thuật vi phẫu và chấn thương chỉnh hình, Ban Giám đốc, thậm chí lãnh đạo tỉnh, đã tạo mọi điều kiện để anh phát huy tài năng. Kết quả, rất nhiều ca bệnh "độc lạ Bình Dương" đã xuất viện với sự kinh ngạc không chỉ của người dân mà cả giới y khoa Việt Nam và thế giới.
Cuối cùng, tôi xin chia sẻ về việc "cắt may" hệ thống công nghệ thông tin trong bệnh viện. Bất cứ lãnh đạo nào cũng muốn và buộc phải triển khai chuyển đổi số. Cách làm nhanh nhất là sao chép mô hình từ các bệnh viện đã thành công, tuy nhiên đến nay rất nhiều bệnh viện vẫn chưa hoàn thành được bệnh án điện tử. Học tập là đúng, nhưng để triển khai lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Bệnh viện nào cũng cần có phần mềm riêng, không thể ứng dụng phần mềm của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sang bệnh viện khác.
Hồi năm 2019 khi bắt đầu triển khai, chúng tôi chọn phần mềm chưa ai dùng và bắt tay vào làm cùng đơn vị xây dựng phần mềm. Có lúc, họ phải đưa hàng trăm nhân viên sang ăn ở tại bệnh viện, tìm hiểu từng vị trí, từng bộ phận để "may đo" cho vừa. Chính vì vậy, cá thể hóa từng bệnh viện để chọn hướng đi đúng rất giống với nguyên lý y học hiện đại, đó là cá thể hóa từng bệnh nhân để tìm ra phương pháp điều trị thành công nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!