"Làm sạch" dữ liệu 25 triệu tài khoản, ngăn chặn các giao dịch lừa đảo

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Trước việc nhiều vụ lừa đảo chuyển khoản hàng trăm triệu đồng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành xác minh tài khoản, "làm sạch" dữ liệu khách hàng.

Giải quyết tình trạng thuê mượn, buôn bán tài khoản trái phép

Tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến tháng 4 năm nay, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tài khoản tín dụng của khách hàng.

Theo ông Tuấn, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NHNN có thu thập, lưu trữ thông tin liên quan tới 51 triệu tài khoản của khách hàng.

CIC có thông tin về khoản vay của khách hàng và cung cấp ngược lại cho các tổ chức tín dụng để kiểm chứng. Vừa qua, NHNN đã kết hợp với C06 để định danh chính xác thông tin của 25 triệu tài khoản. Đây là bước đầu cơ quan quản lý nhà nước làm để giúp các tổ chức tín dụng rà soát lại cơ sở khách hàng. Ngược lại CIC có thể đối chiếu, làm sạch dữ liệu, đảm bảo thông tin đầu vào.

Tiếp theo, NHNN sẽ phối hợp với các công ty công nghệ đã được C06 chứng nhận để triển khai xác thực thông tin với các khách hàng mới, trên cơ sở xác thực với Căn cước công dân gắn chíp để làm sạch dữ liệu đầu vào.

Thời gian qua, thị trường xuất hiện các đối tượng lừa đảo thông qua việc cho thuê, cho mượn, bán tài khoản ngân hàng cho tổ chức tội phạm để thực hiện hành vi lừa đảo, chủ yếu là dùng tài khoản để nhận tiền từ người bị lừa rồi chuyển đi. Để giải quyết tình trạng này, ông Tuấn nói cần chứng minh được chính chủ khi khách hàng dùng ứng dụng (app) của ngân hàng khi thực hiện thanh toán.

Làm sạch dữ liệu 25 triệu tài khoản, ngăn chặn các giao dịch lừa đảo - 1

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Ban tổ chức).

Một số liệu đánh chú ý được ông Tuấn đưa ra là trong 4 tháng đầu năm, số lượng giao dịch qua tài khoản ngân hàng giá trị dưới 2 triệu đồng ở tất cả tổ chức tín dụng chiếm khoảng 90%. Mà tội phạm lừa đảo không chuyển tiền nhỏ lẻ, thường thực hiện các giao dịch hàng trăm triệu đồng. Như vậy, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể đặt ngưỡng rủi ro là giao dịch 5-10 triệu đồng, tùy khẩu vị rủi ro của từng tổ chức. Nếu thực hiện các giao dịch trên ngưỡng rủi ro, khách hàng có thể mất 5-7 giây để xác minh lại thông tin giao dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, một sim điện thoại có thể đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Với trường hợp này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xác thực khách hàng tại quầy để kiểm tra thông tin, cùng chung tay giải quyết tình trạng thuê mượn, buôn bán tài khoản trái phép.

Cứ 100 người thì 75 người có tài khoản ngân hàng

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết đến cuối quý I, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt gần 75%, tức cứ 100 người thì 75 người có tài khoản ngân hàng. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ này đạt 80% và có thể đạt được. Ông Tuấn tin rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt có thể thúc đẩy trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, trong 3 tháng đầu năm nay, hoạt động thanh toán không tiền mặt tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,5% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 71%.

Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có hơn 21.000 máy ATM, tăng 3%; hơn 430.600 máy POS, tăng 26%. Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 4% về giá trị trong khi giao dịch qua máy POS tăng 32%. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch từ rút tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng theo số liệu được công bố, đến cuối quý I, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng, qua kênh internet tăng 88% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 65%. Tổng số tài khoản viễn thông thanh toán (Mobile - Money) được đăng ký và sử dụng hơn 3,7 triệu tài khoản, 15.300 đơn vị chấp nhận thanh toán.