Loại bỏ văn mẫu
Tôi vừa xem trên báo phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc loại bỏ văn mẫu trong dạy, học môn Ngữ văn.
Ông Sơn nói: "Dạy phát triển tư duy hình tượng. Lấy Văn học để phát triển các loại cảm xúc, các cung bậc cảm xúc. Lấy phát triển của Văn học làm rộng mở trí tượng tưởng. Không hoàn thành mấy điều đó, với tư cách là một loại hình nghệ thuật, trong giáo dục Văn học ta đã không hoàn thành được (mục đích). Kẻ thù cần quét sạch là các loại xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Các thầy cô đừng soạn bài mẫu cho các em, đó là cầm tù tinh thần và tình cảm và như thế ta sẽ rất có lỗi".
Bộ trưởng nói đúng quá!
"Xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định"... là một tai họa. Nó triệt tiêu tự do và vô nghĩa hóa mọi giá trị cá nhân. Đã có những chuyện cười ra nước mắt, khi học sinh tả rằng "Nhà em có nuôi một ông ngoại…", bởi vì các cháu dựa theo văn mẫu: Nhà em có nuôi một con mèo…".
Chuyện văn mẫu này không phải bây giờ mới được nói đến. Người ta lên tiếng hàng chục năm nay rồi. Nhưng nó cứ thế và thậm chí "bệnh" còn nặng hơn. Đi ra nhà sách, tôi giật mình khi thấy những cuốn sách "bài văn mẫu" dành cho học sinh. Các bậc phụ huynh thì hồn nhiên mua về cho con em mình.
Theo tôi, bỏ văn mẫu là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục.
Nghĩa là bỏ một quan niệm về giáo dục. Bỏ một thói quen đã khó. Bỏ một quan niệm, một tư duy, một cách sống đã ăn sâu trong xương tủy thì khó đến nhường nào.
Từ vấn nạn văn mẫu trong nhà trường, tôi nghĩ đến các loại "văn mẫu" trong mọi ngành mọi nghề ở Việt Nam. Ví dụ câu "Trong không khí tưng bừng...." là một loại "văn mẫu" kéo dài hơn nửa thế kỷ nay và hình như chưa có dấu hiệu thay đổi. Trong cuộc đời mình không biết bao nhiêu lần tôi đã nghe, đã đọc câu văn mẫu này.
Tôi có một ông anh quyền cao chức trọng. Từ hồi bác ấy lên cao hầu như tôi không đến thăm bác ấy nữa. Vì tôi nghĩ bác ấy lắm việc và mình đến thăm chỉ làm phiền mà thôi. Một hôm gặp tôi, bác ấy mắng sao không đến chơi như trước kia. Tôi mang lý do như tôi nghĩ nói ra. Bác ấy bảo: "Nói dối cũng phải đổi mới. Nói dối như chú ai nghe được".
Tôi kể chuyện này với một số bạn bè, ai cũng kêu lên hay quá. Thực ra, tôi kể chuyện này chỉ để nói: Đổi mới quan trọng đến nhường nào. Và nếu chúng ta bao gồm cả chính tôi không đổi mới thì nhiều khi cứ vô tư đi vào lối mòn, suy nghĩ và nói năng theo văn mẫu.
Chúng ta cứ ngẫm thật kỹ sẽ nhận ra, nhiều lĩnh vực của xã hội quá lâu rồi hành động theo "văn mẫu". Đã đến lúc phải phá bỏ "văn mẫu" để tạo ra những đột phá và những thay đổi đúng nghĩa thì xã hội Việt Nam mới thực sự phát triển.
Tác giả: Ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Viết văn từ năm 1983, ông đã xuất bản 11 tập thơ, 17 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thiều còn viết báo, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và là họa sĩ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!