"Leng keng" 1 tỷ USD
Năm 2023 này ghi nhận việc FPT Software, doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm.
Đạt cột mốc này, tôi nhớ đến thủa ban đầu khi doanh số phần mềm trong nước chỉ vẻn vẹn có 400.000 USD, nhưng hội nghị của FPT đã thông qua việc đầu tư cho xuất khẩu phần mềm 1 triệu USD.
Năm 1998, anh Nguyễn Thành Nam nói đến chiến lược tiến ra nước ngoài với tinh thần "xuất hay là chết". Lúc đó quả thật trong đội ngũ không khỏi nghĩ rằng chiến lược này đột phá quá, táo bạo quá, khó quá, nhưng cũng đầy chất thơ và lãng mạn.
Đầu năm 1999, FPT Software được thành lập, 16 thành viên đầu tiên được lấy từ bộ phận phần mềm trong nước, ngay sau đó anh Trương Gia Bình tiến hành tuyển cán bộ kinh doanh cho FPT Software.
Một trong những công việc đầu tiên là tuyển người, chúng tôi gọi là tuyển "phi công vũ trụ" bởi tiêu chuẩn đặt ra rất cao, như: Tố chất kinh doanh tốt; giỏi tiếng Anh; giỏi công nghệ, đặc biệt là giỏi phần mềm; có trải nghiệm sống, làm việc hoặc học tập ở nước ngoài, ở Âu Mỹ càng tốt; khả năng giao tiếp và trình bày tốt; có khả năng sống tự lập...
Những ngày đầu tiên ra nước ngoài vô cùng khó khăn. Người FPT lúc ấy phải ăn mì gói, ngủ giường tầng, phải nhờ cả cô cắt tóc người Việt ở Cali (Mỹ) giới thiệu khách hàng và một anh chủ nhà hàng người Việt đã ưu ái ký một hợp đồng quản lý chuỗi nhà hàng của chính mình (trị giá đâu đó 2.500 USD)… Không khách hàng Mỹ, Châu Âu nào tin rằng Việt Nam, FPT lại có thể làm được phần mềm cho họ. 3 năm đầu chỉ có một vài hợp đồng nhỏ, ở Mỹ, Châu Âu thất bại, khi gần tiêu hết 1 triệu đô thì tìm ra thị trường Nhật Bản, và khi thành công ở Nhật Bản, FPT mới quay lại Mỹ và Châu Âu.
Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu có những hợp đồng trị giá 100 triệu USD, 150 triệu USD, 200 triệu USD, thay vì những hợp đồng 5, 10, 20 triệu USD như trước và đã chuyển sang dạng hợp đồng trọn gói theo công việc.
Đạt 1 tỷ USD doanh số, FPT Software đã chính thức trở thành công ty phần mềm Đông Nam Á đầu tiên cán mức doanh số này, lọt vào top 50 công ty phần mềm lớn nhất thế giới.
Như vậy, từ 1 triệu USD đầu tư, đến thời điểm này FPT Software đã thu về cho tập đoàn và cho đất nước 5,07 tỷ USD, cao gấp 5.070 lần số tiền đầu tư. Đúng là một giấc mơ rất lãng mạn nhưng rất tuyệt vời.
Một trong những tố chất rất quan trọng của doanh nhân là tính thực tiễn (thực tế). Rất nhiều người nghĩ rằng lãng mạn và thực tế là tương phản và đối nghịch nhau, nhưng thực ra không phải vậy, lãng mạn và thực tiễn được sinh ra để gắn bó với nhau trong mối quan hệ lúc thì đan quyện và bổ sung cho nhau, lúc thì lại tương phản, đối nghịch nhau, giữa chúng luôn tồn tại một ranh giới, nhưng là một ranh giới không rõ ràng.
Là lãnh đạo doanh nghiệp, muốn doanh nghiệp bay cao, vươn xa, thì lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, khát vọng thật lớn, đôi khi đến viển vông, viển vông đến mức mà ngay cả những người xung quanh cũng không hiểu, không tin, khi ấy nhiều người nghĩ là anh ta quá viển vông, xa rời thực tế.
Thế nhưng thực tế đã chứng minh rằng tất cả những sản phẩm mới, đột phá, tuyệt hảo, làm thay đổi thế giới đều xuất phát từ những khát vọng, mục tiêu viển vông như vậy: Chiếc ô tô Ford đầu thế kỷ 20, chiếc xe ô tô Lexus của Toyota, những chiếc iPhone, iPad, iPod của Apple điều khiển bằng vuốt ngón tay thay vì bấm phím như trước, xe ô tô công nghệ Uber, Grab, thương mại điện tử, rồi gần đây là ChatGPT và Google Gemini là những minh chứng rõ nhất.
Lãnh đạo FPT cũng vậy, vừa lãng mạn, vừa rất thực tế; lãng mạn khi mơ ước, khi đặt khát vọng, khi làm chiến lược, khi đặt ra các chỉ tiêu lớn, chỉ tiêu thách thức, nhưng lại rất thực tế khi làm kế hoạch kinh doanh năm, khi triển khai kế hoạch kinh doanh năm, khi điều hành các công việc hàng ngày.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gọi lãng mạn của người FPT bằng từ rất dân dã: "leng keng". Lãnh đạo phải hơi leng keng một tý, hơi mơ mộng, hơi viển vông một tý, thậm chí hơi "chập" một tý, bởi đấy chính là chất xúc tác, là môi trường tốt nhất cho sáng tạo. Còn nếu lúc nào cũng bị ám ảnh bởi thực tế trần trụi thì không thể nghĩ ra cái gì lớn lao, không tạo ra đột phá cho công ty được.
Nhiều người hỏi tôi bài học thành công là gì?
Nền tảng của thành công này chính là con người, công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ. Người FPT có nhiệt huyết, chăm chỉ, kỷ luật và tiếp cận công nghệ mới rất nhanh, nhất là trí tuệ nhân tạo AI, bán dẫn và blockchain, sẵn sàng học ngoại ngữ và văn hóa nước sở tại. Với lợi thế đó, chúng tôi là lựa chọn rất tốt cho các tập đoàn lớn toàn cầu, có chi nhánh ở nhiều quốc gia, nhiều múi giờ, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là trong các dự án lớn.
Chính vì ý thức được tầm quan trọng của đội ngũ, một trong những trọng trách lớn chúng tôi đặt ra là chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân viên.
Trong một số thời điểm, ở những hướng kinh doanh mới, là hướng kinh doanh của tương lai, trong một vài năm đầu hướng kinh doanh đó chưa có lợi nhuận, thậm chí lỗ, thì FPT có rất nhiều cách để đảm bảo thu nhập của những nhân viên đã chấp nhận mạo hiểm, dũng cảm đi theo hướng mới này.
Chúng tôi thường đề ra chính sách: Nhóm chủ chốt thì 50% thu nhập để đảm bảo cuộc sống hiện tại, 50% thu nhập khi hướng kinh doanh mới thành công; nhóm thực thi thì thu nhập dựa vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, không phải lợi nhuận làm ra (tất nhiên số tiền này phải gói trong tiền đầu tư cho hướng kinh doanh mới).
Điều quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng những thành công đã đạt được của FPT đã góp phần lan tỏa hình ảnh của Việt Nam mỗi ngày một tốt hơn, đẹp hơn trên trường quốc tế.
Ngay từ những ngày đầu tiến ra nước ngoài, xuất khẩu phần mềm, chúng tôi đã rủ các công ty khác và đã tạo ra một phong trào xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Anh Trương Gia Bình còn thành lập hiệp hội phần mềm VINASA, FPT Software còn chia sẻ qui trình làm phần mềm xuất khẩu cho tất cả các công ty phần mềm khác.
Khi chúng tôi thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản thì rủ thêm rất nhiều các công ty phần mềm khác cùng sang Nhật. Hiện tại riêng Nhật Bản có 500 công ty phần mềm Việt Nam đang hoạt động, trong đó rất nhiều công ty có lãnh đạo là cựu nhân viên FPT.
Có thể tự hào nói rằng chúng tôi chính là người mở đường cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khác tiến ra nước ngoài. Tất nhiên sẽ có nhiều công ty biết rất rõ như vậy, nhưng cũng có nhiều công ty không biết, cứ có sẵn đường là họ đi thôi.
Một tổ chức tốt, một doanh nghiệp tốt là trong đó ban lãnh đạo có cả người rất lãng mạn và có cả người rất thực tế, người rất lãng mạn thì luôn có khát vọng lớn, luôn nghĩ đến bay cao, vươn xa, còn người rất thực tế thì luôn nghĩ đến an toàn, phòng ngừa rủi ro để kéo lại, khi ấy công ty sẽ cân bằng.
Bài hát "Giản dị FPT" của nhạc sĩ Trương Quý Hải có câu rất hay minh họa cho ý này "Người thì mơ bay cao, vươn xa, người thì lo cơm áo, nếp nhà". Giờ đây chúng tôi bắt đầu hướng đến những cái mốc lớn hơn, một giấc mơ khác táo bạo hơn và lãng mạn hơn.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!