Lễ tốt nghiệp dưới nắng hè gay gắt
Vào những ngày tháng 5 hoa phượng nở này, hàng triệu học sinh trong cả nước chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), bước vào tuổi 15, tuổi 18 và có những trang lưu bút ngày xanh đầu đời.
Từ tây sang ta, tất cả các trường phổ thông đều tổ chức lễ tốt nghiệp, nhưng xem ra cách thức tổ chức mỗi nơi khác nhau.
Một chị bạn có con sắp tốt nghiệp THCS kể về nỗi băn khoăn khi biết nội dung ngày lễ tốt nghiệp. Đương nhiên phụ huynh phải đóng góp tiền bạc, không nhiều nhưng cũng không ít so với thu nhập của một gia đình công chức. Hội phụ huynh thì chuẩn bị quà cho trường một món dăm chục triệu đồng, phong bì và hoa cho thầy cô; thuê dàn âm thanh, màn hình xịn, thậm chí mời cả ca sĩ nổi tiếng về hát, đại loại rất hoành tráng và phô trương. Chị tự hỏi, đây là lễ tốt nghiệp và chia tay năm học của trường và thầy cô hay của lũ học trò sắp thành người lớn.
Nếu lấy học trò làm trung tâm thì nội dung phải khác, nếu dành cho tri ân thầy cô thì cứ theo kiểu hoành tráng truyền thống. Đã trường nào mạnh dạn mời đại diện học trò và hỏi các em muốn tổ chức lễ tốt nghiệp như thế nào? Hay buổi lễ thường chỉ là sáng kiến của vài người trong ban phụ huynh và nhà trường muốn làm gì cũng được, miễn sao trường và thầy cô vui vẻ là thành công, không quan tâm đến việc học trò ngồi phơi nắng dưới sân trường, thầy cô, khách mời, phụ huynh oai vệ trên ghế?
Câu chuyện của chị bạn khiến tôi nhớ thời đi học cấp 1, cấp 2 ở Hoa Lư (Ninh Bình), lễ tốt nghiệp chỉ là lễ tổng kết năm học với những lời phát biểu mà lũ trẻ không bao giờ nhớ. Nhớ nhất là ngồi bệt dưới sân đất, thầy cô ngồi ghế, dưới cái nắng chói chang của mùa hè oi ả kinh người. Cố lắm tôi cũng chỉ nhớ hình như thầy chủ nhiệm đọc danh sách lên lớp và lưu ban vào một buổi học cuối năm, còn không thể nhớ được gì về ngày lễ tốt nghiệp.
Giờ đọc lại những bài thơ, trang kỷ niệm lưu bút ngày xanh trên mạng, nếu được ước thì tôi sẽ thích mình ở tuổi 15, cái tuổi đang trưởng thành và tưởng chừng khó bảo. Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết thanh thiếu niên bắt đầu trải nghiệm xung đột với cha mẹ khi bước vào tuổi 14-15. Ở tuổi này bạn bè rất quan trọng, các em dành nhiều thời gian với bạn bè hơn so với trước đây và muốn thể hiện sự độc lập với cha mẹ.
Theo một nghĩa nào đó tuổi 15 đang bước vào thế giới của người lớn và đương nhiên các bạn trẻ muốn được người lớn tôn trọng, được đối xử như người lớn. Vậy nhưng cái cách chúng ta nhìn nhận, đối xử với các em thì nhiều khi vẫn như trẻ con, mà các lễ tốt nghiệp hình thức, khô khan, nhạt nhẽo, không lấy học trò làm trung tâm là một ví dụ điển hình.
Tôi nhớ hồi đi làm bên Mỹ cũng có hai con học THCS, THPT và có lễ tốt nghiệp đàng hoàng. Bố mẹ nghỉ làm để dự, từ sếp to đến lao động bình thường đều có mặt. Trước đó cả tháng, trường đã gửi thông báo, ngày giờ, và trang phục của các em trong ngày lễ tốt nghiệp. THCS chỉ cần quần short (quần ngắn), áo trắng, các em gái mặc váy dài, có em comple (áo vest) hẳn hoi. THPT cũng thế nhưng đã sang trọng hơn vì các con bắt đầu lớn, ý thức về bề ngoài.
Hội trường đông nghịt vì phụ huynh và người thân đến dự, hầu hết là comple, váy sang trọng, ai cũng hân hoan. Hội trường để một lối đi rộng. Bắt đầu là đội danh dự cầm quốc kỳ và cờ của tiểu bang đi vào, tiếp theo từng đôi học sinh đi theo, hiệu trưởng đứng trang nghiêm đón từng em vào hội trường, bố mẹ đứng lên hoan hô. Các em ngồi trên ghế danh dự ở những hàng đầu, bố mẹ ngồi dưới hội trường.
Quốc ca vang lên, hiệu trưởng đọc tên từng em lên nhận bằng tốt nghiệp với medal (giống như huy chương với ý nghĩa công nhận tốt nghiệp) khoác lên cổ. Ngồi ở dưới hội trường, nhìn thấy con trai đi lên đàng hoàng, tự nhiên tôi nghẹn trong lòng khi nghe cô hiệu trưởng tuyên bố "Em Bin đã tốt nghiệp".
Lễ tốt nghiệp cũng có phát biểu của phụ huynh, của thầy cô, của học trò, cảm nhận về những năm tháng trong trường, rất cảm động. Tôi nhớ là không có chuyện quà cáp cho giáo viên hay trường. Có chăng chỉ là gift card (thiệp quà) với giá 5-10 USD nếu ai muốn tặng thầy cô vào dịp Noel, nhưng không phải đưa vào ngày lễ tốt nghiệp, không bao giờ có phong bì tiền mặt vì sẽ bị coi là hối lộ.
Một buổi lễ trang trọng như thế, lấy học sinh làm trung tâm thì chắc chắn là các em sẽ nhớ mãi.
Một mùa tốt nghiệp nữa sắp đến. Lễ ra trường cho tuổi 15 hay tuổi 18 - lứa tuổi sắp thành người lớn, phải tổ chức cho đúng nhận thức ở lứa tuổi các con.
Các con sẽ nhớ mãi và coi trường lớp, thầy cô, cha mẹ là những người bạn, đã là bạn thì chúng sẽ dành nhiều thời gian để trò chuyện, chia sẻ. Và ngày lễ ra trường thành ngày đong đầy nỗi nhớ khi đi trên đường đời thay vì chỉ nhớ cái trường xưa sao mà… nóng vậy.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!