Kinh tế Việt Nam 2023: Kiên cường vượt các cơn gió ngược
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2023 tăng 5,05%, gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, là nét khác biệt đáng tự hào, điểm sáng của Việt Nam trước những cơn gió ngược toàn cầu.
Nổi bật trong bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế đó là khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 3,83% thực hiện xuất sắc vai trò quan trọng là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, góp phần kiểm soát thành công lạm phát năm 2023 ở mức 3,25%, làm căn cứ để Chính phủ điều chỉnh giá mặt hàng chiến lược. Đặc biệt ngành nông nghiệp tăng 3,88% ghi dấu ấn đậm nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả; tạo điểm sáng nổi bật trong bức tranh thương mại hàng hóa quốc tế.
Năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước tính hơn 1,7 triệu tỷ đồng, vượt 6% dự toán cả năm trong bối cảnh khó khăn, khắc nghiệt của hoạt động sản xuất kinh doanh; bội chi ngân sách nhà nước ở mức 0,14% GDP, thấp hơn rất nhiều mục tiêu Quốc hội giao 4,42% GDP.
Kết quả thu ngân sách năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là: Đảm bảo cân đối thu chi, giữ vững ổn định ngân sách nhà nước; tạo nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia...
Những điểm sáng và dấu ấn đậm nét của bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 ghi nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực doanh nghiệp.
Năm 2023, cộng đồng doanh nhân luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo vượt khó, từng bước phục hồi, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong khó khăn, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh liên kết nhằm ứng phó với những bất ổn, tăng cường khả năng thích ứng trước các biến động khó lường của kinh tế thế giới, giữ vững năng lực cạnh tranh; đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; ứng dụng kinh tế số; vượt qua khó khăn, giữ ổn định và phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khó khăn bủa vây, cộng đồng doanh nhân vẫn hăm hở lao vào kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 159.294 doanh nghiệp, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong năm gần chạm mức 160.000, tạo ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Tính chung trong năm 2023, cả nước có hơn 217.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm trước; bình quân một tháng có trên 18.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 172.000, tăng 20,5%; bình quân một tháng có gần 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Năm 2023 này cũng ghi nhận lần đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất về quy mô với hơn 625.000 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch năm, tăng 21,2% so với năm trước. Có thể nói đầu tư công nổi lên là động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp cho các động lực tăng trưởng khác; nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trong những năm tới.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phản ánh sự hiệu quả trong thực thi chính sách kích cầu đầu tư nâng cao năng lực của nền kinh tế với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cả năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI thực hiện cả năm ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Kết quả đăng ký mới và số vốn FDI thực hiện trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, cùng với đó nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, đang định hình lại và dẫn dắt kinh tế thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đầu tư. Đây là minh chứng về niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, đầy tiềm năng, mở ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.
Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả "Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu" với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và xuất siêu của nền kinh tế quý sau cao hơn quý trước.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu ước tính giảm 2.000 tỷ USD, tương đương giảm 8% so với năm trước.
Bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 sẽ sắc nét hơn, ấn tượng sâu đậm hơn nếu như một số bất cập về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh được tháo gỡ kịp thời; nếu doanh nghiệp không phải đối mặt với khó khăn từ dòng tiền và thủ tục hành chính. Đặc biệt, nếu một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh, bớt vô cảm với những khó khăn của doanh nghiệp và người dân.
Về vốn đầu tư công, ước giải ngân đến hết tháng 11 đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123.000 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.
Đối với kinh tế nước ta, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 10% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,58 điểm phần trăm. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam có thể tăng thêm 23% nếu nâng hiệu suất quản lý bằng các nước đi trước; đồng thời nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng 1 điểm phần trăm thúc đẩy GDP tăng thêm 0,1-0,12 điểm phần trăm.
Nếu nâng hiệu suất quản lý và sử dụng vốn đầu tư sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 2,3-2,76%. Có thể thấy, nếu như đầu tư công được giải ngân nhanh hơn; các dự án công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm hơn; nếu xóa bỏ được tình trạng nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ hàng chục năm so với kế hoạch thì kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng nhanh và bền vững trong hàng thập kỷ.
Bên cạnh điểm sáng trong xuất khẩu hàng nông sản, bức tranh thương mại hàng hóa quốc tế năm 2023 của nước ta xuất siêu cao so với năm trước nhưng không phản ánh sức mạnh thực chất của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, khiến nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm, cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều giảm, nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn mức giảm của kim ngạch xuất khẩu nên dẫn tới xuất siêu. Nói cách khác, xuất siêu cao của nền kinh tế kém bền vững, chưa thực sự đáng mừng.
Tóm lại, có thể nói kinh tế Việt Nam năm 2023 đã kiên cường vượt các cơn gió ngược, tạo điểm sáng trong bức tranh kinh tế, thương mại toàn cầu xám màu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều bất cập đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới.
Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!