Tâm điểm
Nguyễn Dương

Giám đốc trung tâm đăng kiểm mù chữ và chuyện "lệ phí"

Một thông tin gây sốc được công bố tại cuộc họp báo chiều 3/1, đó là quá trình điều tra, Cơ quan công an đã ghi nhận lời khai một giám đốc trung tâm đăng kiểm xe cơ giới học hết lớp 3 cách đây 50 năm và không biết chữ.

Theo giải thích của đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, người này có thể chỉ là giám đốc trên giấy tờ, nghĩa là không phải đăng kiểm viên mà chỉ là chủ đầu tư. Nhưng dù sao những bê bối đang được phanh phui ở hàng loạt trung tâm đăng kiểm, cùng với thông tin kể trên, càng khiến chúng ta lo lắng, quan ngại về chất lượng kiểm định phương tiện ở các trung tâm mà cơ quan chức năng đã "điểm danh".

Đến nay, tính riêng Công an TPHCM đã ra lệnh khám xét 12 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can cho các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.

Các trung tâm kiểm định này bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không đảm bảo quy chuẩn. "Chẳng hạn, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác, chỉ nộp tiền xong là đảm bảo tiêu chuẩn. Các đối tượng sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm nhằm thay đổi các thông số kiểm định và tính chất vi phạm. Ví dụ, trong máy tính có 2 đầu đọc thì chỉ cắm 1 đầu, còn bỏ 1 đầu, như vậy xe vẫn đạt tiêu chuẩn", Người phát ngôn Bộ Công an cho hay.

Theo thông tin ban đầu, các trung tâm đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện, thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.

Giám đốc trung tâm đăng kiểm mù chữ và chuyện lệ phí - 1

Cuối tháng 12/2022, lực lượng chức năng khám xét chi nhánh của Trung tâm đăng kiểm 50-03V tại TPHCM (Ảnh: M.H.).

Cơ quan công an cũng cho hay, một số Trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách "kiểm định viên ảo" để hợp thức hóa quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.

Những hành vi nêu trên không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện giao thông, mà còn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội và nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện nói riêng, người tham gia giao thông nói chung.

Có thể thấy một số trung tâm đăng kiểm không chỉ gian dối, vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm mà còn gian dối trong khâu thành lập và nhân sự hành nghề. Việc cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện như thông tin cơ quan chức năng cung cấp, cho thấy hoạt động đăng kiểm đối với rất nhiều phương tiện tại các trung tâm đó chỉ là lấy lệ, hay nói cách khác đây là mua - bán tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường các phương tiện cơ giới.

Thực trạng trên cho thấy sự vào cuộc của cơ quan chức năng là rất cần thiết để chấn chỉnh và làm trong sạch hoạt động đăng kiểm - một hoạt động quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các chủ phương tiện, tài xế cũng qua đây nên nhìn nhận lại và từ bỏ việc cho tiền nhân viên kiểm định khi đi kiểm định xe.

Trước hết cần khẳng định không phải tất cả trung tâm kiểm định đều tiêu cực. Cũng không phải tài xế nào cũng "bôi trơn" khi đi kiểm định phương tiện của mình. Nhưng một thực tế mà tôi nghe nói rất nhiều là muốn quá trình đăng kiểm diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, được bỏ qua các lỗi nếu có, tài xế thường để một số tiền nào đó (thường là 200.000 đồng) trong xe. Bản thân tôi khi đi kiểm định xe của mình cũng được rỉ tai nên để một khoản "lệ phí" ngoài quy định vào hộc xe (khu vực cần số xe), tránh phiền hà.

Mặc dù tôi không "bôi trơn" khi đi kiểm định xe của mình, nhưng phải chăng nếu chúng ta cứ sợ phiền hà mà tự nguyện nộp thêm "lệ phí" thì sẽ góp phần dung dưỡng các trung tâm kiểm định tiêu cực? Và như vậy chính là tự đưa mình vào rủi ro vì phương tiện không được kiểm định nghiêm túc.

Hậu quả của việc "bôi trơn" kiểm định viên là gì, là những chiếc xe lốp mòn, phanh hỏng,… vẫn được di chuyển trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng, sức khỏe chính mình và người khác.

Lập lại trật tự trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới, căn cơ nhất phải từ ý thức của chủ phương tiện. Chúng ta - những người cầm lái, nói không với việc cho tiền kiểm định viên thì những trung tâm đăng kiểm làm ẩu, làm láo sẽ không có đất tồn tại.

Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!