Lối đi của công nghiệp âm nhạc Việt Nam
Ca khúc Việt See tình đang càn quét mạng xã hội toàn cầu. Chỉ cần gõ từ khóa tên ca khúc này, Google sẽ cho ra ngay 28,3 triệu kết quả trong vòng 0,43 giây với trùng trùng thông tin liên quan đến bài hit do DTAP (sáng tác, hòa âm) - Hoàng Thùy Linh (thể hiện), cùng "điệu nhảy See tình" và phần nhảy theo điệp khúc See tình - bản remix của nhà sản xuất Cukak…
Từ chuyện gây "sốt" trên mạng xã hội của See tình, liệu có phải đang hé mở một lối ra để nhạc Việt hội nhập với thế giới?
Thực ra, trước See tình, từng có một số ca khúc của ca sĩ Việt phổ biến ở nước ngoài như: "Ghen Cô Vy" (Min & Erik); "Hai phút hơn" (rapper Pháo); "Dễ đến dễ đi" (Quang Hùng MasterD); "Ngây thơ", "Dạ Vũ", "Bên trên tầng lầu" (Tăng Duy Tân)… Nhưng chưa có ca khúc nào gây "bão" như See tình. Nổi bật nhất có thể kể đến đoạn clip của vận động viên bóng chuyền Hàn Quốc Lee Da-hyeon nhảy trên nền nhạc bài hát - bản remix đầy phấn khích sau khi đối thủ đánh bóng ra ngoài.
Hai ngôi sao xứ kim chi Seunghoon (Winner), Shindong (Super Junior) cũng nhảy trên nền nhạc See tình (nhưng vũ đạo theo bài Sorry Sorry của Super Junior) và sau đó rất nhiều YouTuber, TikToker nổi tiếng trên thế giới bắt đầu nhảy theo vũ đạo Sorry Sorry trên nền nhạc bài hát này.
See tình cũng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình khác nhau tại Trung Quốc. Các sao Hoa ngữ hào hứng nhảy theo điệu nhạc này; cầu thủ người Philippines - Eric Tai liên tục cover điệu nhảy tại nhiều giải đấu. Hai diễn viên Thái Lan Santa Pongsapak Oudompoch, Earth Katsamonnat cũng nhảy trên giai điệu; ca sĩ Shayne Orok của Nhật Bản từng cover bài hát…
Phải thừa nhận See tình là tác phẩm âm nhạc hay, âm thanh dễ nghe, dễ bắt trend giới trẻ thế giới. Nhất là khi kết hợp nhuần nhuyễn với phần vũ đạo, hình ảnh - sắc màu tươi trẻ. Sự thay đổi lớn trong những sản phẩm âm nhạc mới chính là giai điệu ngắn gọn, lời bài hát đơn giản, vui vẻ và "nịnh tai", chứ không sa vào lối mòn, kể lại một câu chuyện ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa nào đó.
Các nhạc sĩ cho rằng một bài hát muốn trở thành hiện tượng âm nhạc, thường căn cứ vào 3 yếu tố: giai điệu, hòa âm phối khí và ca từ. See tình gây "sốt" ở nước ngoài không vì lý do thứ 3. Bởi dù ca từ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu nhưng bài hát hoàn toàn lời Việt; nếu không phải người Việt, khó có thể hiểu được cách chơi chữ của tác giả trong bài hát.
Từ sức hút giới trẻ nhiều nước của See tình hôm nay, liệu có thể nghĩ đến một lối mở để nhạc Việt đi ra thế giới?
Có thể thấy, sự thành công từ các ca khúc tạo dấu ấn "xuyên biên giới" này chính là ở việc khai thác, sử dụng hợp lý chất liệu văn hóa dân gian kết hợp với giai điệu âm nhạc vui vẻ, tươi mới, vũ điệu khỏe khoắn, trẻ trung …Nhờ đó mà từng bước chinh phục khán thính giả quốc tế, nhất là giới trẻ. Đó là tín hiệu vui cho nhạc Việt trên bước đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, "vui thôi, đừng vui quá!"
Điểm chung của "See tình", "Ghen Covy", "Hai phút hơn", "Ngây thơ", "Bên trên tầng lầu"… là giai điệu độc đáo, dễ nhớ, vũ đạo đơn giản, bắt mắt… Đó là những điểm cộng thu hút công chúng, giúp các ca khúc trở thành xu hướng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nhạc Việt thường xuất hiện ở thị trường âm nhạc thế giới bằng cách gắn với một trào lưu trên mạng xã hội, một điệu nhảy, một đoạn nhạc vài chục giây thay vì cả ca khúc trọn vẹn. Thính giả quốc tế đôi khi vì thấy giai điệu hay hay, vui nhộn nên bắt chước mà không cần biết bài hát đó đến từ đâu. Do đó, để được khán thính giả quốc tế đánh giá, thưởng thức như một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, với nhạc Việt, vẫn là câu chuyện dài!
Sau See tình nhạc Việt sẽ ra sao? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này khi nghĩ về con đường hòa nhập với thế giới của nhạc Việt, hay chí ít cũng là nhạc Việt trẻ. Người lạc quan thì kỳ vọng sức hút của ca khúc sẽ là cú hích lớn để nhạc Việt vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, người thận trọng thì lại cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để các hiện tượng như "See tình" không chỉ dừng lại ở vài chục giây vũ đạo bắt mắt hay giai điệu dễ nghe, dễ thấm.
Người Hàn đã thành công khi cùng với phim ảnh, đưa âm nhạc đi chinh phục thế giới, bởi Chính phủ của họ đã định hướng âm nhạc như một ngành công nghiệp kèm với các chính sách đầu tư đồng bộ từ giáo dục, hạ tầng xã hội... Công nghiệp văn hóa giải trí Hàn Quốc thành công bởi họ có lực lượng nghệ sĩ đông đảo, tài năng, tập luyện chăm chỉ, đa số làm việc có kỷ luật và đầy tham vọng.
Trong khi đó, dễ thấy nhiều nghệ sĩ Việt thường ít có khát vọng (hoặc chưa đủ năng lực) bước ra thế giới, mà chỉ lo chạy được nhiều show, được lên truyền hình, được chơi gameshow, lo làm thế nào để sản phẩm thu hút được nhiều khán giả trong nước. Thiếu khát vọng, thật khó để công nghiệp hóa được những lĩnh vực cần những tài năng như điện ảnh, âm nhạc và các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Để âm nhạc, điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung phát triển, từng bước hội nhập quốc tế, thực sự là sức mạnh mềm của đất nước, cần phải có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn của các cơ quan quản lý và cả người làm nghệ thuật. Bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Có như vậy, mới mong ngày càng có nhiều sản phẩm điện ảnh, âm nhạc Việt thực sự có chỗ đứng trong ngành giải trí khu vực và thế giới, chứ không phải là một xu hướng sớm nở tối tàn.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!