"Vỡ mộng" ở chung cư: Mở nhạc đám ma át loa hát karaoke

Minh Nhân

(Dân trí) - Bức xúc nhóm người cao tuổi bật nhạc hát karaoke "xuyên ngày đêm" ở khu vực sân chung, nhiều cư dân tại chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) mang loa kéo bật nhạc… đám ma nhằm "quyết chiến".

Nhạc đám ma át tiếng karaoke

Chưa kịp tranh thủ nghỉ ngơi sáng cuối tuần, chị Linh (26 tuổi) nghe tiếng nhạc karaoke xập xình dưới sân chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Như thường lệ, "hội bô lão" lại tụ tập nhảy múa, ca hát "xuyên ngày xuyên đêm", khiến chị và nhiều cư dân khác cảm giác bị… "tra tấn".

Thực trạng này đã diễn ra từ lâu, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, khi nhu cầu giải tỏa tâm lý và tinh thần của người dân tăng cao.

Theo chị Linh, khu chung cư đông bậc nhất Hà Nội như HH Linh Đàm tập trung nhiều người già. Họ làm thuê giúp việc, hoặc hỗ trợ con cái chăm sóc cháu. Cũng có người vì không vướng bận công việc hay gia đình, nên cứ có thời gian rảnh lại xuống sân chung hát hò.  

Các hộ dân đã từng nhiều lần phản ánh, kiến nghị Ban quản lý về tình trạng này, song không có kết quả.

Thậm chí, đại diện các tòa nhà và Ban quản lý từng gặp gỡ, trao đổi với một số người cao tuổi về việc tiết chế hoặc giảm âm lượng, tránh ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân xung quanh, nhưng cũng không thể giải quyết dứt điểm vụ việc.

Vỡ mộng ở chung cư: Mở nhạc đám ma át loa hát karaoke - 1

Các cụ già sống ở chung cư HH Linh Đàm tụ tập, hát hò "xuyên ngày xuyên đêm" khiến cư dân bức xúc. (Ảnh: Minh Hải)

Bức xúc vấn nạn "ô nhiễm tiếng ồn"", sáng 16/10, một số cư dân đã đầu tư mua loa kéo công suất lớn hơn, bật nhạc… đám ma với âm lượng lớn để "quyết chiến", khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn càng thêm trầm trọng.

"Đây là tình huống hi hữu, thể hiện sự bức xúc dồn nén lâu ngày của những cư dân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn loa kéo. Tuy nhiên, sự việc chỉ xảy ra trong ngày cuối tuần, không kéo dài", chị Linh nói.

Anh Nguyễn Đạt (33 tuổi, cư dân HH Linh Đàm) cũng bị "tra tấn" bởi tiếng nhạc karaoke từ sáng tới tối khuya của nhóm người cao tuổi. Anh đề xuất, nếu cần không gian thể hiện bản thân, họ có thể liên hệ tổ dân phố mượn phòng sinh hoạt cộng đồng và sử dụng theo giờ.

"Sân chung cư là không gian công cộng, phục vụ toàn bộ cư dân. Tôi nghĩ bất kể ai cũng không nên hát hò hay có hành động gây ồn ào, nhất là ngày cuối tuần cư dân cần thời gian nghỉ ngơi", anh Đạt chia sẻ.

Nhận phản ánh của người dân, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt đã giao cán bộ đô thị của phường kết hợp cùng Công an phường nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng nêu trên.

Chị Linh cho hay, sau "cuộc chiến âm thanh", những người cao tuổi đã giảm âm lượng loa kéo khi có nhu cầu giải trí nơi công cộng.

Vỡ mộng ở chung cư: Mở nhạc đám ma át loa hát karaoke - 2

Chung cư vạn dân HH Linh Đàm gây xôn xao việc cư dân mở nhạc đám ma "quyết chiến" tiếng karaoke. (Ảnh: Đ.N.)

Cuộc chiến ô nhiễm tiếng ồn không hồi kết ở chung cư

Vụ việc hi hữu tại chung cư HH Linh Đàm một lần nữa "châm ngòi" cuộc chiến ô nhiễm tiếng ồn không hồi kết tại khu dân cư.

Anh Võ Tiến (35 tuổi) sống tại một chung cư ở quận Hoàng Mai, nói rằng nếu chỉ dùng từ "bức xúc" thì có lẽ vẫn chưa đủ để diễn tả cảm xúc mỗi ngày đều bị "hành hạ" bởi tiếng nhạc sàn "đinh tai nhức óc" của hàng xóm.

Trước đây khi còn ở nhà mặt đất, gia đình anh luôn phải nghe tiếng karaoke loa kéo, vợ chồng cãi nhau, tiếng sửa chữa, khoan cắt bê tông,… Sau này, anh chuyển lên chung cư tầm trung sinh sống, cứ nghĩ thoát được tiếng loa thùng, nhưng mọi chuyện không như kỳ vọng.

Theo anh, tại chung cư, nguồn gây ô nhiễm phổ biến gồm: Các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí; các thiết bị âm thanh; các hoạt động giao thông; thi công…

"0h đêm, hàng xóm còn mở nhạc sàn, đi lại ầm ầm, nhảy huỳnh hụych, rồi còn kéo lê bàn ghế, ai mà ngủ nổi!", anh Tiến kể nhịp tim của anh cũng đập thình thịch theo tiếng nhạc, hai bên tai như có người vỗ "bôm bốp".

Sau bài chia sẻ của anh Tiến trên nhóm kín cư dân, nhiều người đề xuất Ban quản lý "quay video làm bằng chứng, cắt cầu giao điện căn hộ gây ồn ào, đồng thời báo cáo cảnh sát khu vực", nhưng sau cùng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.

Được một thời gian, "chuyện đâu lại vào đấy", thêm nhiều cư dân phản ánh cứ đêm đến chuẩn bị đi ngủ lại nghe tiếng nhạc sàn.

Vỡ mộng ở chung cư: Mở nhạc đám ma át loa hát karaoke - 3

Loa kéo - công cụ gây tiếng ồn với công suất lớn hiện nay. (Ảnh: Toàn Vũ).

Còn với chị Linh, ngoài tiếng ồn từ loa kéo và dàn karaoke dưới sân chung cư, thì tòa nhà còn xuất hiện nhiều vấn đề ô nhiễm tiếng ồn khác như: Tiếng khoan đục tường, tiếng la hét của trẻ nhỏ, tiếng karaoke trong từng căn hộ và cả tiếng chó sủa, mèo kêu (dù chung cư cấm nuôi thú cưng), …

"Tòa nhà quy định thời gian được phép sửa chữa, thi công để tránh ảnh hưởng cư dân. Nhưng trên thực tế, tình trạng "lén lút" sửa chữa vẫn diễn ra và hình thức xử phạt chỉ là nhắc nhở nên không đủ sức răn đe", chị chia sẻ.

Anh Phạm Cường (30 tuổi) mới chuyển đến căn hộ chung cư ở quận Thanh Xuân gần một tháng, nhưng liên tục nghe thấy tiếng nhạc rất lớn phát từ nhà hàng xóm vào mỗi giờ nghỉ trưa.

Không riêng anh, nhiều cư dân khác đã phản ánh lên Ban quản lý tòa nhà về trường hợp này. Bộ phận bảo vệ đã kiểm tra và mời chủ căn hộ xuống văn phòng làm việc, biết được đó là âm thanh từ lớp dạy nhạc vào mỗi giờ nghỉ trưa từ 12h đến 13h30.

Ban quản lý đã yêu cầu chủ hộ viết cam kết chỉ dạy vào các khung giờ 8h-11h30 (sáng) và 14h - 17h (chiều).

"Trong các loại ô nhiễm tiếng ồn, thì đáng sợ nhất là nó diễn ra ở khu dân cư. Về nhà mong được nghỉ ngơi, yên tĩnh sau ngày làm việc vất vả, nhưng ồn ào đến mức chỉ muốn... lao ra khỏi nhà", anh Cường tâm sự.

Vỡ mộng ở chung cư: Mở nhạc đám ma át loa hát karaoke - 4

Cơ quan chức năng nhắc nhở việc người dân mở nhạc đám ma "quyết chiến" với tiếng karaoke, nhằm hạn chế ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư. (Ảnh: Đ.N.)

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư không phải chuyện hiếm, nhiều vụ việc dẫn đến cự cãi, xô xát và thậm chí án mạng.

Theo ông Tiền, quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường" thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn, tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70 dBA (từ 6h đến 21h) và 55 dBA (21h đến 6h).

Nếu cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn thì tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ - CP.

Cụ thể, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA sẽ bị phạt cảnh cáo.

Nếu tiếng ồn vượt quy chuẩn trên 02 dBA, mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 160 triệu đồng tùy theo mức độ gây tiếng ồn.

"Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này còn phải buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc chi trả kinh phí", luật sư Tiền phân tích.

Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng có thể được đặt ra nếu những người sống tại chung cư này chứng minh được thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. 

PGS. TS. BS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trầm trọng tại các đô thị. Tiếng ồn trở thành tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư đô thị.

Theo bác sĩ Hải, tiếng ồn gây mệt mỏi toàn thân, nhức đầu, choáng váng, ăn không ngon, gầy yếu, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Về tâm lý, tiếng ồn gây khó chịu, lo lắng, bực bội, dễ cáu gắt, ám ảnh, mất tập trung, dễ nhầm lẫn.

Tiếng ồn còn có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tăng khả năng mắc các bệnh tâm thần, tim mạch, tăng tỷ lệ mắc hội chứng dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa...

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mức ồn khu vực dân cư ban đêm là 40 dB (cường độ âm thanh). Khi ngủ, nếu tiếp xúc với tiếng ồn trung bình năm > 40 dBA, con người có thể bị rối loạn giấc ngủ, thức giấc. Tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn > 55 dBA có thể kích hoạt huyết áp tăng, dẫn đến bệnh lý thiếu máu cơ tim.

Tiếng ồn có cường độ và tần số ồn ở mức thấp cũng gây ra những thay đổi trạng thái chức năng của cơ quan thính giác và một số cơ quan giác quan khác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm