"Không bùn thì chẳng có sen"
Bức ảnh cô giáo mầm non Hoàng Minh Diệp - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn, Yên Bái, lấm lem bùn đất, chân đứng trong dòng nước lũ ăn mì tôm sống đã gây xôn xao trên mạng xã hội và báo chí những ngày qua. Bức ảnh nổi tiếng một cách bất ngờ, lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây xúc động cho cộng động mạng tưởng như không có gì đặc biệt. Cô gái trong ảnh không son phấn, không tạo dáng, khung cảnh xung quanh chỏng chơ bao tải rác…
Xuất xứ của bức ảnh cũng giản dị, cô giáo Hoàng Minh Diệp kể lại: "Ngày 12/9, hôm đó nước rút dần, bùn rất nhiều, tôi cùng các giáo viên, người dân đến trường bắt tay dọn vệ sinh. Dọn dẹp cả buổi, nhìn thấy gói mì tôm, tôi bóc ra ăn sống để chống đói. Lúc đấy đồng nghiệp đưa điện thoại lên, nhưng tôi cũng chẳng để ý đến việc được chụp ảnh vì quần áo đã lấm lem bùn đất". Đồng nghiệp đã đăng bức ảnh lên Fanpage của nhà trường mà chẳng ngờ lại được nhanh chóng lan truyền đến vậy.
Sự ngẫu nhiên của tấm hình khiến tôi có niềm tin rằng đây là một bức ảnh hoàn toàn tự nhiên. Gương mặt tươi sáng, đôi mắt xa xăm nhưng đầy lạc quan nhìn ngôi trường ngập bùn đất truyền cảm hứng và năng lượng tích cực từ vẻ đẹp chân thực, vẻ đẹp từ lao động. Có lẽ chính vì thế mà nhà văn người Nga Dostoevsky đã viết: "Cái đẹp cứu rỗi nhân loại".
Cô giáo Hoàng Minh Diệp không ngờ mình bỗng dưng được gọi là "hoa hậu" vùng lũ. Cũng thật tình cờ là đúng dịp ấy diễn ra chung kết một cuộc thi hoa hậu.
Tôi đã từng một số lần tham gia trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với vai trò phóng viên, đủ để cảm thấy sự khác biệt giữa thí sinh hoa hậu trên sân khấu và sau cánh gà khi chưa trang điểm. Trên sân khấu họ thật lộng lẫy, long lanh dưới ánh đèn nhưng sau cánh gà, khi chưa được các chuyên gia tô son điểm phấn, làm tóc, nhiều cô gái không còn tỏa sáng nữa…
Có lẽ không nên so sánh vẻ đẹp của "hoa hậu" vùng lũ với hoa hậu cuộc các cuộc thi nhan sắc. Nhưng có một thực tế, chúng ta đang ngày càng chứng kiến nhiều sự "sắp đặt và diễn" trên mạng xã hội cũng như trong đời sống. Nhiều bức ảnh, nhiều thước phim, nhiều câu chuyện, nhiều tuyên ngôn đã đánh mất đi sự chân thật, tự nhiên thay vào đó là sự dàn dựng nhằm "câu views".
Ngay cả trong cơn bão Yagi mới đây, mạng xã hội lan truyền bức ảnh của hai vợ chồng để con nhỏ ngồi trong chậu di chuyển giữa dòng nước lũ, kèm nội dung "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang". Song hình ảnh đó chỉ là sự dàn dựng của một Youtuber trong thời điểm mưa lũ.
Mạng xã hội có rất nhiều thông tin hữu ích và tích cực. Nhưng chúng ta cũng chứng kiến trên mạng xã hội xu hướng nhiều người trẻ "tô vẽ" bản thân khác xa với cuộc sống thực tế, thậm chí quay lưng lại với xuất thân, nguồn gốc của mình. Có những người mượn bữa ăn sang chảnh của người khác đưa lên trang cá nhân như một cách xây dựng hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác. Hay chỉnh sửa sao kê để tạo "phông bạt" về lòng trắc ẩn.
Có lẽ đặt trong bối cảnh "sắp đặt và diễn" đang hiển hiện khắp nơi trên không gian mạng, bức ảnh cô giáo Hoàng Minh Diệp nhai mì tôm sống trong bộ trang phục lấm lem bùn đất càng có sức lan tỏa. Tôi nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói nơi nào không có bùn thì không có sen. Cô giáo Hoàng Minh Diệp không né tránh bùn đất mà cùng các đồng nghiệp thực hiện công việc của mình, lau dọn ngôi trường sau cơn lũ để đón các em học sinh khi năm học mới đang bắt đầu.
Dường như bùn đất chính là một thứ trang điểm tự nhiên làm cô giáo đẹp hơn. "Không bùn thì chẳng có sen", sen kia có được là nhờ những bàn tay chung sức nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, chứ không phải để "làm màu" khi bão lũ đang để lại hậu quả nặng nề khắp các tỉnh, thành miền Bắc.
Tác giả: Nhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!