"Lỗi hệ thống" của đăng kiểm
Những ngày giáp Tết, lực lượng chức năng tiếp tục khám xét hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở một số tỉnh, thành. Lãnh đạo đương nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như lãnh đạo đã về hưu của cơ quan này đã bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ.
Việc phanh phui tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm là cần thiết để làm lành mạnh hoạt động quan trọng này, tuy nhiên quá trình đó cũng dẫn đến hệ lụy không mong muốn với người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đăng kiểm phương tiện trước Tết. Đó là hiện tượng quá tải với hàng nghìn phương tiện xếp hàng chờ đợi đến lượt đăng kiểm, nhiều chủ xe phải thức xuyên đêm, có những chủ xe sẵn sàng chi cả triệu đồng thuê người khác xếp hàng mà vẫn không được.
Bê bối đăng kiểm không dừng lại ở một hai trung tâm đơn lẻ mà đến nay đã liên quan đến hàng chục trung tâm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ở góc độ quản lý nhà nước, như lãnh đạo ngành Giao thông đã nhìn nhận là các đơn vị đăng kiểm vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nhận hối lộ, gian dối trong kiểm định, bỏ qua vi phạm, thậm chí tiếp tay cho đối tượng vi phạm, trong đó việc Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hàng tháng chính là bảo kê tội phạm.
Nếu chỉ một, hai giám đốc trung tâm đăng kiểm hoặc đăng kiểm viên bị khởi tố thì chúng ta có thể kết luận đó là lỗi cá nhân; nhưng hàng loạt trung tâm và cả cơ quan quản lý nhà nước là Cục đăng kiểm Việt Nam cũng có cán bộ vướng vòng lao lý thì theo tôi cần xem xét vấn đề ở "lỗi hệ thống".
Nói cách khác, việc nhiều trung tâm đăng kiểm bị khám xét, nhiều đăng kiểm viên và cán bộ bị khởi tố cần được mổ xẻ ở cơ chế quản lý, ở hệ thống quy định đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý phương tiện vận tải, hơn là lỗi cá nhân hay "con sâu bỏ rầu nồi canh". Bởi thực tế chẳng một cơ chế, một chính sách hiệu quả nào mà để lọt cùng lúc nhiều người vi phạm như vậy. Các quy định không được thực hiện nghiêm túc và vi phạm đã xảy ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện là minh chứng cho các "trục trặc" mang tính hệ thống của lĩnh vực đăng kiểm.
Theo thống kê Việt Nam hiện có xấp xỉ 5 triệu xe ô tô và số lượng đang không ngừng gia tăng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, số lượng cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên đã tăng lên trong những năm qua. Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện toàn bộ hệ thống đăng kiểm có hơn 200 trung tâm với 2.745 đăng kiểm viên. Trong số đó có 2.004 người kiểm định xe cơ giới, 59 người kiểm định chất lượng xe cơ giới, 36 người thử nghiệm xe cơ giới, 18 người thử nghiệm khí thải.
Số lượng trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên hiện nay có thể nói là còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế lĩnh vực này. Chính vì vậy, ngay khi một số trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động để phục vụ điều tra thì đã dẫn đến hiện tượng quá tải ở các trung tâm đang hoạt động. Sự quá tải đó rõ ràng gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.
Như vậy ở đây chúng ta thấy một mặt cần chống tiêu cực và xử lý các sai phạm trong hoạt động đăng kiểm. Mặt khác, cơ quản quản lý cần đưa ra các giải pháp để sửa "lỗi hệ thống" trong hoạt động đăng kiểm và đây chính là gốc rễ vấn đề.
Theo quy định hiện hành, việc sửa chữa lỗi hệ thống này là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Vừa qua lãnh đạo ngành Giao thông cũng đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn thẳng vào thực tế, rà soát và điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong công tác kiểm định xe cơ giới; ban hành quy định nhằm ngăn ngừa sai phạm có thể xảy ra trong tương lai.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng được yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp phân quyền; quan tâm đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vừa có trình độ vừa có đạo đức; chú trọng công tác tổ chức thực hiện, vận hành hoạt động của các đơn vị...
Về phía xã hội, số lượng phương tiện lưu thông gần 5 triệu xe với bình quân xấp xỉ 40 người có 1 xe, nhưng thực tế hiện nay rất ít chủ xe nắm rõ mục đích của đăng kiểm hay những hạng mục nào cơ quan đăng kiểm tiến hành kiểm tra.
Khi đến đăng kiểm, các chủ xe thông thường chỉ nộp phí, giao xe, rồi tiếp nhận xe khi đăng kiểm thành công hoặc khi nhận được yêu cầu khắc phục. Trong quá trình kiểm định, đăng kiểm viên kiểm tra những nội dung gì thì chủ phương tiện không hề nắm rõ.
Bên cạnh đó, ngay sau khi ra khỏi trung tâm đăng kiểm, người chủ sử dụng có thể thay đổi những thông số trên xe mà hầu như không bị kiểm tra, giám sát. Hoặc chủ xe sửa chữa các hỏng hóc của phương tiện ở giữa hai kỳ kiểm định thì phải tiến hành kiểm định lại hay không, cũng chưa có quy định rõ ràng.
Thực tế phần lớn nhà sản xuất đều khuyến cáo khi phương tiện hư hỏng, hay khi sửa chữa (độ, chế) các chi tiết ảnh hưởng đến an toàn xe thì đều phải kiểm định lại. Tuy nhiên, chưa có quy định nào cho việc này. Phương tiện mới xuất xưởng vẫn phải kiểm định trước khi lưu thông, trong khi xe hỏng hóc, sửa chữa không bị kiểm tra giám sát hay thông số khi kiểm định bị thay đổi không được kiểm tra lại, là những bất cập cần sớm khắc phục.
Có thể nói, mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải, qua đó tránh gây rủi ro trong quá trình xe lưu thông trên đường cho tất cả mọi người. Nhưng các thông số được kiểm tra lại chỉ chính xác tại thời điểm kiểm tra, trong khi chúng ta chưa công khai, minh bạch nội dung kiểm định, chưa ràng buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới hay kiểm tra sổ sách bảo dưỡng sửa chữa… Đây là những lỗ hổng rất lớn khiến việc kiểm định phương tiện trở thành hình thức và dễ bị lạm dụng để trục lợi.
Thiết nghĩ lúc này, việc sửa chữa cơ chế vận hành lĩnh vực đăng kiểm rất cần được cam kết từ người đứng đầu ngành Giao thông với tư cách là tư lệnh ngành.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!