"Không lòng vòng, không phiền hà, chậm trễ"
Lần hiếm hoi chúng ta thấy ngôn ngữ rất đời sống xuất hiện trong một văn bản chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong tháo gỡ triệt để những "điểm nghẽn" của dự án bất động sản.
Có lẽ không cần phải nói thêm về những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay, từ ách tắc về các thủ tục pháp lý cho đến nguồn vốn tín dụng, trái phiếu. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1435 thành lập Tổ công tác để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án bất động sản (Tổ công tác 1435).
Theo báo cáo hồi tháng 5, Tổ công tác 1435 đã rà soát 180 dự án ở TP Hồ Chí Minh, 170 dự án ở Hà Nội, 75 dự án ở Đà Nẵng, 65 dự án ở Hải Phòng, 79 dự án ở Cần Thơ; đã tiếp nhận 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan 121 dự án. Số lượng dự án và tính đa dạng của các vướng mắc chắc chắn sẽ không ngừng gia tăng trong thời gian tới.
Một trong những vướng mắc lớn nhất được phát hiện là công tác định giá đất. Theo báo cáo của một số địa phương và doanh nghiệp, có những dự án được giao đất 5-7 năm, cá biệt có dự án là hơn 10 năm nhưng vẫn không thể xác định được giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước vì các lý do từ khách quan đến chủ quan.
Để tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 634/CĐ-TTg ngày 10/7 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất. Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp tỉnh: "Tập trung chỉ đạo công tác định giá đất, quyết định giá đất theo thẩm quyền, không lòng vòng, không gây phiền hà, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án..."
"Không lòng vòng, không gây phiền hà, chậm trễ" - lần hiếm hoi tôi được thấy ngôn ngữ rất "đời thường" xuất hiện trong một văn bản hành chính. Nó khiến cho tinh thần của chỉ thị từ người đứng đầu Chính phủ trở nên gần gũi hơn, và bởi thế sâu sát hơn.
Sự gần gũi, sâu sát ấy là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư và khách hàng đang dần "kiệt sức".
Tại một cuộc làm việc với Tổ công tác 1435 hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp các vướng mắc tại các dự án để phân nhóm: (i) Nhóm các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương; (ii) Nhóm các vướng mắc do các quy định của pháp luật. Với nhóm vướng mắc thứ hai thì cần sửa đổi, bổ sung các Thông tư, Nghị định; đề xuất Quốc hội sửa đổi các luật hoặc ban hành Nghị quyết để giải quyết...
Nhưng vẫn còn đó những vướng mắc ở nhóm một: Pháp luật đã có quy định song khâu thực thi tại địa phương chưa tốt dẫn đến "tắc nghẽn". Với nhóm vấn đề này thì thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh. Nó gợi nhớ đến việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng nói về việc một địa phương trong một năm có gần 600 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ".
Luật Đất đai năm 2013 đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất và quyết định giá đất cho các cấp chính quyền địa phương. Định giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư dự án là thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, các cơ quan trung ương chỉ quy định các phương pháp định giá đất và hướng dẫn thực hiện. Việc chậm trễ trong tham mưu, quyết định giá đất có một phần nguyên nhân từ việc các văn bản pháp luật chưa thực sự rõ ràng nhưng không thể không xét đến sự thiếu quyết tâm, chưa chủ động của địa phương và một vấn đề đã được thảo luận tại nghị trường Quốc hội thời gian qua: "Bệnh sợ trách nhiệm" của cán bộ, công chức.
Công điện 634 của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến các địa phương trong công tác định giá đất thời gian tới. Trước đó, Chính phủ cũng có Nghị quyết 73 ngày 6/5 về việc UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất nhằm đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư... (Quy định hiện nay tại Luật Đất đai năm 2013 dẫn đến nhiều trường hợp việc quyết định giá đất cụ thể bị kéo dài không cần thiết, đẩy việc lên UBND cấp tỉnh và gây "quá tải" các cơ quan chuyên môn trực thuộc: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính...).
Trong số những vấn đề mà các địa phương báo cáo lên Tổ công tác 1435 của Thủ tướng thời gian qua, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng địa phương vẫn "xin ý kiến cho chắc ăn", chẳng hạn việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô trong chủ trương đầu tư dự án đã quy định tại Luật Đầu tư; hay việc cho phép chủ đầu tư chuyển hình thức từ thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cũng đã có quy định tại Luật Đất đai hiện hành...
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản rõ ràng phải bắt đầu bằng sự chủ động, linh hoạt, quyết tâm của cấp chính quyền địa phương.
Ngoài các vướng mắc pháp lý về đất đai thì một nhóm vướng mắc cũng nổi cộm hiện nay liên quan đến quy hoạch đô thị. Chẳng hạn tại tỉnh Đồng Nai, Tổ công tác 1435 đã rà soát 7 dự án của các tập đoàn lớn và khó khăn chủ yếu liên quan đến sự không đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Tại báo cáo số 2044 ngày 10/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Thủ tướng về nguyên nhân dẫn đến sự không đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch là do quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt trước (từ năm 2012), sau đó quy hoạch chung (năm 2014) và quy hoạch phân khu (năm 2016) mới phê duyệt. Tuy nhiên, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã không cập nhật đầy đủ các hồ sơ quy hoạch chi tiết của các dự án đã phê duyệt trước đó. "UBND tỉnh Đồng Nai xác định đây là thiếu sót của địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch", báo cáo số 2044 nêu rõ.
Do quy hoạch chi tiết không phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn nên các đại dự án đô thị đều bị dừng thủ tục pháp lý hơn 2 năm qua. Vướng mắc do lỗi trực tiếp của cơ quan Nhà nước, do vậy việc tháo gỡ vướng mắc hơn lúc nào hết cũng cần áp dụng triệt để tinh thần "không lòng vòng, không phiền hà, chậm trễ" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!