Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Lối sống chung cư, nhìn từ "đại chiến karaoke"

Bức xúc nhóm người cao tuổi bật nhạc hát karaoke "xuyên ngày đêm" ở khu vực sân chung, nhiều cư dân tại chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) đã mang loa kéo bật nhạc… đám ma nhằm "quyết chiến".

Câu chuyện "dở khóc dở cười" này không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận mà còn gợi ra những sắc thái mới liên quan đến lối sống, hành vi cá nhân, tương tác và quan hệ xã hội gắn với các không gian công cộng trong xã hội nước ta.

Theo thống kê sơ bộ, toàn quốc hiện có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Các khu nhà tập thể, nhà chung cư cũ đã xuất hiện từ lâu ở nước ta nhưng các quần thể chung cư phức hợp hiện đại chỉ thực sự gia tăng mạnh trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Số lượng người cư trú tại mỗi tòa nhà có thể bằng cả một thôn, làng, tổ dân phố, thậm chí một xã, phường. Dân số của mỗi quần thể chung cư có thể bằng nhiều xã, phường truyền thống cộng lại.

Lối sống chung cư, nhìn từ đại chiến karaoke - 1

Lực lượng chức năng nhắc nhở việc người dân mở nhạc đám ma "quyết chiến" với tiếng karaoke, nhằm hạn chế ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư. (Ảnh: Đ.N.)

Gắn với các khu chung cư hiện đại là các không gian công cộng với nhiều tiện ích công. Cùng với sự tích tụ cư dân quy mô lớn trong không gian hẹp, các không gian công cộng đã tạo ra một môi trường sống hoàn toàn khác biệt so với hình thức cư trú truyền thống tại các làng, xã, hay tổ dân phố.

Chính sự thay đổi về không gian sống trong khi lối sống của mỗi cá nhân chưa thích ứng kịp đã dẫn đến nhiều hình thức căng thẳng, mâu thuẫn xã hội. Điển hình là các biểu hiện xung đột lợi ích giữa cư dân và ban quản lý chung cư, giữa cá nhân với cá nhân liên quan đến các thói quen, sở thích, hay giữa các nhóm khác nhau liên quan đến cách thức khai thác, sử dụng các tiện ích công cộng.

Đặc điểm đầu tiên dễ gây ra xung đột tại các khu chung cư là mỗi khi bước ra khỏi căn nhà với diện tích rất hạn chế của mình, cư dân chung cư tiếp xúc ngay với các không gian công cộng, mà về bản chất là tài sản công, như hành lang, lối đi, sân chơi, nhà để xe…vv. Xung đột lợi ích dẫn đến căng thẳng, mâu thuẫn sẽ xuất hiện ngay nếu cá nhân vẫn nghĩ các không gian đó có phần của mình thì cũng là của riêng mình, mà thiếu ý thức tôn trọng các lợi ích công, thể hiện thông qua các quy định chung. 

Căng thẳng sẽ leo thang nếu cá nhân, nhóm bất chấp các quy định chung để gia tăng lợi ích cho bản thân hay hành xử theo ý thích của mình, chẳng hạn như việc lấn chiếm không gian công cộng, sử dụng các tài sản công cộng như tài sản riêng mà về thực chất là đã xâm phạm lợi ích của những người khác.

Mâu thuẫn chung cư cũng bắt nguồn từ một đặc điểm nổi bật là tính đa dạng xã hội. Khác với các mô hình cư trú truyền thống vốn bao gồm chủ yếu "người thân, quen", đa số cư dân chung cư đến từ nhiều địa bàn khác nhau, tức là chủ yếu gồm những "người lạ". Vì thế, hành xử cá nhân không còn bị chi phối mạnh bởi các giá trị, chuẩn mực, thông lệ xã hội truyền thống hay yếu tố tình cảm và quan hệ thân thiết, vốn tồn tại bền vững và tạo nên sự gắn kết xã hội trong các không gian cư trú truyền thống. 

Trong khi đó, những hệ giá trị và chuẩn mực mới gắn với không gian sống mới có thể chưa được thiết lập, hoặc được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện, cho nên chưa đủ mạnh để tác động và điều chỉnh hành vi cá nhân và các quan hệ xã hội.

Thực tế, không gian sống hiện đại cùng sự đa dạng xã hội cũng chính là yếu tố thúc đẩy ý thức về các quyền tự do, dân chủ và các quyền cá nhân. Chính sự duy lý cá nhân, nhóm, nhưng thiếu ý thức về lợi ích công cộng, cùng một số thói quen tùy tiện của cư dân trong xã hội đang hiện đại hóa đã dẫn đến những biểu hiện lệch chuẩn, gây mâu thuẫn nơi chung cư. Chẳng hạn như câu chuyện hàng xóm hận thù, cạch mặt nhau vì "cuộc chiến" nuôi chó mèo.

Để giảm thiểu những mâu thuẫn dai dẳng, có thể tạo ra các cuộc "đại chiến chung cư" thì trước hết cần nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền, giáo dục. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các Ban quản lý chung cư để soạn thảo những nội dung căn bản về lối sống trong không gian chung cư hiện đại. Người dân cần phải hiểu thế nào là không gian công cộng? Thế nào là lợi ích công? Tại sao phải tôn trọng lợi ích công? Làm thế nào để tránh xung đột khi chuyển đến sinh sống trong các không gian công cộng như chung cư?

Tiếp đó, các quy định chung cần được soạn thảo chi tiết, lấy ý kiến thảo luận của mọi cư dân trưởng thành chứ không chỉ đại diện hộ gia đình. Khi các quy định đã được ban hành thì không chỉ công bố công khai tại các địa điểm dễ tiếp cận trong khuôn viên chung cư, mà còn cần được phát đến mọi gia đình. Các quy định cũng cần được xem xét, loại bỏ hoặc bổ sung hàng năm nếu xuất hiện những thực tế mới cần điều chỉnh hành vi của cư dân theo hướng tôn trọng lợi ích chung.

Mặc dù các chung cư đều vận hành theo cơ chế tự quản nhưng không thể lơi lỏng sự giám sát và can thiệp của chính quyền địa phương. Bất cứ khi nào xảy ra các mâu thuẫn có thể ảnh hưởng đến an ninh chung thì sự can thiệp nhanh chóng, quyết liệt, và kịp thời của chính quyền địa phương là cần thiết để các vụ việc không bị kéo dài, có thể trở thành xung đột nghiêm trọng giữa các cư dân.

"Đại chiến chung cư" là hệ quả từ sự biến đổi xã hội chưa được quản lý hiệu quả. Để các chung cư trở thành những không gian sống tiện nghi, văn minh, tiến bộ thì hoạt động quản lý không chỉ chú trọng các khía cạnh vật chất, tài chính, mà còn phải đặc biệt coi trọng quản lý cả những biến đổi xã hội về lối sống, hành vi, tương tác và quan hệ xã hội.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng là tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!