Trung thu không rước đèn
Thông tin hoãn tổ chức Trung thu ở khu nhà tôi với lý do bão lũ khiến người lớn ai cũng đồng tình. Bởi mấy hôm trước trên mạng xã hội người ta công kích, ném đá những người vô cảm, đang bão lũ tang thương mà bật nhạc xập xình nhảy… aerobic của mấy bà, mấy chị dưới sân chung cư.
Bởi cũng vì, hậu quả bão lũ là rất tang thương và đã làm tiêu tán bao nhiêu tài sản của mọi người, khiến lòng ai cũng nặng trĩu lo âu. Cả nước chung tay quyên góp cho đồng bào bão lũ khiến ngân sách tổ chức Trung thu chắc chắn bị cắt giảm ít nhiều. Cảm động hơn nữa, nhiều cơ quan, đoàn thể thay vì biếu bánh Trung thu cho đối tác (việc vẫn diễn ra mỗi năm vào độ Trung Thu) thì năm nay, họ dùng ngân sách đó vào ủng hộ đồng bào. Rất đáng trân trọng.
Khi lễ Trung thu không diễn ra, lũ trẻ lớn hơn thì hiểu khi suy nghĩ đến bối cảnh sự tàn phá của bão lũ, nhìn thấy cha mẹ căng mình lên đi làm thiện nguyện, thậm chí tham gia cùng cha mẹ. Nhưng mấy đứa nhóc mầm non, tiểu học thì người lớn phải giải thích nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ muốn nhân dịp này muốn dạy con về tình người, về sự san sẻ và giúp đỡ nhưng không biết cách nói cho con hiểu, mà chỉ áp đặt tự quyết lấy số tiền mua quà Trung Thu để quyên góp.
Nên hay không nên tổ chức Trung thu? Tôi đồng thuận với cách tiếp cận trong công văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 12/9, về việc tổ chức Trung Thu năm nay. Đó là quan tâm, chăm lo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 một cách phù hợp "trên cơ sở bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức, đặc biệt ở những nơi bị ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt, thiên tai sau bão"…
Tôi quan sát thấy nhiều nơi "quán triệt" đến mức không có Trung Thu. Tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định này. Nhưng, tôi cũng nghĩ rằng, trên cơ sở điều kiện thực tế của mỗi địa phương, chúng ta vẫn có thể tổ chức trung thu giản dị kết hợp với hoạt động tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" cho trẻ em.
Nghĩa là một Trung thu không rước đèn, không đánh trống nhưng không có nghĩa là thờ ơ. Nếu có gì cần cắt bỏ, thì đó là cắt bỏ các sự kiện tập trung đông trẻ em và đông người; cắt bỏ các tiết mục văn nghệ của người lớn, cho dẫu các ca sĩ chuyên nghiệp hát hay đến rớt nước mắt những ca khúc đồng bào, những giai điệu chữa lành thương tổn do bão lũ. Nếu có cắt, hãy cắt đi những báo cáo thành tích địa phương vì đó là thứ người lớn cần biết, muốn biết chứ lũ trẻ thì không (hoặc chưa phải lúc). Nếu có cắt, xin hãy cắt đi những món quà tri ân, lời chúc đoàn viên giữa người lớn với nhau để dành nguồn lực cho cứu trợ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Như ở doanh nghiệp nhà tôi, vợ chồng tôi đều đã gửi cho các đối tác từ hôm 10/9 tin nhắn không nhận quà Trung Thu cùng số tài khoản của Quỹ Hạt Vừng mà tôi đang tham gia.
Tôi mong Tết Trung Thu vẫn được diễn ra ngay trong mỗi gia đình để chúng ta nói với nhau về sự đoàn viên và tình nghĩa đồng bào. Nói với con trẻ về cơn bão số 3 không phải chỉ là nó đã tàn phá và gây thiệt hại khủng khiếp như thế nào, mà còn là nói với con về 2 chữ: Nghĩa cử. Cử chỉ, hành động mang lại ý nghĩa, lợi ích cho nhiều người thì là "nghĩa cử". Bằng chính những hình ảnh đẹp của lòng người, những nghĩa cử của mọi người dành cho nạn nhân của cơn bão Yagi. Để con biết cuộc đời này đẹp vì những nghĩa cử mà người ta dành cho nhau.
Tôi thấy thật tiếc nếu như chúng ta bỏ phí đi một Tết Trung Thu này mà không nhân nó để chia sẻ với con mình, với những đứa trẻ tham gia Tết Trung thu. Về hai chữ: Tình người. Để học cách biết ơn và cho đi.
Những ngày này, mỗi người một tay, một tấm lòng như thế! Chung tay và chung cả trái tim mình hướng về đồng bào đang phải chịu cảnh bão lũ. Để trẻ con học được từ chính cha mẹ mình từ những gì cha mẹ đang làm. Tôi vẫn tin rằng những đứa trẻ ấy sẽ học được không chỉ một tinh thần thiện nguyện không thôi đâu, chúng còn học được lòng trắc ẩn.
Một đứa trẻ có lòng trắc ẩn, biết thương người sẽ biết hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà. Và chắc chắn, nó sẽ trở thành một người lớn tử tế.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!