Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Rắc rối… thuốc bảo hiểm!

Hôm vừa rồi tôi gặp một bệnh nhân đến khám lại với lý do dùng thuốc hạ huyết áp rất mệt. Hỏi đi hỏi lại, bệnh nhân vẫn khẳng định chỉ uống đúng đơn thuốc của tôi, nhưng khi đo huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân lại rất thấp.

Tôi cương quyết đề nghị bệnh nhân và cậu con trai đi cùng chụp lại tất cả thuốc đã dùng ngày hôm qua, thì mới tìm ra nguyên nhân. Sau khi khám bác sĩ về quê, do thói quen hoặc tiếc tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân vẫn đi khám đều đặn tại Trung tâm Y tế huyện.

Khi được cấp một túi thuốc mang về, bệnh nhân đã chọn một hai loại uống kèm với đơn của tôi cho… đỡ phí. Thật không may, trong số đó lại có thuốc hạ huyết áp mạnh dẫn đến khi dùng cả 2 đơn, bệnh nhân có cảm giác như sắp ngất xỉu.

Thực tế thời gian qua không hiếm trường hợp bệnh nhân tương tự như trên, dẫn đến phải cấp cứu do các biến chứng nặng hơn của tụt huyết áp gây ra, như tắc mạch não, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp...

Rắc rối… thuốc bảo hiểm! - 1

Nhiều thuốc tên thương mại khác nhau nhưng hoạt chất lại là một (Ảnh minh họa: CV)

Ngoài ra, ngày nào tôi cũng gặp trường hợp bệnh nhân đang khám BHYT thường xuyên nhưng vẫn muốn kiểm tra lại đơn thuốc của mình đã tốt nhất hay chưa! Điều này cũng dễ hiểu, vì sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân, nhất là với các bác lớn tuổi.

Vấn đề nguy hiểm ở đây là các bệnh nhân thường ngần ngại không nói hết với bác sĩ những loại thuốc đang sử dụng vì sợ bị bác sĩ tự ái. Trong khi đó, dù giỏi đến đâu, chúng tôi cũng chỉ giúp được bệnh nhân khi biết đầy đủ thông tin. Nếu không, sẽ xảy ra 3 trường hợp nguy hiểm.

Thứ nhất, đơn thuốc mới sẽ trùng với những loại thuốc mà bệnh nhân đã từng sử dụng nhưng không hiệu quả, và/hoặc có tác dụng phụ. Điều này rất hay xảy ra đối với các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính... Ví dụ, bệnh nhân đã dùng thuốc ức chế men chuyển (ACEi) song vẫn bị ho thì không bác sĩ nào kê loại thuốc cùng họ tương tự.

Thứ hai, sử dụng song song cả đơn của BHYT và đơn thuốc mới của chúng tôi. Tương tác thuốc nhiều khi dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa, trong 2 đơn, nhiều thuốc có thể  bị trùng nhau. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu sử dụng cùng lúc.

Thực chất, nhiều thuốc tên thương mại khác nhau nhưng hoạt chất lại là một. Ví dụ thông thường nhất là Amlodipin có hàng chục tên như Amtem, Amtim, Adipin... Ngay cả bác sĩ nhiều khi cầm đơn thuốc cũng phải tra cứu xem đây là loại gì, tác dụng ra sao.

Thứ ba, lĩnh thuốc nhưng không dùng đơn BHYT. Bệnh nhân đến khám bảo hiểm chỉ với mục đích xét nghiệm, siêu âm và chụp chiếu, còn thuốc lại bỏ tiền đi mua theo đơn của chuyên gia. Điều này xảy ra thường xuyên nên tôi xin chia sẻ, khi bệnh nhân làm các xét nghiệm BHYT thì nên mang kết quả đến cho bác sĩ tham khảo, còn nếu để kết quả ở nhà, việc xét nghiệm, chụp chiếu là vô nghĩa.

Hơn nữa, nếu không muốn dùng thuốc BHYT, tuyệt đối không nên lĩnh thuốc về nhà vứt đi hoặc cho người thân. Thuốc là mặt hàng đặc biệt, chúng ta không dùng mà bỏ đi là lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, còn đi cho nhiều khi có thể gây hại chính người thân mình!

Trước đây, các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, cũng gặp vấn đề nan giải này khi mỗi nhà dân là một hiệu thuốc thu nhỏ. Việc dễ dàng khi lĩnh thuốc BHYT khiến các bác sĩ kê đơn quá nhiều cho người bệnh. Còn nhớ hồi đang học ở Pháp, đến nhà mấy cô chú Việt kiều, mỗi lần mở tủ thuốc ra là tôi hoa cả mắt. Theo tôi, thuật ngữ "thuốc xách tay" có từ 30-40 năm trước bắt nguồn từ đây.

Cuối cùng, hãy tin tôi, nếu các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nên chọn cho mình một bác sĩ khám lâu dài, gần nhà và được hưởng BHYT. Mọi người sẽ nói "đi khám BHYT mỗi hôm một bác sĩ khác nhau, thuốc lại theo đấu thầu, lâu lâu bị đổi". Chuyện ấy là có thật, vậy nên hãy làm theo cách hết sức đơn giản này. Đó là sau khi khám một bác sĩ mình "ưng ý", hãy xin số điện thoại và tâm sự "tôi xin theo bác sĩ điều trị lâu dài, mỗi kỳ đến khám sẽ nhắn tin cho bác sĩ trước, nếu bác sĩ bận tôi chuyển sang ngày bác có mặt".

Khi đã trở thành khách hàng thân quen, chọn được đơn thuốc phù hợp lại tiếp tục tâm sự "nếu thuốc trong bảo hiểm bị hết loại này, xin nhờ bác sĩ chọn cho loại tương đương, còn khó quá xin kê đơn mua ngoài cho đến khi bệnh viện nhập lại được thuốc". Tôi tin chắc tuyệt đại đa số các bác sĩ sẽ vui vẻ nhận lời. Còn gì tốt bằng khi có nhiều bệnh nhân "ruột thịt", vì mức độ uy tín của người bác sĩ chính là số lượng những khách hàng quan trọng này.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!