Tâm điểm
Bích Diệp

Mánh khóe lừa đảo việc nhẹ lương cao

"Xin chào chị Diệp, em đến từ sàn giao dịch… Chị chỉ cần dành vài giây đăng nhập Zalo và nhận lời mời vào hội nhóm… chúng em sẽ cung cấp kiến thức, trao đổi và giúp chị nhanh chóng đạt được thành công đầu tư";

"Chào bạn, chúng tôi đang có một cơ hội việc làm với thu nhập rất hấp dẫn, bạn có thể làm ở nhà…".

Trên đây là hai trong những nội dung của các cuộc gọi rác mà tôi liên tục nhận được trong thời gian gần đây. Rất tiếc tôi không thể kiên nhẫn để lắng nghe thêm những lời chào mời hay dấn sâu vào các chiêu trò "lùa gà" ở trên.

Mỗi một ngày khoảng 5-7 cuộc gọi rác giữa thời tiết nắng nóng và bộn bề công việc, chắc chắn mang lại một thứ cảm giác không hề dễ chịu chút nào.

Vừa sáng nay, bạn tôi nhắn cho tôi bảo vừa được rủ rê công việc chỉ cần thao tác nhấn nút "thích" hay "thả tim" trên mạng xã hội Facebook, Tiktok… cũng được nhận 10.000 đồng/lượt. Tôi ngay lập tức bật cười: Nếu dễ thế thì bên tuyển dụng trước hết phải tuyển người nhà và họ hàng vào làm việc chứ đâu đến lượt gọi điện cho người lạ.

Khi mà tình trạng mua bán dữ liệu tràn lan, cộng với sự phổ biến của internet và sự nở rộ của các loại hình mạng xã hội, mức độ tiếp cận của những đối tượng lừa đảo với người dùng càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

"Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột", những món hời được phơi bày quá lộ liễu vẫn thường chứa đựng cạm bẫy, rủi ro lớn đằng sau. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao vẫn có rất nhiều người cả tin và sa bẫy.

Mánh khóe lừa đảo việc nhẹ lương cao - 1

Một số thủ đoạn giả danh cơ quan tư pháp, lừa đảo người dân qua điện thoại (Ảnh minh họa).

Trước hết, có thể thấy tâm lý thích nhàn hạ nhưng mong cầu thu nhập cao thường ai cũng có. Chỉ có điều, "thích" và "mong muốn" là một chuyện, còn đủ tỉnh táo để phân tích hay không lại còn tùy vào kinh nghiệm sống và nhận thức của mỗi người.

Nhập từ khóa "việc nhẹ lương cao" trên trang web tìm kiếm Google, chỉ trong 0,3 giây đã cho ra tới 13,3 triệu kết quả, mới thấy rằng, sự quan tâm đối với vấn đề này rất lớn. Tuy vậy đồng thời cũng có tới hàng trăm nghìn kết quả cho từ khóa "lừa đảo việc làm" nhằm cảnh báo tới người dân về những cạm bẫy trong tuyển dụng.

Việc được mời chào thông thường làm trực tuyến (online) và những "con mồi" rơi vào tầm ngắm chủ yếu là học sinh, sinh viên, người nội trợ, phụ nữ đang trong thời kỳ nghỉ thai sản - nghĩa là những người có thời gian, có nhu cầu về thu nhập nhưng không có điều kiện để làm những việc toàn thời gian hoặc việc phải qua xét duyệt, thi tuyển, đòi hỏi chuyên môn. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo cũng nhắm đến bộ phận người dân ở khu vực dân trí thấp như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Hàng loạt vụ trình báo của người dân tới cơ quan công an cho biết, rất nhiều người lao động chủ yếu ở độ tuổi vừa tốt nghiệp THCS hoặc THPT đã dính vào mạng lưới lừa đảo, buôn người, hoặc bị bán vào các sòng bài, cơ sở phi pháp trá hình ở Campuchia dẫn đến tiền mất, tật mang, thậm chí phải đánh đổi cả sinh mạng để tìm cách trốn khỏi "sào huyệt" của ổ nhóm tội phạm.

Chiêu thức của các đối tượng xấu thường là tuyển dụng lao động thông qua Facebook, Zalo nhắm vào nhóm thanh niên trẻ, không có việc làm, mời gọi công việc với mức lương lên tới 50 triệu đồng/tháng, không yêu cầu điều kiện để làm việc.

Khi sập bẫy và bị đưa ra nước ngoài, nạn nhân sẽ phải buộc ký các hợp đồng làm việc rất khắt khe về chỉ tiêu và số tiền kiếm được, bị đánh đập và hành hạ nếu không hoàn thành chỉ tiêu; phải trả chi phí "chuộc thân" từ vài chục đến vài trăm triệu đồng nếu muốn về nước.

Còn về công việc nhẹ nhàng chỉ là "thích", "thả tim", "chia sẻ" các quảng cáo trên kênh YouTube, TikTok và sau đó nhận hoa hồng cao mà bạn tôi đề cập ở đầu bài viết, thực tế cũng đã được phản ánh trên báo chí. Mọi thứ không "ngon ăn" như tưởng tượng. Có nạn nhân đã kể rằng, ban đầu anh nạp vào 300.000 đồng gọi là tiền thế chân thì lấy được hoa hồng là 200.000 đồng, sau đó tin tưởng và làm tiếp và nạp vào 400.000 đồng rồi 2 triệu, 5 triệu đồng nhưng cuối cùng lại không thấy tiền đâu.

Một số người đọc thông tin cảnh báo, vẫn chậc lưỡi rằng "lừa đảo ở đâu chứ sao lừa nổi mình". Ấy thế mà, với cách nắm bắt tâm lý "vi diệu", các nhóm lừa đảo vẫn đưa được rất nhiều người vào tròng bằng vô số chiêu thức tinh vi. Chẳng hạn như giả danh nhân viên ngân hàng để hướng dẫn nạn nhân (thường là những người có vấn đề về tín dụng mà kẻ gian đã thu thập được trên mạng xã hội, app vay tiền, tín dụng đen) làm thủ tục vay, yêu cầu nộp tiền lệ phí, tiền trả góp rồi chiếm đoạt.

Hình thức lừa đảo rất phổ biến gần đây nằm dưới dạng quà tặng - có nghĩa là sẽ có những người tin vào may mắn (bỗng dưng tiền của ở đâu đến va vào đầu), tin là "không làm mà vẫn có ăn".

Theo đó, đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên các nhãn hàng, công ty xổ số để thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại… và yêu cầu chuyển trước tiền đóng thuế; hoặc giả mạo người nước ngoài làm quen rồi gửi quà và đề nghị chuyển tiền phí, cước vận chuyển.

Đáng chú ý là các vụ lừa đảo không chỉ dừng lại ở những người thu nhập thấp hay ở vùng sâu vùng xa. Có những người nắm trong tay hàng tỷ đồng vẫn trở thành những con mồi béo bở cho đối tượng xấu. Những người trẻ là các phụ nữ có tài chính, đam mê sản phẩm thời trang hàng hiệu sang trọng, đắt tiền cũng bị giăng bẫy khắp nơi.

Các hình thức tặng quà tri ân khách hàng được giới thiệu là "hoàn toàn miễn phí, không mua, không bán, không phí ship" nhưng qua từng bước một đã dẫn dắt chị em vào ma trận "làm nhiệm vụ". Bằng nhiều cách thức nhằm "thao túng tâm lý con mồi", nhóm lừa đảo khiến nhiều người rơi vào trạng thái sợ mất lượt, mất phần để rồi có người mất trắng cả trăm triệu đồng.

Chẳng riêng gì các thú "tiêu sản", đến cả hoạt động đầu tư cũng có vô vàn cách thức "lùa gà" trên mạng xã hội với các "nhóm kín", "nhóm VIP" hướng dẫn đầu tư sản phẩm bất động sản thứ cấp, chứng khoán, tiền ảo… Vốn dĩ đầu tư rất khó, vậy nhưng rất nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin, nộp phí cao, đặt toàn bộ gia sản, thậm chí vay mượn vào một vài người lạ mặt để mua vào những mã cổ phiếu "rác".

Ngay cả ở những kênh mang tính "cá cược" (chẳng hạn chứng khoán phái sinh, mua bán trên thị trường ngoại hối phi tập trung…) thì bản chất cũng là trò chơi có tổng bằng 0 (zero sum), khi có 1 người thắng đồng thời cũng sẽ có vô số người thua với số tiền tương ứng. Để đầu tư thành công cần kiến thức, sự học hỏi và sự nhẫn nại, nếu như dễ dàng và nhanh chóng thì đã chẳng có thống kê cho thấy, 95% nhà đầu tư thua lỗ và chỉ 5% thắng trên thị trường chứng khoán!

Nói cho cùng, con người dù ít dù nhiều ai cũng có "lòng tham" nhưng sự chế ngự lòng tham mới tạo nên bản lĩnh để chúng ta vượt qua cạm bẫy. Lòng tham, cộng với sự thiếu kiến thức khi tham gia những hoạt động trên mạng xã hội khiến nhiều người tự biến mình thành "con mồi" cho tội phạm lừa đảo.

Chúng ta mong nhà chức trách tăng cường triệt phá, dẹp loạn các nhóm lừa đảo; mong rằng sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn để chống lại tình trạng buôn bán dữ liệu cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội có trách nhiệm hơn với người dùng… Mong rất nhiều, nhưng trước hết, tự ta phải bảo vệ mình. Của cải vật chất phải do nỗ lực lao động và học hỏi mới có, có được rồi thì mới giữ lâu; còn đã là giàu xổi, giàu sau một đêm dù xảy ra nhưng rất hiếm khi bền vững.

Thử hỏi, những thứ dễ dàng mà từ trên rơi xuống, ngoài nước mưa thì có thể là gì được?

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!