Muốn học sinh buông tha văn mẫu cần "gỡ nút thắt" ở đâu?
(Dân trí) - Lệ thuộc vào văn mẫu hay thậm chí là sao chép bài mẫu đã trở thành sợi dây buộc chặt, bóp nghẹt sự sáng tạo của học sinh.
Tham khảo các bài văn mẫu để học hỏi, mở rộng ngữ liệu văn học đã trở thành thói quen của nhiều học sinh. Hà Mai B. (học sinh lớp 9, Hà Tĩnh) cũng không ngoại lệ. Song, vì quá lệ thuộc vào thói quen này mà dần dần thành tích môn văn của B. bị giảm sút.
8 giờ tối mỗi ngày B. đều đặn ngồi vào bàn học, hoàn thành các bài tập và ôn luyện cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Để có thể nâng cao khả năng viết văn, học sinh này thường xuyên tham khảo các bài viết mẫu trên internet. Ban đầu, em chỉ áp dụng một số nguyên tắc mở đầu bài văn hay học hỏi các dẫn chứng. Tuy nhiên, dần dần, Biển lại bị lệ thuộc vào các bài mẫu, thậm chí là sao chép luôn cả cách diễn đạt ngôn từ.
Trước mỗi đề văn, việc đầu tiên em làm không phải là cố gắng để hiểu yêu cầu đề bài hay vạch ra dàn ý mà là mở điện thoại để tra cứu bài mẫu trên mạng. Việc tham khảo văn mẫu giúp B. giải quyết tốt các bài tập về nhà, nhưng cũng phản tác dụng khi em bước vào các kỳ thi.
Đọc xong đề thi, B. loay hoay vì không biết nên bắt đầu bài viết như thế nào. Em mất kha khá thời gian mới có thể đặt bút làm bài và kết quả của kỳ thi là B. không đạt được số điểm như em kỳ vọng.
Nguyễn Đức Lam Thảo (thủ khoa đầu vào khoa Văn học với phương thức ưu tiên xét tuyển của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM năm 2020) bày tỏ: "Việc sử dụng văn mẫu là không cần thiết và nên hạn chế. Văn mẫu dễ khiến các bạn thụ động trong việc suy nghĩ và làm mất đi kỹ năng viết vốn sẵn có.
Trường hợp sử dụng văn mẫu, các bạn nên xem đây như một nguồn tham khảo, đọc để tìm cảm hứng, xem văn mẫu như một trong những phương tiện để tiếp thu và bồi dưỡng kỹ năng viết cho mình.
Để học tốt môn văn, các bạn cần đọc nhiều để tích lũy ngữ liệu và viết nhiều để trau dồi tư duy ngôn ngữ. Học sinh nên bắt đầu với những vấn đề mà bản thân quan tâm. Cũng cần lưu ý thêm, môn văn không chỉ đòi hỏi sự bay bổng, hoa mỹ trong lời viết mà còn cần có tư duy và kỹ năng độc lập đánh giá các vấn đề".
Cũng theo thủ khoa văn, tâm lý lo sợ điểm thấp, thụ động theo lối viết duy nhất để được điểm cao nên mới dẫn đến tình trạng học sinh lệ thuộc vào văn mẫu. Mặt khác, nếu người học không chủ động học, tiếp thu thụ động thì cũng không thể học tốt môn học này.
Văn mẫu bó buộc khả năng sáng tạo của học sinh
Thầy Phạm Duy Diễn - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh), người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn ngữ văn nhận định, việc bỏ văn mẫu giúp đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh và khơi gợi sự sáng tạo vốn có (và cần có) của bộ môn này.
Theo thầy Diễn, việc học sinh học theo văn mẫu, sao chép văn mẫu và mất dần hứng thú khai thác văn chương xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Do sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, học sinh dần xa với những giá trị nhân sinh trong văn chương. Phương pháp giảng dạy của một số giáo viên chưa kích thích được hứng thú và khối lượng kiến thức cần "dung nạp" khá lớn nhưng lại thiếu những bài học mang tính thực tiễn đời sống.
Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh vẫn luôn cho rằng, sao chép văn mẫu là đúng chuẩn, đạt điểm cao. Các em nhầm lẫn giữa học hỏi từ bài mẫu và sao chép văn mẫu. Hơn nữa, chính căn bệnh chạy theo thành tích buộc các em học theo mẫu rập khuôn, khó phát huy sự sáng tạo.
Một khi vẫn còn cách chấm thi theo lối cũ, dựa theo các đáp án đưa ra, gạt bỏ những ý tưởng mới của học sinh hay việc gia đình đặt nặng điểm số lên vai con cái thì hiện tượng học theo văn mẫu khó mà chấm dứt.
"Chấm điểm theo đáp án là một thành lũy mà từ trước đến nay chưa thể đánh đổ được. Một số giáo viên không chỉ lệ thuộc quá nhiều vào hướng dẫn chấm, chấm theo cảm tính mà còn máy móc, thiếu bản lĩnh khi cho điểm. Thường giáo viên chỉ cho điểm an toàn để tránh gặp phiền phức khi chấm kiểm tra, phúc tra mà quên đi những bài văn giàu cảm xúc, đầy tính sáng tạo trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh.
Tôi vẫn còn nhớ năm học 2016 - 2017, sau khi trả bài viết nghị luận văn học, một học sinh gặp riêng tôi thắc mắc vì sao bài viết dài, mở bài, kết bài mượt và dẫn chứng đầy đủ mà vẫn không đạt điểm cao. Lúc đó tôi vẫn rất bình tĩnh và hỏi:
- Thầy hỏi thật, em có tự lực làm bài không?
- Học sinh lúng túng đáp: Em cũng có tự làm và cũng có chép tài liệu thầy ạ!
Tôi đã từ tốn chỉ ra những đoạn văn em tự làm và những đoạn văn em đã sao chép từ văn mẫu. Sau đó tôi chỉ nói với học sinh: sáng tạo, học hỏi từ văn mẫu và chép văn mẫu là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Tôi luôn trân trọng những bài viết của chính các em, từ ý tưởng của các em tôi có thể định hướng để các em viết đúng và viết hay.
Từ lần đó trở đi, em học sinh ấy rất chú ý nghe giảng, tự viết bài và nhờ tôi nhận xét. Niềm hạnh phúc lớn của tôi chính là lúc em ấy đã đạt 9 điểm môn Ngữ văn kì thi THPT Quốc gia.
Hơn nữa, sự phát triển của xã hội, sự đổi mới trong giảng dạy, chương trình sách giáo khoa và sắp tới sẽ là đổi mới về thi cử thì học theo văn mẫu vẫn luôn có sức nóng và nhiều ý kiến trái chiều", thầy Diễn giải thích.
Ủng hộ chấm dứt học theo văn mẫu nhưng thầy Diễn cũng cho rằng, nếu học sinh có nền móng kiến thức vững chắc, kỹ năng làm bài thành thạo thì việc học hỏi từ bài mẫu sẽ giúp các em phát triển năng lực sáng tạo, mở rộng ngữ liệu văn học. Tuy nhiên, học theo phương pháp mẫu để có thêm góc nhìn sâu sắc về tác phẩm, làm giàu vốn từ cũng cần có sự lựa chọn tài liệu một cách cẩn trọng.
"Muốn đem lại giá trị nhân văn cho học sinh, người thầy phải là người có cái tâm, giàu tình yêu thương, đồng cảm và sẻ chia với người học. Muốn truyền cảm hứng cho học sinh thì giáo viên phải tự bồi đắp kiến thức cho mình, biết truyền lửa và khơi gợi những giá trị tích cực trong mỗi bài học. Bên cạnh đó, giáo viên phải là người thấu hiểu học sinh, tạo không khí lớp học tốt, chỉ khi học sinh thích học, thoải mái trong học tập thì kết quả không bao giờ là tồi", vị giáo viên kết luận.