Không chủ quan với áp lực tăng giá tiêu dùng
Chỉ còn gần một tháng rưỡi nữa sẽ khép lại năm 2022 và mục tiêu kiểm soát lạm phát của cơ quan điều hành được cho là "trong tầm tay". Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 2,14%. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát năm nay khoảng 4%.
Có thể nói, việc đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thời gian qua cùng với giữ được nhịp tăng trưởng ổn định đã khiến Việt Nam trở thành điểm sáng vĩ mô trong bức tranh bất ổn của kinh tế toàn cầu năm 2022.
Ít nhất là đến thời điểm hiện tại, sự thành công về mặt điều hành của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận. Bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đánh giá "Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay" đó là kiểm soát tốt lạm phát và là một trong số ít quốc gia tránh được suy thoái liên quan tới Covid-19.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế diễn biến trên thị trường hiện tại cũng như đánh giá lại một cách đầy đủ những ảnh hưởng của tình hình vĩ mô thế giới đến nền kinh tế trong nước sẽ thấy rằng, còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa dừng lại "kế hoạch diều hâu" (ưu tiên kiểm soát lạm phát, đưa về mức 2-3%); xung đột Nga - Ukraine đang tiếp diễn; Trung Quốc tiếp tục chính sách "zero Covid"… Sự đứt gãy cung - cầu hàng hóa trên thị trường thế giới chưa được khắc phục.
Theo đó, áp lực tăng giá tiêu dùng là hiện hữu và cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tinh thần, về chính sách ứng phó của cơ quan điều hành (bao gồm cả tài khóa và tiền tệ). Nói với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại một số cuộc họp gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh "tuyệt đối không được chủ quan"
Lạm phát - hiểu một cách đơn giản - là mọi thứ đều đắt đỏ hơn, phải chi nhiều tiền hơn để mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10 vừa qua, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Đồ thị chỉ số giá CPI tính so với cùng kỳ đang trong xu hướng tăng theo tháng.
Đáng chú ý, nhóm chỉ số giá nhóm giao thông tháng 10 giảm 2,17% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm - đây là yếu tố then chốt để kìm giữ lạm phát tháng vừa rồi. Mức giảm từ nhóm này chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 3/10, 11/10 và 21/10 làm cho giá xăng giảm 5,99% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 0,6%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây giá xăng đã tăng trở lại. Đến chiều 11/11 thì giá xăng đã điều chỉnh tăng 4 lần liên tiếp với mức tăng lần thứ 4 khá mạnh (giá xăng E5 RON 92 tăng 840 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.110 đồng/lít), khả năng sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 11 (dự kiến công bố ngày 29/11 tới).
Ngoài mặt hàng xăng dầu thì trong lĩnh vực y tế cũng đã xảy ra hiện tượng tăng giá do thiếu thuốc, sinh hóa phẩm…
Nguyên lý chống lạm phát bên cạnh cân đối cung - cầu còn có thắt chặt tiền tệ, tăng cường xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu (để hạn chế nhập khẩu lạm phát). Song quan sát thấy rằng, nền lãi suất hiện tại đã tăng so với trước, doanh nghiệp chịu áp lực chi phí lãi vay cao hơn nên sản phẩm hàng hóa cũng khó tránh khỏi tăng giá.
Chốt phòng thủ rất quan trọng hiện nay là lương thực, thực phẩm (vốn chiếm đến 40% rổ tính giá - các hàng hóa, dịch vụ để tính chỉ số giá tiêu dùng). Chỉ số giá lương thực, thực phẩm thời gian vừa qua chỉ tăng nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào. Vậy nhưng, cũng cần tính đến việc hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thực phẩm, để phục vụ nhu cầu thời gian cuối năm với các dịp lễ, tết.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định về định hướng điều hành sắp tới là kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Mong rằng khoảng cách từ mục tiêu, định hướng chính sách đến thực tiễn sẽ được rút ngắn, để đời sống người lao động được đảm bảo, đồng lương không bị "bào mòn" trong lạm phát.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!