Không chủ quan với giá cả tiêu dùng nửa cuối 2024
Nhiều năm qua, tỷ lệ lạm phát luôn duy trì mức khá thấp, thường dưới 4% trong khi tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao hơn 5%.
Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, có những dấu hiệu không được phép chủ quan trong điều hành chính sách liên quan.
Tính bình quân CPI trong quý II đã tăng 4,39% so với cùng kỳ 2023, chính vì thế CPI bình quân của 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 4,08% so với 6 tháng đầu năm 2023. Dù lạm phát cơ bản (chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của CPI) vẫn dưới 3%, nhưng CPI thực tế đã tiệm cận rất gần lạm phát mục tiêu 2024 theo nghị quyết của Quốc hội là 4,5%.
Dữ liệu thống kê cho thấy, CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ 2023; chỉ số giáo dục tăng 8,58%, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%... Đây đều là nhóm các chỉ số cơ bản có ảnh hưởng tác động lớn cuộc sống người dân.
Trong chiều ngược lại, các nhân tố giúp kìm đà tăng của CPI đến từ các dịch vụ viễn thông, điện thoại...
Chỉ số giá tiêu dùng tăng trong điều kiện tín dụng tăng chậm (đến giữa tháng 6/2024 mới chỉ tăng 3,8%), trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang có dấu hiệu tăng trở lại trong quý 2 vừa qua khi mà nhiều nhà băng đã tăng lãi suất tiết kiệm lên thêm khoảng 0,3 - 0,5% để thu hút vốn tiền gửi dân cư, khiến cho yếu tố tăng giá cả đến từ yếu tố cả "cầu kéo" và "chi phí đẩy" đều đang rõ nét hơn.
Mức tăng CPI bình quân 4,08% vẫn trong tầm kiểm soát và dưới ngưỡng cho phép. Nhưng theo chúng tôi cần hết sức chú ý trong việc hạn chế các tác động CPI trong 6 tháng cuối năm bởi một số nhân tố ảnh hưởng chính yếu sau đây:
Một là, chủ trương tăng lương cho cán bộ, công chức và người về hưu đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1/7. Mức tăng lần này là khá lớn (30% cho cán bộ công chức và 15% cho người về hưu), tổng Ngân sách dự toán cho tăng lương 2024 là khoảng 165.000 tỷ đồng.
Số tiền trên cùng đối tượng được hưởng chính sách tăng lương rất lớn, nên chắc chắn nhóm này sẽ tự tăng cầu (nhất là hàng hóa dịch vụ thiết yếu) khiến cho giá cả dự báo sẽ tăng lên; đó là chưa kể đến yếu tố "té nước theo mưa" trên thị trường nếu không được kiểm soát tốt.
Hai là, tác động của tăng cung tiền từ việc thông qua các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Theo số liệu thống kê, năm nay với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, sẽ có 2 triệu tỷ đồng tiền vay được bơm vào nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu này đạt khá thấp khi tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng gần 5%. Điều này đồng nghĩa khả năng dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế sẽ phải tăng cao gấp 2 lần nửa cuối năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng, tạo ra điều kiện để giá cả hàng hóa dịch vụ do yếu tố cầu kéo sẽ tăng cao.
Ba là, cuối năm cũng thường là dịp có nhiều yếu tố tác động đến tổng cầu như: nghỉ lễ 2/9, giáng sinh và năm mới, mùa nhập học của sinh viên và các lễ hội... cũng ít nhiều tác động đến tăng CPI tiêu dùng.
Như đã đề cập, lạm phát cơ bản đang được kiểm soát tốt, cho nên CPI (loại đi một số nhóm hàng hóa khi tính lạm phát cơ sở) dù có tăng cao, nhưng Chính phủ những năm qua đã có nhiều kinh nghiệm trong thực thi kiểm soát CPI. Dù sao chúng ta không nên chủ quan. 6 tháng cuối năm nay với những yếu tố khác biệt hơn so với những năm trước như đã phân tích ở trên, có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và cả hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội (ví dụ chính sách tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7...), do vậy đây là vấn đề cần quan tâm và điều hành các công cụ kinh tế phù hợp để giảm thiểu các tác động của tăng CPI, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát thực chất năm 2024.
Tác giả: Ông Đặng Công Hoàn là Tiến sĩ kinh tế, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải là quan điểm của các đơn vị tác giả đang công tác.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!