Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Hàng loạt câu hỏi từ quyết định "bỏ thi vào lớp 6"

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố quy chế tuyển sinh THCS mới. Theo đó kể từ năm 2025, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6 chứ không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao.

Việc thay đổi quy chế này được đưa ra vào cuối học kỳ 1 của năm học nên làm cho không ít phụ huynh học sinh và các cháu cảm thấy bất ngờ, vì phải thích nghi với quy định mới trong bối cảnh năm học đã đi hết một nửa.

Thực ra với những cháu ở địa bàn không có sức ép về sĩ số đầu vào trường THCS, hay các cháu chấp nhận vào học một trường chất lượng bình thường trở xuống, thì quy định trên không có gì đáng nói. Lý do vì lâu nay các trường đó vẫn xét tuyển.

Nhưng, quy định mới sẽ có tác động lớn tới những địa bàn mà học sinh quá đông trong khi trường THCS công lại không đủ chỗ. Và tác động tới học sinh muốn vào các trường THCS công chất lượng cao.

Theo quy chế cũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng yêu cầu các trường xét tuyển vào lớp 6, với những trường có số đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu thì có thể xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Tới đây, theo quy chế mới, những học sinh muốn vào được các trường tốt sẽ phải quan tâm 2 vấn đề cơ bản là tiêu chí xét tuyển và quy trình tuyển sinh.

Hàng loạt câu hỏi từ quyết định bỏ thi vào lớp 6 - 1

Học sinh Tiểu học sẽ phải qua quy trình xét tuyển để lên lớp 6 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xét tuyển do Sở Giáo dục và Đào tạo mỗi tỉnh, thành hướng dẫn; đảm bảo công bằng, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế. Riêng với các trường THCS thuộc đại học, tiêu chí xét tuyển có thể theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản hoặc của địa phương nơi đặt trụ sở.

Về quy trình, UBND cấp quận, huyện sẽ phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 6, gồm các thông tin về đối tượng, chỉ tiêu, địa bàn, tiêu chí, thời gian xét tuyển và công bố kết quả. Kế hoạch tuyển sinh được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Nhìn qua thì thấy xét tuyển có vẻ đơn giản hơn thi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tiêu chí xét tuyển mà các địa phương hướng dẫn sẽ "đảm bảo công bằng và khách quan" như thế nào? Khi không có kỳ thi xét tuyển nữa thì việc tuyển sinh phải dựa chủ yếu vào thành tích trong học bạ của học sinh. Vậy thì điểm số trên học bạ đáng tin cậy ở mức độ nào? Liệu có ngăn chặn được nguy cơ tiêu cực từ việc "chạy thầy, chạy điểm" cho con từ lớp 1 trở đi để vào được trường THCS tốt hay không? Cơ chế giám sát của những khâu này ra sao?

Các băn khoăn trên càng trở nên gay gắt hơn khi nhìn vào tỷ lệ cạnh tranh để vào được một trường THCS loại tốt. Ví dụ năm 2023, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành ở Hà Nội có tỷ lệ "chọi" của đầu vào lớp 6 là 1/24. Năm 2024, trường có 5.555 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 là 270, tỷ lệ "chọi" là 1/20,5.

Cũng trong năm 2024, Trường THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) có tỷ lệ chọi là 1/18. Các trường tốt khác ở Hà Nội như THCS Cầu Giấy, Thanh Xuân, trung bình một học sinh phải cạnh tranh với khoảng 10 bạn khác để mong có một suất học tại trường.

Ngay cả với các trường THCS bình thường, nếu ở địa bàn áp lực dân số cao thì sĩ số học sinh đầu vào cũng rất cao, gây khó khăn cho xét tuyển lớp 6. Năm 2024, Hà Nội có khoảng 160.000 học sinh tốt nghiệp tiểu học và bước vào lớp 6, tăng khoảng 58.000 học sinh so với năm trước. Con số này bằng hoặc nhiều hơn số học sinh của cả cấp THCS ở một số tỉnh lẻ.

Vì vậy, mục đích bỏ kỳ thi vào lớp 6 là để giảm áp lực cho học sinh, nhưng với thực tế hiện nay thì quyết định này có thể dẫn tới những áp lực khác với các em và phụ huynh. Đó là thay vì chỉ tập trung "đua" trong một, hai năm cuối cấp tiểu học, nay các em sẽ phải "đua trường kỳ" từ lớp 1 tới lớp 5 để làm sao đạt chuẩn xét tuyển vào lớp 6. Không loại trừ ngoài học bạ, các cháu còn phải chạy "đua" theo nhiều cách khác nhau để "làm đẹp hồ sơ", trong đó có cả các kỳ thi năng khiếu đủ kiểu.

Vừa qua, nhiều đại học đã tuyên bố bỏ phương thức xét tuyển sinh viên dựa trên học bạ, cho thấy họ không đánh giá cao điểm số trong học bạ. Một thực tế là nhìn vào học bạ của nhiều học sinh thi vào lớp 6 các trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội, ta sẽ thấy toàn điểm 10. Tới đây bỏ thi vào lớp 6, nhà trường tuyển sinh như thế nào với những học bạ toàn điểm 10 này, trong khi số lượng tuyển sinh thường rất ít so với số học sinh có nhu cầu nhập học. Đó là chưa kể, học bạ dù điểm 10 như nhau nhưng chất lượng học hành của các cháu sẽ khác nhau vì phụ thuộc vào chất lượng giáo dục từng trường tiểu học khác nhau.

Nhìn lại giai đoạn 10-15 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần thay đổi quy chế tuyển sinh THCS, phần nào cho thấy sự thiếu ổn định của chính sách. Thiết nghĩ, việc bỏ thi vào lớp 6 dù mục đích tốt song chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu như không có "cuộc đua" vào trường chất lượng cao ở các thành phố lớn, cũng như các địa phương xây đủ trường công để cho toàn bộ học sinh tiểu học trên địa bàn có thể vào học lớp 6 mà không cần lo nghĩ.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!