Phạt hay cấm hành nghề với "sự sỉ nhục âm nhạc"?
(Dân trí) - Nên chăng, ngành chức năng cần cấm hành nghề đối với các nghệ sĩ sản xuất, lưu hành các sản phẩm âm nhạc "bẩn", đầu độc khán giả…
Ngày 14/10, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 35 triệu đồng đối với rapper Chị Cả (tên thật là Đinh Thanh Tùng) vì hành vi lưu hành sản phẩm âm nhạc "Censored" có nội dung trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Cùng thời điểm, đơn vị này cũng xử phạt hành chính 45 triệu đồng đối với nhóm Rap Nhà Làm. Bản rap "Thích ca mâu chí" của nhóm rapper này được xác định là xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng yêu cầu những cá nhân, tập thể liên quan đến hai sản phẩm âm nhạc nói trên tiêu hủy, gỡ bỏ sản phẩm khỏi các nền tảng mạng xã hội.
Đây là hai sản phẩm âm nhạc "bẩn" với những ngôn từ dung tục, nhạy cảm. Trong đó, ca từ đoạn rap trong "Censored" của rapper Chị Cả được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đánh giá là "đỉnh điểm của sự vô văn hóa, lệch lạc về đạo đức", "giống như sự sỉ nhục âm nhạc".
Điều đáng nói, các sản phẩm gắn mác âm nhạc này lại thu hút hàng triệu lượt nghe trên các nền tảng mạng xã hội và kênh YouTube khiến nhiều nhà quản lý, các nhạc sĩ và người làm nghệ thuật chân chính không khỏi lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, đặc biệt là trẻ em.
Dư luận hoan nghênh sự vào cuộc trong xử lý các sản phẩm âm nhạc "bẩn" của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, theo bản thân người viết, cơ quan quản lý Nhà nước đã có phần chậm trễ trong phát hiện các vi phạm nói trên.
Cụ thể, đoạn rap trong "Censored" của rapper Chị Cả đã được sáng tác, lưu hành từ năm 2018. Tương tự, ca khúc "Thích ca mâu chí" đã phát hành được 4 tháng. Chỉ khi ầm ĩ trên mạng xã hội do được sử dụng làm nhạc nền cho các video đăng tải trên Tiktok thì chủ nhân của nó mới bị "sờ gáy".
Những sản phẩm âm nhạc này không chỉ vi phạm Bộ quy tắc ứng xử chung dành cho nghệ sĩ đã được ban hành mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng khán giả, thiếu tôn trọng nghề nghiệp của chính người sáng tác, sản xuất và lưu hành.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, tồn tại của nó xuất phát từ sự dễ dãi trong tiếp nhận và chọn lọc của một bộ phận người nghe, người xem. Bên cạnh đó là sự thiếu kiểm tra, kiểm soát, chậm trễ trong phát hiện và ngăn chặn của cơ quan chức năng.
Cả hai mức phạt hành chính như trên đều chưa phải là cao nhất trong khung hình phạt được quy định tại Điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Liệu rằng, mức xử phạt này có đủ sức răn đe những người trẻ đang có ý định lấn sân vào lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật bằng chiêu trò và các sản phẩm gây sốc?.
Cũng phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm âm nhạc có nội dung xấu, độc với giới trẻ, với người nghe bị xử lý. Người viết cho rằng, cần một hình thức xử lý các vi phạm này một cách cứng rắn hơn, thậm chí cần thiết phải cấm hoạt động biểu diễn của người vi phạm trong một thời gian.
Theo ông Lê Minh Tuấn - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc quản lý sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trên không gian mạng đang được bàn bạc để đưa vào nội dung của Luật Nghệ thuật biểu diễn.
Cần lưu ý, tại mục 2 Ðiều 10. Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản qui định cấm: "Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục".
Khi bị dư luận, khán giả và giới chuyên môn phản ứng, phê phán, Chị Cả hay Rap Nhà Làm mới lên tiếng nhận sai, xin lỗi và thực hiện một số biện pháp để các sản phẩm âm nhạc nói trên không tiếp tục lan truyền. Tuy nhiên, dường như việc ngăn chặn sự lan truyền của nó không hề đơn giản!. Lúc 14 giờ ngày 15/10, chúng tôi vẫn dễ dàng tìm được ca khúc "Thích ca mâu chí" hay "Censored" trên kênh YouTube.
Người nghệ sĩ làm nghề không chỉ phải học cách tôn trọng chính nghề nghiệp mình đã lựa chọn mà hơn hết phải tôn trọng khán giả. Nghệ thuật là hướng tới cái đẹp và chỉ tồn tại khi hướng con người sống đẹp, sống có văn hóa.